Trong số hơn 550 loại cây có chứa tinh dầu ở nước ta thì tía tô là một trong những loại cây đang được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Lá tía tô chứa 0,3-1,3% lượng tinh dầu theo chất khô (Yu et al., 2010). Tinh dầu lá tía tô từ lâu đã được con người khai thác và sử dụng vào rất nhiều mục đích khác nhau. Loại tinh dầu này chứa một số thành phần chủ yếu là perillaldehyde, limonene, á-pinene, â- caryophyllene, linalool và perilla alcohol,… (Đỗ Tất Lợi, 2003; Yu et al., 2010). Chúng được sử dụng trong y học, sản xuất nước hoa, các loại mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm.
Tinh dầu chiết xuất từ lá tía tô có tác dụng kháng khuẩn, chống ngộ độc cua cá, giảm triệu chứng trầm cảm, chống ung thư, giải cảm… Tinh dầu lá tía tô có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với các vi sinh vật. Tinh dầu lá tía tô có khả năng ngăn chặn các độc tố đường ruột và triệu chứng ngộ độc do Staphylococcus.
Tinh dầu nguyên chất
Với thử nghiệm tinh dầu nguyên chất, kết quả cho thấy 5/8 chủng vi khuẩn khảo sát bị ức chế hoàn toàn (vi khuẩn không mọc trên toàn đĩa thạch).
Các chủng Escherichia coli, Salmonella, P. aeruginosa mọc bình thường, tại những vị trí đặt đĩa giấy tẩm tinh dầu nguyên chất hình thành vòng kháng khuẩn, riêng P. aeruginosa không hình thành vòng kháng. Vòng kháng khuẩn đo được tương đối nhỏ và đồng đều nhau ở mỗi lần thử nghiệm, với Escherichia coli đường kính vòng kháng đo được là 5,26mm, với Salmonella đường kính vòng kháng đo được là 4,3mm.
Kết quả bước đầu cho thấy tác động của tinh dầu lên vi khuẩn gram dương mạnh hơn lên vi khuẩn gram âm.
Thành tế bào gram âm phức tạp hơn với lớp Peptidoglycan mỏng, cách một lớp không gian chu chất (Periplasmic space) và tới lớp màng ngoài (Outer membrane) là phức hợp lipoprotein và lipopolysaccharide. Chính cấu trúc nhiều lớp này đã bảo vệ tế bào vi khuẩn gram âm trước tác động của tinh dầu và khoảng không gian chu chất chứa độc tố và enzyme có thể làm mất tác dụng của tinh dầu trước khi tác dụng lên màng sinh chất. Kết quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Yu và cộng sự (2010) về khả năng kháng khuẩn của tinh dầu lá tía tô trên một số chủng Staphylococcus aureus.
Tinh dầu 5%
Tiến hành thử nghiệm với dung dịch tinh dầu 5%, tất cả các chủng vi khuẩn nghiên cứu mọc bình thường và mọc đều trên mặt thạch.
Tại những chỗ đặt đĩa giấy tẩm dung dịch tinh dầu lá tía tô 5% không hình thành vòng kháng đối với 3/4 chủng vi khuẩn gram âm nghiên cứu, riêng P. fluorescens hình thành đường kính vòng kháng tương đối lớn là 9,58mm. Tất cả các chủng vi khuẩn gram dương nghiên cứu đều hình thành vòng kháng. Tuy nhiên đường kính đo được tương đối nhỏ nhưng đồng đều ở mỗi lần thử nghiệm.
Các kết quả trên đây cho thấy một lần nữa sự tác động của tinh dầu lá tía tô lên vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương là khác nhau. Tác động của tinh dầu lá tía tô 5% lên vi khuẩn gram dương mạnh hơn vi khuẩn gram âm.
KẾT LUẬN
Tinh dầu lá tía tô có khả năng kháng khuẩn đối với tất cả các chủng vi khuẩn nghiên cứu ngoại trừ P. aeruginosa. Tác động của tinh dầu lá tía tô lên vi khuẩn gram dương rõ hơn lên vi khuẩn gram âm. Tinh dầu nguyên chất ức chế hoàn toàn 4 chủng vi khuẩn gram dương nghiên cứu là Bacillus cereus, Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Streptococcus feaium (vi khuẩn không mọc trên toàn đĩa thạch) và chỉ ức chế hoàn toàn được 1 chủng vi khuẩn gram âm nghiên cứu là P. fluorescens.
Tinh dầu lá tía tô 5% ức chế mạnh các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, P. fluorescens với đường kính vòng kháng tương đối lớn lên đến 14,12mm và 9,58mm, trong khi đó lại có tác dụng kém hơn trên các chủng vi khuẩn Bacillus cereus, Bacillus subtilis và Streptococcus feaium với đường kính vòng kháng tương đối nhỏ.
Xem thêm: Công dụng chữa bệnh của lá tía tô
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Bệnh viện Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh