Cứu sống bệnh nhân sốc mất máu do vết thương tim

Nội dung

          Vào lúc 20 giờ 30, ngày 10/01/2023, bệnh nhân Nguyễn Thanh V được người nhà đưa tới trong tình trạng lơ mơ, da xanh niêm nhợt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp khó đo. Khoa cấp cứu kích hoạt báo động đỏ huy động toàn bộ các khoa ngoại, gây mê hồi sức, thống nhất chẩn đoán Sốc mất máu do vết thương tim, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu chuyển thẳng phòng mổ. Sau khi bệnh nhân được gây mê, Kíp mổ nhanh chóng mở ngực trái khoang gian sườn 5, giải phóng tim bị chèn ép, lấy ra được nhiều máu cục và gần 600ml máu đỏ không đông, kiểm tra thấy máu đỏ phun lên từ vết thương cơ tim dài khoảng 3cm, mép gọn máu phun thành dòng. Phẫu thuật viên dùng ngón tay chặn bít vết thương, khâu lại vết thương tim và dẫn lưu khoang màng phổi trái. Trong quá trình mổ bệnh nhân được bơm máu.

(Hình cơ tim thủng được khâu lại)  

 

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, chuyên nghiệp bệnh nhân đã có chẩn đoán chính xác, bỏ qua các cận lâm sàng cũng như các thủ tục không cần thiết, bệnh nhân đã được xử lý thương tổn cứu sống tính mạng. Bệnh nhân được xuất viện sau 5 ngày điều trị.

(Hình bệnh nhân trước xuất viện)

   

Bác sĩ Nguyễn Thành Nhân, Đơn vị lồng ngực mạch máu - khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, đối với các trường hợp có vết thương thủng tim, nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân thường tử vong do sốc tim, chèn ép tim cấp và sốc mất máu. Với trường hợp anh A., dù được can thiệp phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân vẫn cần phải theo dõi sát tình trạng loạn nhịp tim, huyết động học.

Theo TS. BS Huỳnh Thanh Long, trưởng khoa ngoại Tổng Hợp cho biết vết thương tim là một cấp cứu tối khẩn trong cấp cứu ngoại khoa, nguyên nhân thường do vật sắc nhọn, việc chẩn đoán thường không quá khó, nếu chẩn đoán sớm và phẫu thuật kịp thời cứu sống trên 90% bệnh nhân. Qui trình báo động đỏ đã góp phần đáng kể trong việc cứu sống bệnh nhân do huy động trí tuệ nhiều khoa, tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu sống bệnh nhân trong thời gian ngắn.

return to top