Mổ thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp nội soi là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, ít làm ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống. Việc điều trị thoát vị đĩa đệm tùy thuộc vào tính chất tổn thương, vị trí cũng như mức độ ảnh hưởng của bệnh.
Nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng cấu trúc đĩa đệm phình ra gây chèn ép vào các cấu trúc lân cận, biểu hiện là đau vùng thắt lưng có thể lan xuống mông hoặc chân khiến bệnh nhân đi lại khó khăn.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng.
Khi thoát vị đĩa đệm có đè ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân (còn gọi là đau tọa lưng).
Khi thoát vị ở vị trí cổ, sẽ gây đau cổ gáy. Nếu kết hợp ép rễ thần kinh cánh tay sẽ gây đau cổ, vai và tay cùng bên bị chèn ép.
Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Việc điều trị thoát vị đĩa đệm tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm như: dùng thuốc, phẫu thuật mổ thoát vị đĩa đệm
– Điều trị bảo tồn bao gồm các biện pháp như: nghỉ ngơi; vật lý trị liệu xoa bóp, chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân… Có thể dùng các biện pháp như tác động cột sống, kéo giãn cột sống trong điều trị bệnh. Ở một vài tuần đầu tiên, khi tổn thương thoát vị đĩa đệm còn mới chưa bị xơ hóa, việc tác động cột sống làm giãn các mâm sống và dịch chuyển phần đĩa đệm bị lồi trở lại vị trí bình thường. Kéo giãn cột sống bằng dụng cụ cũng có tác dụng tương tự, chỉ định cho lồi hoặc thoát vị đĩa đệm. Mặc áo nẹp cột sống có tác dụng cố định tạm thời, hạn chế các động tác lên vùng cột sống tổn thương, qua đó giảm lực tác động lên đĩa đệm.
– Điều trị nội khoa bằng thuốc: Bao gồm các thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol; giảm đau chống viêm không steroid như diclofenac, meloxicam… uống, tiêm hoặc bôi tại chỗ.
Lưu ý, các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận… Các thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ cạnh cột sống. Có thể bổ sung các thuốc bổ thần kinh như vitamin B1, B6, B12; các thuốc giảm đau thần kinh như neurontin. Nhìn chung không có chỉ định dùng thuốc giảm đau chống viêm loại steroid như prednisolon, dexamethason… đường toàn thân vì có nhiều tác dụng phụ.
Đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, có thể áp dụng biện pháp dùng thuốc tại chỗ là tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison với liệu trình mỗi đợt 3 mũi, mỗi mũi cách nhau 3-7 ngày cũng cho hiệu quả giảm đau khá tốt. Tuy nhiên việc tiêm ngoài màng cứng phải được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa khớp có kinh nghiệm, trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn.
– Điều trị ngoại khoa phẫu thuật: Mổ thoát vị đĩa đệm là phương pháp điều trị phổ biến trong trường hợp dùng thuốc hoặc các biện pháp chữa trị khác không mang lại hiệu quả.
Phẫu thuật mổ thoát vị đĩa đệm là một phương pháp điều trị ít xâm lấn là sử dụng những dụng cụ đặc biệt và những máy móc hiện đại để lấy khối thoát vị nhưng ít làm ảnh hưởng đến cấu trúc của cột sống. Thông thường là mổ nội soi thoát vị đĩa đệm.
Ưu điểm của kỹ thuật nội soi là ít làm tổn thương đến cấu trúc của cột sống, giúp bệnh nhân vận động sớm sau mổ, ít phải dùng thuốc giảm đau, sẹo mổ nhỏ và đặc biệt giảm tỷ lệ biến chứng so với mổ mở.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh