KHẢO SÁT THỰC TRẠNG TIẾP CẬN BỆNH NHÂN NGHI NGỜ ĐỘT QUỴ TẠI KHOA CẤP CỨU BỆNH VIỆN NGUYỄN TRI PHƯƠNG TỪ THÁNG 6/2018 ĐẾN THÁNG 5/2019

Đặt vấn đề:

Đột quỵ đang là căn bệnh xếp thứ ba trong các nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới, sau tim mạch và ung thư. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ trên toàn cầu, trong đó khoảng 5 triệu ca tử vong và 5 triệu người khác phải chịu đựng những khuyết tật vĩnh viễn do đột quỵ gây ra. Bên cạnh đó, đột quỵ đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và đặt gánh nặng lên gia đình và xã hội. Trong những năm 1994-1996, tỉ lệ hiện mắc dự đoán về đột quỵ tại Thái Lan là 1,12%, và tỉ lệ này ngày càng có xu hướng gia tăng. Trong những nghiên cứu gần nhất tại Thái Lan, tỉ lệ hiện mắc đã tăng lên 1,88% ở người trưởng thành nhóm tuổi từ 45 tuổi trở lên. Đơn vị Đột quỵ là một thành phần quan trọng đối với việc cải thiện chăm sóc đột quỵ ở nước này. Dữ liệu hiện tại cho thấy có hơn 110 đơn vị đột quỵ trên khắp Thái Lan, chủ yếu ở các bệnh viện khu vực và tỉnh. Tuy nhiên, theo Cơ quan Đăng ký Đột quỵ Thái Lan, chỉ một phần tư số bệnh nhân được đưa vào đơn vị chăm sóc đột quỵ cấp tính chuyên biệt. Tỷ lệ nhập viện đơn vị đột quỵ cao hơn ở các bệnh viện đại học (50%) so với 17,1% và 3,4% tương ứng ở các bệnh viện khu vực và cộng đồng.

Đột quỵ đang ngày càng gia tăng, không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Lê Thị Hương và cộng sự, năm 2013-2014, đã tiến hành nghiên cứu trên 6167 đối tượng từ 18 tuổi trở lên tại 8 tỉnh thuộc 8 vùng sinh thái Việt Nam, kết quả cho thấy tỷ lệ hiện mắc đột quỵ chung là 1,62%, cao hơn các báo cáo trước đây tại Việt Nam. Theo số liệu từ Global Burden of Disease, tại Việt Nam, trong nhóm 10 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất, đột quỵ đang là nguyên nhân hàng đầu và gây ra nhiều gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội. Cụ thể, trong số những nguyên nhân gây tử vong, đột quỵ chiếm 18,4% (17,51%-19,34%) vào năm 2017. Việt Nam luôn nằm trong nhóm những nước có tỉ lệ tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á từ những năm 1990-2017. Đặc biệt vào năm 2008, tỉ lệ tử vong do đột quỵ lên tới 19,01%. Hiệu quả điều trị cho bệnh nhân đột quỵ phụ thuộc nhiều vào thời gian từ lúc khởi phát triệu chứng cho đến lúc được can thiệp điều trị vì thương tổn mỗi lúc một phát triển theo thời gian. Khái niệm THỜI GIAN LÀ NÃO hay thời gian vàng của não đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc cải thiện tỉ lệ tử vong cũng như những biến chứng do đột quỵ gây ra cho người bệnh . Nghiên cứu của Lê Văn Thành và cộng sự thực hiện từ năm 2006 đến 2009 cho kết quả điều trị tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 3 giờ kể từ khi khởi bệnh là một phương pháp điều trị hiệu quả với mức độ hồi phục tốt cao, tỉ lệ hồi phục tốt sau 3 tháng là 43%.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là bệnh viện đa khoa hạng I tại TP. HCM và đã thành lập đơn vị đột quỵ vào năm 2017. Để điều trị kịp thời và có hiệu quả người bệnh đột quỵ cấp, cần sự phối hợp từ nhiều chuyên khoa trong bệnh viện, trong đó khoa Cấp cứu là bước đầu tiên trong quy trình này tại cơ sở y tế. Nhằm đánh giá thực trạng quy trình tiếp cận và xử trí bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ được nhập tại khoa cấp cứu chúng tôi thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát thực trạng tiếp cận bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nguyễn Tri Phương từ tháng 06/2018 đến tháng 05/2019.”

Kết luận:  

Có 74 (14.1%) trường hợp nhồi máu não được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Thời gian trung bình từ lúc nhập Cấp cứu đến lúc được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là 47 phút.

Kiến nghị:

  • Cần hướng dẫn quy trình đột quỵ đồng bộ tại khoa Cấp cứu và các khoa lâm sàng nhằm rút ngắn thời gian bệnh nhân được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và/hoặc lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
  • Khi kích hoạt Code Stroke, nhân viên tiếp đón trực tiếp lấy thông tin của bệnh nhân để giảm thời gian khai tên nhằm rút ngắn DNT.
  • Code Stroke được thực hiện theo protocol để giảm thời gian khám bệnh của bác sĩ cũng như thời gian chăm sóc người bệnh của điều dưỡng.

Tài liệu tham khảo

  1. Bejot Y, Daubail B, Jacquin A, Durier J, Osseby GV, Rouaud O, Giroud M (2013). Trends in the incidence of ischaemic stroke in young adults between 1985 and 2011: the Dijon Stroke Registry. Journal of Neurology, Neurosurgery & Psychiatry, 85(5):pp.509-513.
  2. Dương Đình Chỉnh, Nguyễn Văn Chương, Đoàn Huy Hậu, Phạm Ngọc Hùng (2011). Một số đặc điểm dịch tễ học tai biến mạch máu não tại Nghệ An (2000 – 2007). Tạp chí Y hoc Thực hành (760)-số 4/2011.
  3. Feigin VL, et al (2014). Global and regional burden of stroke during 1990-2010: findings from the Global Burden of Disease Study 2010. Lancet, 383(9913):pp.245-54.
  4. Feigin VL, Lawes CM, Bennett DA, Barker-Collo SL, Parag V (2009). Worldwide stroke incidence and early case fatality reported in 56 population-based studies: a systematic review. The Lancet Neurology, 8(4):pp.355–369.
  5. Institute for Health Metrics and Evaluation. Data Visualizations. GBD Compare in Vietnam. https://vizhub.healthdata.org/gbd-compare/. Truy cập ngày 10/4/2019.
  6. Institute for Health Metrics and Evaluation. Profiles of Vietnam. http://www.healthdata.org/vietnam. Truy cập ngày 10/4/2019.
  7. Lalit K, Farzane H, Anil KS, Martin MB, Kennedy RL, Richard IV (2002). A multicenter observational study of presentation and early assessment of acute stroke. BMJ, 325. doi: https://doi.org/10.1136/bmj.325.7354.17.
  8. Lê Thị Hương và cộng sự (2016). Tỷ lệ mắc đột quỵ tại 8 tỉnh thuộc 8 vùng sinh thái Việt Nam năm 2013 - 2014 và một số yếu tố liên quan. Tạp chí nghiên cứu y học, 104(6).
  9. Lê Văn Thành, Nguyễn Thị Kim Liên, Phan Công Tân, Nguyễn Văn Tuấn (2010). Điều trị tiêu huyết khối đường tĩnh mạch trên 121 bệnh nhân nhồi máu não cấp trong 3 giờ tại Tp. HCM. Báo cáo tại hội nghị đột quỵ Việt Nam tháng 10/2010.
  10. Marler JR, Tilley ML, Brott ML, Lyden PC, et al (2000). Early stroke treatment associated with better outcome. The NINDS rt-PA Stroke Study. Neurology; 55:pp.1649-1655.
  11. Saver JL, et al (2013). Time to treatment with intravenous tissue plasminogen activator and outcome from ischemic stroke. JAMA ;309(23):2480-2488. doi: 10.1001/jama.2013.6959
  12. Suwanwela NC (2014). Stroke epidemiology in Thailand. J Stroke, 16(1):pp.1-7.
  13. Tai YJ, Weir L, Hand P, Davis S, Yan B (2012). Does a ‘code stroke’ rapid access protol decrease door-to-needle time for thrombolysis? Intern Med J, 41(12):pp.1316-24. doi: 10.1111/j.1445-5994.2011.02709.x.
  14. Viriyavejakul A, Senanarong V, Prayoonwiwat N, Praditsuwan R, Chaisevikul R, Poungvarin N (1998). Epidemiology of stroke in the elderly in Thailand. J Med Assoc Thai, 81:pp.497-505.
  15. William NW, Joanna MW, Martin SD, Peter AGS (2011). Clinical scores for the identification of stroke and transient ischaemic attack in the emergency department: a cross-sectional study. J Neurol Neurosurg Psychiatry, 82:pp.1006-1010. doi: http://dx.doi.org/10.1136/jnnp.2010.235010.

 

return to top