✴️ Hội chứng PROPOFOL kéo dài (PRIS)

Nội dung

Báo cáo ca

Hội chứng truyền propofol là một tác dụng hiếm gặp và được biết đến khi sử dụng thuốc này với tác dụng an thần trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, việc xuất hiện các trường hợp tử vong mới đây đã khiến ANSM cùng với Hiệp hội Gây mê hồi sức Pháp (Sfar), Hiệp hội Hồi sức các nước nói tiếng Pháp (SRLF) và Nhóm Hồi sức cấp cứu nhi khoa cộng đồng Pháp ngữ (GFRUP) lên tiếng cảnh báo với các bác sĩ gây mê hồi sức và chăm sóc tích cực về hội chứng này, các yếu tố nguy cơ và biện pháp quản lý.

Propofol là một thuốc gây mê tĩnh mạch, tác dụng nhanh, được sử dụng trong khời mê và duy trì mê nói chung và an thần trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, thuốc an thần gây mê tác dụng ngắn và kết hợp thêm với gây tê tại chỗ.

Ở một số bệnh nhân, sử dụng propofol với tác dụng an thần trong ICU có thể kết hợp với rối loạn chuyển hóa và suy đa tạng, đặc trưng của hội chứng truyền propofol và có khả năng gây tử vong.

Hội chứng này có thể xảy ra khi bệnh nhân có: nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, tăng kali máu, suy gan, suy thận, tăng lipid máu, rối loạn nhịp tim, hội chứng Brugada (ECG có khoảng ST chênh lên), suy tim phát triển nhanh không đáp ứng điều trị với một thuốc tăng co bóp. Trong y văn, tổn thương não bộ nghiêm trọng (trên nhân xám) cũng đã được báo cáo đi kèm với hội chứng chuyển hóa ở một bệnh nhân chỉ sau 3 giờ phẫu thuật được gây mê bằng propofol đường tĩnh mạch.

Đến nay, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định bao gồm: tuổi (propofol chống chỉ định cho bệnh nhân dưới 16 tuổi trong an thần liên tục ở ICU), giảm lượng carbohydrat (bệnh nhân đói khi gần phẫu thuật), dùng đồng thời với metformin, giảm cung cấp oxy mô, tổn thương thần kinh nghiêm trọng và/ hoặc nhiễm trùng huyết, dùng liều cao một hoặc nhiều thuốc như các thuốc gây co mạch, steroid, thuốc làm tăng co bóp hoặc sử dụng propofol ở liều cao hơn 4 mg/ kg/ h trong hơn 48 giờ. Đôi khi hội chứng truyền propofol có thể là dấu hiệu của bệnh lý ty thể.

Hai ca gần đây được báo cáo cho ANSM đã có một số yếu tố nguy cơ kể trên như bệnh nhân có tổn thương thần kinh, sử dụng propofol kéo dài (> 48 h), truyền liều cao >4 mg/ kg/ h, sử dụng đồng thời với norepinephrin, 1 trường hợp bệnh nhân dưới 16 tuổi.

Hội chứng truyền propofol thường khó để chẩn đoán vì các biểu hiện lâm sàng của hội chứng này đôi khi không đặc hiệu. Do đó, trước sự suy giảm huyết động hoặc khởi phát nhiễm toan chuyển hóa (lactic) không được giải thích bởi tình trạng lâm sàng ở những bệnh nhân nhận có sử dụng propofol, có thể cần xem xét việc xảy ra hội chứng truyền propofol.

Khi nghi ngờ có hội chứng truyền propofol, cần ngừng propofol càng sớm càng tốt và sử dụng một thuốc an thần kinh khác. Trong phần lớn các trường hợp, khi hội chứng truyền propofol được xác định sớm và ngừng thuốc ngay lập tức, tình trạng bệnh nhân sẽ cải thiện.

Mặt khác, các biện pháp giám sát có thể được đưa ra, đặc biệt với việc truyền trong thời gian dài hoặc dùng liều cao để phát hiện hội chứng này như theo dõi ECG, đo khí máu động mạch với định lượng lactat, định lượng CPK và triglycerid.

Nguồn: https://www.ansm.sante.fr/S-informer/Points-d-information-Points-d-information/Rappels-sur-le-Syndrome-de-perfusion-du-propofol-Point-d-Information

 

Hội chứng PRIS là gì?


• Đây là một hội chứng đe dọa tinh mạng có liên quan đến việc sử dụng propofol, thường là do truyền liều cao và kéo dài trên một số bệnh nhân nhạy cảm.
• Sinh lý bệnh của tình trạng này bao gồm suy giảm quá trình oxy hóa beta axit béo của ty thể, gián đoạn chuỗi vận chuyển điện tử và tắc nghẽn các thụ thể beta và kênh canxi ở tim.
• Tần suất: 17% nếu truyền > 5mg/kg/giờ; 31% với liều 6mg/kg/giờ.


Yếu tố nguy cơ


• Truyền propofol > 48h, liều > 4 mg/kg/giờ
• Bệnh nhân bệnh nặng như: nhiễm trùng huyết, chấn thương đầu, trạng thái động kinh....
• Sử dụng cathecholamine liều cao
• Sử dụng corticoid hệ thống
• Thiếu hụt bổ sung carbonhydrate (bệnh gan, suy dinh dưỡng, nhịn đói)
• Bệnh ty thể dưới lâm sàng
• Thiếu hụt carnitine.

 

Lâm sàng


• Suy tim và rối loạn nhịp (thường là nhịp thất – QRS dãn rộng, Brugada – like, vô tâm thu và nhịp chậm)
• Tiêu cơ vân
• Tổn thương thận cấp
• Tăng lactate – nhiễm toan (HAGMA - high anion gap metabolic acidosis)
• Tăng Triglyceride máu
• Gan to
• Tăng kali máu
• Tăng mỡ máu khác


Cận lâm sàng đặc hiệu


• Tăng TGL máu
• Tăng CK
• Tăng Lactate
• Các bằng chứng của tổn thương thận cấp

 

Kinh nghiệm thực hành (BS Hồ Hoàng Kim biên soạn)

Ngăn ngừa


• Mục tiêu luôn cố gắng truyền propofol < 4mg/kg/h.
• Nếu truyền liều cao, nên cố gắng truyền dưới 48h.
• Cân nhắc thay thế thuốc khác nếu cần truyền liều cao và kéo dài
• Phải đảm bảo đủ năng lượng từ nguồn carbonhydrate (nên 6-8 mg/kg/phút)
• Chủ động theo dõi các marker gợi ý hội chứng: CK (điểm cuff – of là 5000 UI/l), lactate, triglycerides.


Điều trị


• Ngưng propofol ngay
• Tim mạch: hỗ trợ tuần hoan với inotrope (dobutamin, milrinone) hay cơ học (ECMO), nhịp chậm thì tạo nhịp. Cân nhắc bộ ba để tăng hiệu quả: milrinone + glucagon + calcium.
• Thay thế thận liên tục (CRRT) nếu toan máu nặng hoặc AKI có chỉ định
• Thay huyết tương nếu Triglyceride cao, cân nhắc thêm nếu có hội chứng sepis-like.

 

Tài liệu tham khảo: dx.doi.org/10.1155/2015/260385  

return to top