✴️ Đau thần kinh tọa điều trị như thế nào, cần lưu ý gì?

Đau thần kinh tọa (sciatica) là hội chứng đau do sự chèn ép hoặc tổn thương dây thần kinh tọa – dây thần kinh dài nhất cơ thể, xuất phát từ vùng thắt lưng và phân nhánh dọc xuống chi dưới đến tận các ngón chân. Vai trò của dây thần kinh tọa là đảm nhận chức năng cảm giác và vận động của chi dưới. Tình trạng đau thường biểu hiện dưới dạng đau lan dọc từ thắt lưng qua mông, mặt sau đùi, cẳng chân và có thể đến bàn chân.

Đau thần kinh tọa điều trị như thế nào

Đau thần kinh tọa điều trị như thế nào là quan tâm của nhiều người

Nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm

  • Gai cột sống

  • Hẹp ống sống

  • Thoái hóa cột sống

  • Thai kỳ hoặc béo phì, do tăng áp lực lên cột sống thắt lưng

Cơn đau có thể tự giảm dần theo thời gian hoặc tiến triển nặng gây hạn chế vận động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khi đó cần điều trị y tế chuyên sâu.

Điều trị đau thần kinh tọa

Tùy mức độ và nguyên nhân, đau thần kinh tọa có thể điều trị bảo tồn không phẫu thuật hoặc phẫu thuật.

1. Điều trị không phẫu thuật

Áp dụng cho phần lớn các trường hợp đau mức độ nhẹ đến trung bình:

1.1 Sử dụng thuốc
  • Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol, NSAIDs)

  • Giãn cơ hoặc thuốc giảm đau thần kinh (Gabapentin, Pregabalin)

Cần tuân thủ chỉ định bác sĩ, không tự ý sử dụng kéo dài.

1.2 Nghỉ ngơi và tư thế ngủ
  • Tư thế nằm ngửa kê gối dưới đầu gối hoặc nằm nghiêng kẹp gối giữa hai chân giúp giảm áp lực lên cột sống.

  • Nên dùng nệm cứng, tránh nằm võng hoặc đệm lún.

Đau thần kinh tọa điều trị đúng cách

Cần giữ tư thế đúng để tránh tình trạng đau thần kinh tọa trầm trọng

1.3 Chườm nóng hoặc tắm nước ấm
  • Chườm nóng vùng thắt lưng giúp tăng lưu thông máu, giảm co cứng cơ và cải thiện đau.

  • Tắm nước ấm (vòi sen hoặc bồn nước nóng) hỗ trợ thư giãn cơ và giảm áp lực nội tủy.

1.4 Vận động và bài tập phục hồi chức năng
  • Sau giai đoạn đau cấp, nên duy trì hoạt động nhẹ nhàng (đi bộ, yoga) và tập các bài kéo giãn cơ vùng lưng chậu.

  • Một số bài tập cụ thể như kéo căng cơ hình lê, nâng chân từng bên... giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa.

1.5 Điều chỉnh tư thế sinh hoạt
  • Tránh mang vác nặng, không ngồi hoặc đứng lâu, cần giữ tư thế thẳng khi làm việc và sinh hoạt.

2. Phẫu thuật điều trị đau thần kinh tọa

Chỉ định khi:

  • Không đáp ứng điều trị nội khoa sau 6–12 tuần.

  • Cơn đau nghiêm trọng ảnh hưởng vận động, có dấu hiệu chèn ép thần kinh nặng (teo cơ, yếu chi dưới, tiểu tiện không tự chủ).

Đau thần kinh tọa điều trị bằng phẫu thuật

Điều trị đau thần kinh tọa bằng phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

2.1 Cắt bỏ đĩa đệm (Discectomy)
  • Loại bỏ phần đĩa đệm thoát vị chèn ép lên rễ thần kinh.

2.2 Mở rộng ống sống (Laminectomy)
  • Cắt bỏ cung sau của đốt sống và mô chèn ép giúp giải phóng không gian cho dây thần kinh.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cần dựa trên đánh giá lâm sàng và hình ảnh học. Người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc cột sống tư vấn trực tiếp.


Khuyến cáo

Nếu có biểu hiện đau lưng lan xuống chân, tê rần chi dưới hoặc yếu cơ, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp, tránh biến chứng lâu dài.

 

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top