ĐẠI CƯƠNG
Thoát vị não màng não nền sọ trước là tình trạng thoát vị một phần nhu mô não và màng não vào trong mũi hoặc các xoang vùng nền sọ trước. Sử dụng phẫu thuật nội soi qua đường mũi để điều trị các tổn thương này đạt hiệu quả cao và giảm hẳn tỷ lệ biến chứng và thời gian nằm viện so với các phương pháp điều trị truyền thống khác.
CHỈ ĐỊNH
Thoát vị não màng não bẩm sinh
Thoát vị não màng não do chấn thương
Thoát vị não màng não sau phẫu thuật
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh đang có tình trạng viêm xoang cấp hoặc bán cấp do nhiễm khuẩn.
Thoát vị não màng não phần trước xoang trán
CHUẨN BỊ
Người thực hiện:
Phẫu thuật viên chuyên khoa phẫu thuật thần kinh
Phương tiện:
Sử dụng hệ thống nội soi với camera và màn hình độ nét cao, nguồn sáng led, optic: 00, 300, 700, hệ thống ghi video và hình ảnh trong mổ. Bộ dụng cụ phẫu thuật qua mũi xoang, sử dụng hệ thống khoan mài kim cương tốc độ cao, có tay mài dài chuyên dụng qua mũi. Hệ thống định vị Navigattion có thể sử dụng đĩa CD phim cộng hưởng từ hoăc CT scanner; Dụng cụ cầm máu: ống hút đốt điện, Bipolar forceps, Surgicel, Floseal, vật tư đóng nền sọ: màng cứng nhân tạo, cân cơ đùi, mỡ, keo sinh học.
Người bệnh:
Được khám lâm sàng cẩn thận, xác đinh chính xác vị trí rò trên hình ảnh;
Chụp phim cộng hưởng từ sọ não, phim CT đánh giá cấu trúc xương nền sọ; Người bệnh và gia đình cần được giải thích kĩ về bệnh tật và quá trình cần được điều trị trước, trong và sau mổ.
Hồ sơ bệnh án:
Theo quy định bệnh án ngoại khoa.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra hồ sơ:
Đầy đủ theo đúng quy định.
Kiểm tra người bệnh:
Đúng người (tên, tuổi,…), đúng bệnh.
Thực hiện kỹ thuật:
Bước 1: Tìm vị trí thoát vị dưới nội soi dưới hướng dẫn hình ảnh học trước mổ, cắt bỏ phần thoát vị, lấy bỏ tổ chức nhầy xung quanh.
Bước 2: Đặt miếng ghép: sử dụng mô mềm như mỡ, cân cơ thái dương, cân cơ đùi, hoặc miếng ghép nhân tạo. Nếu lỗ thoát vị trên 10mm đặt miếng đỡ bằng sụn, xương vách. Sử dụng keo sinh học để tạo dính. Trong những trường hợp lỗ rò lớn, sử dụng ghép mũi nhiều lớp hoặc vật vách mũi có cuống mạch nuôi để vá nền sọ. Sử dụng sonde fonley bơm bóng đỡ mảnh ghép nếu cần.
Dẫn lưu dịch não tuỷ thắt lưng nếu lỗ thoát vị lớn trên 1cm hoặc có tăng áp lực nội sọ trong 3-5 ngày.
THEO DÕI
Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, hô hấp…
Điều trị kháng sinh ngấm vào dịch não tuỷ: cephalosporin thế hệ 3, thế hệ 4
Vệ sinh mũi họng sau mổ
Tránh ho, hắt hới, táo bón sau mổ
Rút meche hoặc sonde (nếu có) sau 48 giờ.
XỬ TRÍ TAI BIẾN
Tụ máu nội sọ : biến chứng hay gặp đối với đường mở sọ, ít gặp trong phẫu thuật nội soi qua đường mũi. Nguyên nhân có thể chảy máu từ xương sọ, màng cứng, xoang tĩnh mạch, nhu mô não dập trong qúa trình bóc tách gây chảy máu. Sau mổ xuất hiện các triệu chứng bất thường: như tăng áp lực nội sọ, suy giảm tri giác, hôn mê, co giật, liệt nửa người, giãn đồng tử bên tổn thương. Cần phát hiện sớm bằng cách chụp CT sọ kiểm tra và phẫu thuật lấy máu tụ cấp cứu nếu có chỉ định.
Nhiễm trùng: viêm màng não, áp xe não: xuất hiện muộn, biểu hiện bằng các triệu chứng nhiễm trùng và tăng áp lực trong sọ. Cần chọc dịch não tuỷ xét nghiệm và cấy vi khuẩn khi có nghi ngờ và điều trị kháng sinh theo phác đồ viêm màng não ngay khi có chẩn đoán. Trong trường hợp áp xe não cần chọc hút ổ áp xe, cấy mủ tìm vi khuẩn.
Rò dịch não tủy và tụ khí nội sọ: Dẫn lưu thắt lưng, thuốc lợi tiểu hoặc mổ lại vá rò nếu các phương pháp khác không kết quả.
Mất ngửi do tổn thương thần kinh khứu giác: Khi đã gặp biến chứng mất
ngừi gần như không có khả năng hồi phục triệu chứng.
Các biến chứng khác : Giãn não thất, nhiễm trùng vết mổ, viêm mũi xoang, chảy máu mũi…
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh