Đầu hẻm 324 Tr. Bình Trọng, có một quán bán bánh canh, nhỏ bé, đơn sơ. Nhưng mỗi buổi sáng, người đến ăn khá đông, tấp nập ồn ào. Không biết quán bánh canh nầy có từ lúc nào. Quán ăn lề đường nên không có tên. Những khách quen của quán, vui vẻ đặt cho quán cái tên là Quán Cô Xinh. Quán chỉ có một cái bàn gỗ đơn sơ, trên đó để một số tô, chén. Bên cạnh là một lò lửa than, trên đó đặt một nồi bánh canh thơm ngát. Quán nép mình núp nắng bên hông vách tường của một cao ốc. Trước quán chỉ có hai cái bàn nhỏ cũ kỹ và năm bảy cái ghế. Nhiều khách hàng khi đến ăn bánh canh, họ mang theo cả ghế ngồi. Điều hành việc buôn bán, chỉ có một mình cô Xinh.
Một hôm, cô Xinh thấy một chú bé khoảng bảy, tám tuổi, ốm o, đứng nhìn cô phục vụ cho khách, với đôi mắt thèm thuồng. Cô hỏi nó: ”Em muốn mua bánh canh hả?” Nó trả lời ngay: ”Em không có tiền.” Nó vẫn đứng đó, mắt hau háu nhìn những tô bánh canh cô bưng ra cho khách. Cô hiểu, cô nói với nó: ”Cô cho em một tô bánh canh nhé.” Nó lắp bắp : ”Em không có tiền.” Cô Xinh vui vẻ nói: ”Cô cho em, cô không tính tiền đâu.” Khi cô Xinh đưa tô bánh canh cho thằng bé, cô cứ tưởng nó sẽ vui mừng húp vội tô bánh canh mà nó thèm thuồng. Nhưng cô ngạc nhiên thấy thằng bé không ăn, mà cẩn thận bưng tô bánh canh đi vào trong hẻm. Một lát sau, nó trở lại trả cái tô cho cô và lí nhí cám ơn cô. Cảnh nầy cứ diễn đi, diễn lại nhiều ngày như vậy.
Một hôm, cô Xinh tò mò hỏi nó: ”Em tên gì vậy, hình như em ở trong xóm nầy? Mà sao cô cho em bánh canh mà em không ăn ngay, em lại bưng đi đâu vậy?” Nó rụt rè thưa thật: ”Thưa cô, em tên là Tô, mỗi khi cô cho em bánh canh, em đem về ngay cho mẹ em ăn, vì mẹ em đang đói. Thường ngày, em đi ăn xin để nuôi mẹ em, nhưng không hiểu sao mấy hôm nay em chẳng xin được đồng nào, mẹ em đói lắm. Nếu không có tô bánh canh mà cô cho mỗi ngày, chắc mẹ em chết đói rồi !”
Khi nghe đứa bé kể hoàn cảnh của mẹ con nó, cô Xinh thấy cay cay nơi mắt, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Cô bảo nó: ” Từ nay, mỗi ngày em ghé lại đây, cô gởi bánh canh cho mẹ em ăn nhé.”Thằng Tô cảm động nhìn cô và run run nói: ”Thưa cô, lần đầu tiên em gặp một người thương mẹ em như thế !”
Nhờ những tô bánh canh cô Xinh cho, mẹ Tô sống lay lắt qua ngày. Mấy năm sau, mẹ Tô qua đời. Năm ấy em mới 10 tuổi.
Khi mẹ Tô mất, lối xóm biết hoàn cảnh của em, nên họ góp tiền giúp em mua hòm cho mẹ.
...
Từ đó, ngày ngày nó đi lang thang ở thành phố để xin ăn, tối về ngủ trong những toa xe lửa cũ kỹ bỏ trống ở ga xe lửa Saigon, gần chợ Bến Thành. Ở đó cũng có nhiều đứa bé vô gia cư, ăn xin như nó, trú ngụ vào ban đêm. Chúng nó sống hoà thuận, không hề đánh nhau hay giành giật đồ của nhau. Chúng nó thương nhau, nương tựa nhau để sống.
Một hôm có một em báo tin: ” Ê tụi bây ơi, trưa mai ở Chùa có cho ăn cơm chay miễn phí!” Chúng nó nhao nhao lên: ”Chùa nào mà chơi ngon vậy ?” “Chùa Già Lam !”
Trưa hôm sau, chúng nó tụ tập đông đủ ở sân chùa chờ ăn cơm. Chúng nó được những người làm thiện nguyện, dẫn vô ngồi bàn và cho ăn uống no bụng. Ăn xong, chúng nó tự động biến đi trên khắp nẽo đường của thành phố Sài Gòn. Nhưng thằng Tô ở lại, nó giúp rửa chén bát cho chùa. Nó chăm chỉ, cùng với những người làm thiện nguyện ở chùa, rửa hằng lô chén bát. Nó không ngờ, ở một góc nhà ăn, vị thượng tọa trụ trì đang lẳng lặng quan sát thái độ làm việc của thằng bé ăn xin nầy. Trước khi nó định rời khỏi chùa, thầy trụ trì đến bên nó, mỉm cười hỏi nó: ”Em ở đâu đến đây, gia cảnh của em ra sao?” Tô lễ phép thưa với thầy: “Thưa thầy, cha mẹ con chết hết rồi, hàng ngày con đi ăn xin, tối về con ngủ trong những toa xe lửa bỏ trống ở ga Sài Gòn. Ngày nào con xin được năm ba đồng, thì mua được ổ bánh mì để ăn, ngày nào không xin được gì, thì nhịn đói!”
Thầy trụ trì hết sức xúc động khi biết được hoàn cảnh đáng thương của đứa bé ăn xin. Thầy vuốt tóc nó và thân mật nói: ”Thầy cho con ở lại trong chùa, con sẽ làm việc trong chùa như các chú tiểu khác nhé !”
Từ đó, nó từ giã xóm nhà “toa xe lửa” và ở hẳn trong chùa Già Lam. Thầy thấy nó dễ thương, lanh lợi lại siêng năng, thầy mến nó và cho nó đi học. Ngoài giờ học, nó tưới nước cho những cây cảnh trước sân chùa. Đặc biệt thầy giao cho nó nhiệm vụ đánh một hồi chuông mỗi ngày, lúc 7 giờ tối. Nó sống hiền hoà nên mọi người trong chùa ai cũng thương mến nó. Nó thông minh, lại siêng năng học hành, nên mấy năm sau nó tốt nghiệp Phổ Thông Cơ Sở.
Thầy vui mừng, khen ngợi nó; thầy khuyên nó nên tiếp tục sự học. Thầy bảo nó cứ thi vào Đại Học, biết đâu ơn trên sẽ phù hộ cho nó. Thầy hứa với nó, nếu con đậu vào Đại Học, thầy sẽ cho con một chiếc xe đạp để đi học.
Ơn trên đã đoái thương đến “hoàn cảnh khó nghèo” của một trẻ mồ côi bất hạnh, nên đã phù hộ cho nó đậu vào trường Đại Học Y Dược thành phố. Tô vui mừng báo tin thi đậu cho thầy biết, thầy xúc động ôm nó vào lòng và nói với nó: ”Thầy mừng cho con. Ngày mai con đi với thầy đến tiệm bán xe đạp, thầy mua cho con một chiếc để con đi học.” Khi nhận được chiếc xe đạp mới, Tô quá cảm động, vì đây là lần đầu tiên trong đời, nó nhận được một món quà giá trị như vậy.
Sau 7 năm cần cù học tập trong điều kiện thiếu thốn, Tô đã tốt nghiệp Bác Sĩ với thứ hạng cao. Tô được bổ nhiệm phục vụ ở Phòng Cấp Cứu của Bệnh Viện Đa Khoa Sài Gòn, phía đối diện với chợ Bến Thành. Biết hoàn cảnh của Tô khó khăn, nên bệnh viện cấp cho nó một phòng nhỏ để ở; nhưng nó thích sống ở chùa hơn.
Những ngày làm việc, Tô luôn luôn có mặt ở bệnh viện với tinh thần của một lương y. Tô thương mến, hiền hòa với tất cả bệnh nhân. Nó nhớ đến hoàn cảnh của mẹ con nó năm xưa, nên nó tận tình săn sóc cho những bệnh nhân nghèo. Đôi khi nó trả dùm tiền viện phí cho vài bệnh nhân khó khăn.
...
Một hôm, đang nghỉ trưa, cô y tá trực báo cho Tô biết có một bệnh nhân lớn tuổi mới nhập viện, bệnh tình có vẻ trầm trọng lắm. Bệnh nhân bị sốt cao, lại ho nhiều, thêm tức ngực, khó thở; bà được cho thở oxy và truyền nước biển ngay. Vì bệnh nhân bị ho nhiều nên Tô vội vã dùng ống nghe để kiểm tra phổi của bệnh nhân, xem có gì bất thường không. Khi Tô đọc hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, mắt Tô hoa lên, tim đập mạnh. Tô nhận ra ngay đây là cô Xinh, chủ quán bánh canh năm xưa ở hẻm 324 đường Tr. Bình Trọng. Một vùng trời dĩ vãng ùa về trong tâm trí anh: anh nhớ đến con hẻm nghèo nàn của thời thơ ấu, nhớ đến người mẹ đau yếu, nhớ đến những tô bánh canh tình nghĩa mà cô Xinh đã cho mẹ anh ăn để kéo dài sự sống thêm mấy năm nữa. Giờ đây, ân nhân của mẹ con anh , là bệnh nhân đang nằm trước mặt anh. Với lòng biết ơn vô hạn, Tô bắt tay ngay vào việc định bệnh cho cô Xinh. Cứ hai ngày cô được chụp hình phổi một lần bằng quang tuyến X. Điện tâm đồ được đo mỗi ngày, và liên tục được truyền nước biển có pha trụ sinh. Cô đã được lấy máu để xét nghiệm v.v. Căn cứ vào hình chụp phổi cho bệnh nhân và một vài thử nghiệm khác, bệnh viện đã xác nhận cô bị sưng phổi, và phổi bên phải của cô có nước ở đáy phổi làm cho cô bị ho nhiều.
Khi đã tìm ra bệnh, thuốc gì tốt nhất, hiệu nghiệm nhất mà Tô được biết, anh đều đem ra dùng để trị bệnh cho bệnh nhân. Vì vậy, sau 10 ngày tích cực điều trị, bệnh nhân không còn sốt nữa, chỉ ho lai rai, nước ở phổi cũng đã biến mất. Sức khỏe của bệnh nhân tốt lên mỗi ngày. Cô đã có thể tự ngồi dậy được, và đi lui, đi tới chầm chậm trong phòng.
Một buổi chiều, khi không còn bệnh nhân cấp cứu nào nữa, Tô đến ngồi cạnh cô Xinh. Cô vui vẻ chào Tô: ”Chào Bác Sĩ, nhờ Bác Sĩ tận tâm chữa trị, nay tôi thấy khỏe lắm rồi.” Tô nhìn thẳng vào bệnh nhân và run run nói: ”Bà có nhận ra em là ai không ?” Bà Xinh ngơ ngác nhìn Tô rồi trả lời : ”Thưa Bác Sĩ, tôi không biết!” Tô cảm động, nắm tay bệnh nhân và nói: ”Thưa bà, khi bà mới nhập viện, em đã nhận ra bà là cô Xinh, người bán bánh canh ở hẻm 324 Tr. Bình Trọng năm xưa. Thưa bà, em là đứa bé gầy ốm năm nào, mỗi ngày được bà cho mẹ con em một tô bánh canh để sống qua ngày. Nhờ những tô bánh canh của bà cho, mẹ em đã sống thêm được mấy năm nữa.”
Bà bệnh nhân sửng sốt nhìn chàng và cảm động nói: ”Bác Sĩ là thằng bé ốm o năm xưa, sống ở hẻm đường Tr. Bình Trọng ư ? Tôi tỉnh hay mê đây!” Nó thân mật cầm tay bà Xinh và nói: ”Thưa bà, em chính là thằng Tô bé nhỏ, ốm yếu năm xưa, đã được cô Xinh cho hắn bánh canh mỗi ngày đó!”
Bà vui vẻ và cảm động nói với Tô:”Tôi cám ơn Bác Sĩ nhiều lắm.” Tô nhanh nhẹn trả lời bà: ”Em cám ơn bà mới đúng , vì nhờ những tô bánh canh tình nghĩa của bà, em mới có được ngày hôm nay. Thưa bà, khi bà được xuất viện, bà cho em ân huệ được đưa bà về nhà, và em xin tình nguyện sẽ chăm sóc sức khỏe cho bà suốt đời!”
Cầm tay bà Xinh, Tô tâm tình với bà :”Thưa bà , em tin Ông Trời có mắt, mới sắp đặt cho em có cơ hội được gặp lại bà, là ân nhân của mẹ con em!”
San Diego Tháng 8-2021
Bửu Uyển