✴️ Gãy xương bàn chân

Gãy xương bàn chân là chấn thương nguy hiểm cần được xử lý kịp thời để không ảnh hưởng đến khả năng hồi phục cũng như vận động của người bệnh. Vậy nhận biết gãy xương bàn chân như thế nào? Khám ở đâu tốt? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc có thêm thông tin.

Gãy xương bàn chân ảnh hưởng đến khả năng vận động và gây đau đớn cho người bệnh

 

Nhận biết gãy xương bàn chân

Sau khi có các chấn thương, va đập ở bàn chân và có thể bị gãy xương bàn chân, biểu hiện cụ thể là:

  • Đau: Khi bàn chân bị gãy, có thể chèn ép dây thần kinh và cơ xung quanh gây đau. Nếu gãy bàn chân làm đứt đây động mạch chủ hoặc mạch máu lớn còn khiến người bệnh bị bầm tím, sưng chân.
  • Mất chức năng vận động: Khi dồn lực của cơ thể lên chân sẽ thấy chân không còn khả năng chống đỡ và rất đau.
  • Biến dạng bàn chân: Sưng to, xương bàn chân di lệch là dấu hiệu dễ nhận biết khi so sánh bên chân bị gãy với chân lành. Sờ vào nếu nghe thấy âm thanh ghê tai, có cảm giác xương chân rời ra thì có thể bạn đã bị gãy xương bàn chân.

Nếu vẫn còn chưa chắc chắn về tình trạng chấn thương, nên tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám và có các biện pháp xử trí hiệu quả.

Chụp X quang giúp đánh già tình trạng gãy xương bàn chân

 

Cách điều trị khi bị gãy xương bàn chân

Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, vị trí của gãy xương và cơ chế chấn thương. Sau chấn thương cần nghỉ ngơi, có thể uống thuốc để giảm đau theo toa bác sĩ. Một số xương gãy ở bàn chân có thể được điều trị bằng nạng và giày đế bằng. Trường hợp khác cần nẹp hoặc bó bột, và cũng có thể cần đến phẫu thuật.

Băng ép cầm máu

Nếu gãy xương có chảy máu, cần kê cao chân và băng ép lên vết thương bằng băng vô trùng. Ngoài ra, có thể dùng khăn hoặc quần áo sạch để băng ép vết thương.

Cố định xương gãy

Dùng bất kỳ vật dụng có sẵn nào để có thể cố định bàn chân bị thương. Bạn có thể dùng 1 cái gối quấn quanh bàn chân, và dùng băng thun băng lại. Chú ý, không quấn bàn chân quá chặt, sẽ chặn nguồn cung cấp máu cho bàn chân.

Băng cần nới lỏng khi bàn chân chuyển màu xanh tái hoặc khó cử động các ngón. Khi gãy xương ở ngón chân, có thể cố định ngón chân bị thương vào ngón chân lành bên cạnh. Dùng bông gòn lót giữa ngón chân lành và ngón chân bị thương và cố định lại với nhau.

Kê cao bàn chân bị thương

Sẽ làm giảm sưng, đau. Độ cao thích hợp là bàn chân phải cao hơn các phần còn lại của cơ thể. Có thể nằm thẳng và gác chân lên vài chiếc gối.

Chườm lạnh

Bọc một túi nước đá hoặc túi đá viên trong một miếng vải. Sau đó, đắp nó vào vùng bị thương trong tối đa 10 phút mỗi lần.

Nghỉ ngơi

Nên hạn chế đi lại bằng chân đau. Mang giày đế cứng cũng hữu ích cho bàn chân bị thương.

Sử dụng nạng

Nạng hỗ trợ đi lại. Khi đi bằng nạng, quan trọng là chúng phải vừa vặn và sử dụng đúng cách. Tham khảo bác sĩ về cách chọn nạng thích hợp và cách thức sử dụng. Việc đặt trọng lượng cơ thể lên cánh tay và bàn tay rất quan trọng. Không đặt trọng lượng cơ thể lên nách. Điều này có thể làm tổn thương các dây thần kinh ở nách. Để tránh ngã, chỉ sử dụng nạng di chuyển trên bề mặt bằng phẳng.

Thuốc

Giảm đau, kháng viêm, chống phù nề là những loại thuốc hay dùng.

Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)

Nếu gãy xương bàn chân không di lệch hoặc di lệch ít có thể đều trị bảo tồn. Phương pháp điều trị bảo tồn gồm nắn xương và bó bột cẳng bàn chân.

Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ sử dụng đinh hoặc nẹp vít để duy trì cố định xương gãy. Sau lành xương, có thể phẫu thuật lấy dụng cụ khi chúng trồi lên mặt da hoặc gây đau.

Tái khám theo hẹn

Thường xuyên tái khám đúng hẹn của bác sĩ để đảm bảo gãy xương lành tốt. Theo dõi nếu cơn đau kéo dài hoặc đi lại khó khăn. Thời gian phục hồi phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của gãy xương. Hầu hết gãy xương bàn chân phải mất 6 đến 8 tuần để chữa lành. 

Vật lý trị liệu

Sau khi xương đã lành, cần phải nới lỏng các cơ và dây chằng ở chân. Các bài tập vật lý trị liệu có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và sức bền của bàn chân.

 

Khám, điều trị gãy xương bàn chân cần kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và các bài tập vừa sức để chân mau chóng hồi phục, đồng thời giúp chân sau khi liền vận động dễ dàng, linh hoạt hơn. 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top