Tiếng trẻ khóc làm ông chợt tỉnh, mới 4 giờ sáng. Ca sanh con so đêm qua đến 1 giờ sáng mới xong. Ông và cô nữ hộ sinh trực đều mệt nhoài. Nhìn lịch chợt nhớ hôm nay toàn thế giới kỷ niệm Ngày Điều Dưỡng-Hộ Sinh. Email ông nhận chiều qua, The International Council of Nurses (ICN) nêu chủ đề cho ngày kỷ niệm 12 tháng 5 năm 2023: “OUR NURSES. OUR FUTURE” .Với chủ đề này ICN xác định chúng ta đang có những người điều dưỡng, hộ sinh quý báu và những người này trong thời gian đến tất yếu góp phần quan trọng giải quyết những thách thức về vấn đề sức khỏe toàn cầu và cải thiện sức khỏe cho mọi người trên hành tinh chúng ta. ICN cũng nhấn mạnh cần học hỏi kinh nghiệm từ cơn đại dịch vừa qua để biến thành hành động trong tương lai nhằm bảo đảm người điều dưỡng, hộ sinh được bảo vệ, được tôn trọng, được đánh giá đúng giá trị của mình và được đầu tư đúng mực.
Vừa nhấp từng ngụm cafe ông nhớ lại những ngày thực tập chăm sóc người bệnh trong năm thứ hai y khoa, học cách đo huyết áp, đo nhiệt độ, chích thuốc, thay drap giường bệnh v.v...và người hướng dẫn là những chị điều dưỡng đầy kinh nghiệm về đào tạo. Nhiều bạn của ông tỏ vẻ coi thường các giờ học này, ông thì khác, vẫn cần cù thực hành cùng các chị. Cho đến nay - chỉ còn 2 năm nữa nghỉ hưu - ông càng thấm thía giá trị giờ học điều dưỡng ngày xưa, biết bao người thân trong gia đình được ông chăm sóc theo bài bản đã học, họ hài lòng. Lần đầu tiên giúp sinh cho một sản phụ, ông được chị nữ hộ sinh tận tình chỉ dẫn, chỉ dẫn từ cách theo dõi cơn co tử cung, lúc nào cho sản phụ rặn và khi cháu bé lọt lòng tốt đẹp thì câu đầu tiên phải nói với người mẹ chị ơi cháu trai và không thấy dị dạng bất thường bên ngoài, ôi, bao nhiêu nỗi đau đớn mệt nhọc trôi đi hết, chỉ còn đọng lại tiếng khóc inh ỏi của đứa con và nụ cười rạng rỡ của người mẹ, hạnh phúc nào bằng. Ông luôn nhớ: các chị chính là người thầy của ông trong bước đầu học làm bác sĩ. Năm vừa tốt nghiệp ông chính thức là bác sĩ điều trị tại một bệnh viện tỉnh, trong đêm trực ông khám một cháu bé và rất nhanh ông ghi chẩn đoán cháu bé bị tiêu chảy, chị điều dưỡng trưởng của khoa nói nhỏ với ông: theo tôi BS nên mời khoa ngoại hội chẩn, ông ngạc nhiên hỏi tại sao, chị nói BS có để ý dáng đi của cháu không, cháu đi nhưng tay phải cháu ôm hố chậu phải, dáng đi nghiêng bên phải, có thể viêm ruột thừa, tôi đã gặp vài năm trước. Tự ái, tự kiêu nhưng nhìn ánh mắt chân tình của chị ông cũng cho mời hội chẩn và cháu bé được mổ sớm ruột thừa viêm, nếu trễ bé sẽ ra sao? Những dấu hiệu lâm sàng sách vở không ghi chép nhưng chỉ có thể học được từ những người có kinh nghiệm có tình yêu thương chân thật với người bệnh với đồng nghiệp, chị là người thầy trên chặng đầu hành nghề của ông. Cách đây vài năm ông nhập viện để được mổ tuyến tiền liệt phì đại, người mổ là bạn ông, mỗi sáng ghé đến ông vài phút, thời gian còn lại ông chỉ gặp các cô điều dưỡng, ông biết họ tên, quá trình học hành và cả hoàn cảnh gia đình của họ, ông mở lòng với họ, họ sẵn lòng với ông trên mối quan hệ TÌNH NGƯỜI. Chị điều dưỡng trưởng cũng thường đến với ông, phương sách chăm sóc bệnh nhân sau mổ do chị hướng dẫn các cô điều dưỡng trong khoa từ chăm sóc vết mổ, theo dõi nước tiểu đậm lợt và chế độ ăn uống, nghỉ ngơi tại giường tránh biến chứng sau mổ, khi có bất thường chị mới báo cho bác sĩ điều trị. Nhìn sự phối hợp nhịp nhàng bình đẳng giữa điều dưỡng với điều dưỡng, giữa điều dưỡng với bác sĩ ông mới hiểu hết ý nghĩa sự phối hợp này và tất yếu người bệnh được chữa lành hoàn toàn về thể chất và tinh thần. Chị điều dưỡng trưởng tâm sự chúng tôi học KIẾN THỨC-THÁI ĐỘ-KỸ NĂNG trong thời gian ở trường nhưng trong thực tế THÁI ĐỘ HƠN TRÌNH ĐỘ. Ông thấm thía.
Có tiếng huyên náo ngoài hành lang, ông mở cửa và lặng nhìn những chiếc xe đẩy ngày thường là xe thuốc dụng cụ y khoa hôm nay lèn chặt những bó hoa, hoa tươi quá và tất nhiên cũng mắc quá. Hôm nay sẽ có bao lời có cánh, bao buổi gặp mặt chúc mừng ca tụng, ngày mai bộn bề thường nhật tiếng gọi của bác sĩ, tiếng kêu la của bệnh nhân bủa vây người điều dưỡng hộ sinh.
Vấn đề cốt lõi bác sĩ và điều dưỡng phải biết rằng hai bên có mối liên hệ bình đẳng hỗ tương để đạt kết quả điều trị, người bác sĩ bỏ đi tính tự tôn xưa nay cho rằng điều dưỡng hộ sinh chỉ là người giúp việc, điều dưỡng phải tự tin khẳng định mình là người cộng tác với bác sĩ điều trị bệnh nhân tốt.
Đôi dép không thể thiếu nhau, đúng, chỉ cần phẫu thuật viên đưa tay người điều dưỡng phụ mổ biết đặt dụng cụ gì vào tay ấy để cứu người bệnh. Người điều dưỡng hộ sinh không phải là người vô hình nhưng là người vô giá. Tri dị hành nan nhưng vẫn khả thi, ông tin thế.
Vào phòng giao ban ông bắt tay từng người, ánh mắt nụ cười ấm lòng nhau, bấy nhiêu thôi và ngày nào cũng thế, không cần hoa, không cần lời khách sáo.