✴️ Điều trị suy tim bằng mảnh tế bào gốc

Suy tim là khi tim không còn đủ sức bơm máu và oxy đi khắp cơ thể. Năm 2009 có khoảng 5,7 triệu người lớn ở Mỹ bị suy tim và trung bình có 1 trong 9 bệnh nhân tử vong vì bệnh lý này. Suy tim có thể xảy ra do các bệnh lý như bệnh mạch vành, đái tháo đườngtăng huyết áp. Bệnh lý này cũng tăng lên bởi chế độ sinh hoạt như hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều dầu mỡ, không vận động hay béo phì.

Đã có những hướng điều trị suy tim, nhưng dường như chúng không lý tưởng. Mục tiêu can thiệp ban đầu là điều trị bệnh nền, ví dụ tăng huyết áp. Ngoài ra, việc điều trị còn nhằm cải thiện triệu chứng, ngừa những tổn thương mới, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một số phẫu thuật can thiệp có thể được chỉ định khi thay đổi lối sống và tuân thủ thuốc điều trị vẫn không thể cải thiện được bệnh lý. Chúng bao gồm đặt máy tạo nhịp nhằm giúp các thành phần quả tim co bóp đồng bộ; hay như đặt máy khử rung nhằm giúp điều hòa nhịp tim. Trong một vài trường hợp, chỉ định cuối cùng là ghép tim, nhưng việc tìm người hiến tặng rất khó khăn cũng như mức độ nặng nề của cuộc mổ khiến lựa chọn này trở thành giải pháp sau cùng.

     

Sử dụng tế bào gốc để điều trị suy tim

Các lựa chọn điều trị suy tim không thật sự lý tưởng và không phải là giải pháp lâu dài. Thậm chí ngay cả khi chăm sóc tốt nhất, bệnh nhân cũng thường xảy ra những biến cố gây tử vong. Phương pháp tự tái tạo mô cơ tim có thể là lựa chọn tối ưu. Mặc dù còn quá sớm để nói về thành công của phương pháp này nhưng một ngày nào đó phương pháp này sẽ được công nhận khi những nghiên cứu gần đây sẽ chứng minh.

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ, đã dùng các tế bào mầm có nguồn gốc từ cơ để sửa chữa quả tim. Nhóm khoa học người Nhật trước đó cũng cho thấy lợi ích tiềm năng của phương pháp này khi nghiên cứu trên chuột và hứa hẹn thử nghiêm trên con người.

Nhóm nghiên cứu đã chọn ra 27 bệnh nhân suy tim có giới hạn vân động thể lực và không đáp ứng với các cách điều trị khác. 15 trường hợp có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ và 12 trường hợp liên quan đến bệnh cơ tim giãn nở.

Thử nghiệm pha 1 liên quan tới việc tạo miếng vá tế bào từ chính tế bào cơ đùi bệnh nhân (cụ thể là cơ rộng trong). Những miếng vá tế bào này sẽ được gắn lên bề mặt cơ tâm thất trái của bệnh nhân.

Tế bào gốc có khả năng thay thế toàn bộ các mô bị tổn thương. Ngoài ra, tế bào gốc còn có khả năng giúp phục hồi các mô tổn thương theo cách thứ hai - sử dụng hiệu ứng paracrine (cận tiết). Mô được cấy ghép tiết ra các yếu tố khuyến khích mô cũ hoạt động khác đi, đó là điều xảy ra trong nghiên cứu này. Mô ghép giúp mô hiện cũ hoạt động tốt hơn, thay vì thay thế mô cũ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân không gặp biến chứng đáng kể, và một năm sau phẫu thuật, có sự cải thiện đáng kể về khả năng gắng sức và chức năng co bóp của tim.

Các tác giả kết luận: “Nghiên cứu giai đoạn I này thấy rằng liệu pháp miếng ghép tế bào là cách điều trị khả thi cho bệnh cơ tim. Các kết quả hứa hẹn về độ an toàn và khả năng phục hồi chức năng trong nghiên cứu cần được tìm hiểu thêm để chứng minh hiệu quả điều trị của miếng ghép tế bào cơ tự thân đối với suy tim sung huyết nặng".

Mặc dù cần có những thử nghiệm lớn hơn, và theo các tác giả, "hiệu quả điều trị còn khiêm tốn," song nghiên cứu chứng tỏ sự an toàn và tiềm năng trong tương lai của hướng điều trị mới này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top