Những năm trước đây, con người đã nổ lực tìm nhiều cách để tạo ra loại vắc xin chữa trị ung thư. Hầu hết các nỗ lực trước đây đều tập trung tạo loại vắc xin tác động lên tất cả loại ung thư. Phương pháp này đảm bảo rằng vắc xin có thể tấn công nhiều khối u nhưng điều đó cũng có nghĩa là vắc xin này không đặc hiệu vì mỗi loại ung thư thì có đặc tính khác nhau.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã thay đổi, họ tìm cách tạo ra loại vắc xin đặc trưng và riêng biệt hơn cho từng bệnh lý của bệnh nhân. Các nghiên cứu đã được thực hiện ở nhiều viện khoa học trên toàn thế giới, trong đó có Đại học Pennsylvania ở Philadelphia hay Chi nhánh Lausanne Viện Nghiên cứu Ung thư ở Thụy Sĩ. Đội ngũ này tập trung nghiên cứu trên các bệnh nhân mắc ung thư buồng trứng tiến triển, đây là bệnh lý đặc biệt khó khăn để điều trị. Cách điều trị thông thường là phẫu thuật và hóa trị sau đó, mặc dù đáp ứng điều trị ban đầu thường tốt nhưng bệnh có xu hướng tái phát và kháng trị sau đó. Mặc dù, nghiên cứu chỉ mới gợi ý cách điều trị khả thi và an toàn hơn, nhưng kết quả tích cực ban đầu đã chỉ ra tiềm năng rất lớn của phương pháp mới này.
Mỗi khối u đều có một đột biến di truyền riêng biệt. Loại vắc xin được tạo ra gọi là vắc xin tổng hợp, nghĩa là thay vì mục tiêu tấn công chỉ là một vùng khối u, thì nay nó tác động lên nhiều vị trí của khối u.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Janos L. Tanyi giải thích rằng: “Ý tưởng huy động đáp ứng miễn dịch tác động lên toàn bộ khối u, tấn công vào số lượng lớn chỉ dấu riêng biệt của riêng loại khối u đó.”
Bình thường, các tế bào miễn dịch T gây ra phản ứng chống lại tế bào ung thư, tác dụng của vắc xin sẽ làm tăng sức mạnh tấn công và giúp các tế bào T này tiêu diệt tế bào ung thư. Kết quả của đội ngũ khoa học đã được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine
Để tạo ra những vắc xin trên, Tiến sĩ Tanyi cùng cộng sự nghiên cứu các tế bào miễn dịch trong máu bệnh nhân. Họ đã tìm kiếm những tế bào tiền thân, phân tách và nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm. Từ đó, họ phát triển nên nhiều tế bào đuôi gai.
Hiểu đơn giản, các tế bào đuôi gai giống như sử giả, chúng đem các kháng nguyên của khối u (cụ thể là các thành phần của khối u) đến tế bào T để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Các tế bào gai được thu thập và nuôi dưỡng từ máu bệnh nhân, sau đó cùng với các thành phần chiết tách từ khối u, chúng được kích hoạt nhờ gamma interferon, chất có vai trò rất quan trọng trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Cuối cùng, chúng được tiêm vào hệ bạch huyết của bệnh nhân để tạo ra miễn dịch cho cơ thể.
Phương pháp này được thực hiện trên 25 bệnh nhân, cứ mỗi 3 tuần mỗi bệnh nhân này sẽ nhận 1 liều tế bào gai được thu thập cẩn thận. Một số bệnh nhân sẽ tiếp tục chế độ điều trị này trong 2 năm.
Khoảng một nửa số bệnh nhân có đáp ứng tăng rõ rệt số lượng tế bào T được kích hoạt từ khối u. Những bệnh nhân có đáp ứng này có xu hướng sống lâu hơn, khối u không tiến triển khi so sánh với bệnh nhân không đáp ứng.
Tiến sĩ. Janos L. Tanyi cho biết : “Tỉ lệ sống sau 2 năm của những bệnh nhân có đáp ứng là 100%, trong khi chỉ có 25% bệnh nhân không đáp ứng sống sót sau 2 năm.”
Một bệnh nhân 46 tuổi bị ung thư buồng trứng giai đoạn 4 ở thời điểm tham gia nghiên cứu và đã được hóa trị 5 đợt trước đó. Như đã nói, ung thư buồng trứng rất khó điều trị; ở giai đoạn 4,5, tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ là 17%. Trong nghiên cứu này, bệnh nhân nữ này đã nhận 28 liều vắc xin trong vòng 2 năm, và kết quả cô ấy đã thoát khỏi căn bệnh trong 5 năm.
Dựa theo loại ung thư và giai đoạn bệnh thì kết quả này thật sự rất ấn tượng, nhưng đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm và cần nhiều hơn các nghiên cứu nữa.
Tiến sĩ Tanyi nói thêm: “Loại vắc xin này an toàn với bệnh nhân và gợi ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ đối với khối u và chúng tôi tin rằng kết quả trên cũng sẽ như vậy trong các thử nghiệm lớn hơn”
Đã có rất nhiều nghiên cứu đang diễn ra nhằm làm rõ hơn đáp ứng của hệ miễn dịch con người với tế bào ung thư cũng như làm sao để tăng cường sức mạnh miễn dịch này vì cho đến nay, khả năng chống chọi của tế bào ung thư vẫn rất hiệu quả và chưa được làm rõ khiến cho các kết quả nghiên cứu chưa hoàn toàn thống nhất.
Tiến sĩ Tanyi tin rằng loại vắc xin tự thân này có thể thành công hơn nếu phối hợp cùng các loại thuốc làm suy yếu khả năng chống chọi của tế bào ung thư với hệ miễn dịch.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh