Cách tán sỏi thận là phương pháp được nhiều người quan tâm hiện nay. Tán sỏi thận là phương pháp mới giúp người bệnh điều trị hiệu quả sỏi tiết niệu mà không phải chịu quá nhiều đau đớn.
Tán sỏi ngoài cơ thể là cách sử dụng sóng xung kích để gây áp lực làm sỏi vỡ thành mảnh vụn nhỏ có thể đào thải ra ngoài. Một máy tán sỏi công suất lớn sẽ được sử dụng kết hợp với sự điều khiển của bác sĩ để phát ra nguồn sóng xung kích tiếp cận viên sỏi. Sỏi sẽ bị phá vỡ cấu trúc, thành những mảnh rất bé và được ra ngoài theo đường tiểu. Bệnh nhân không phải phẫu thuật dao kéo, chỉ nằm yên trên máy tán sỏi.
Cách tán sỏi thận ngoài cơ thể như sau:
– Thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để có kết quả chính xác về tình trạng sỏi
– Sỏi thận < 1cm, sỏi niệu quản ⅓ trên sẽ được tán sỏi ngoài cơ thể nếu sức khỏe ổn định đáp ứng tán sỏi
– Bệnh nhân được hướng dẫn cách nằm đúng tư thế để quá trình tán sỏi diễn ra hiệu quả nhất
– Sau khi nằm đúng tư thế, bệnh nhân chỉ việc nằm yên trong vòng 30 phút
– Bác sĩ sẽ điều khiển hệ thống để tác động sóng xung kích làm vỡ sỏi
– Sau khi bác sĩ xác định tán xong, bệnh nhân được điều dưỡng đỡ dậy và hướng dẫn nghỉ ngơi tại chỗ
– Bệnh nhân lắng nghe căn dặn của bác sĩ và xuất viện ngay sau đó.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser ứng dụng nguồn năng lượng laser để tác động làm vỡ sỏi và bơm hút ra ngoài ngay. Cụm từ ngược dòng chỉ trạng thái bác sĩ đưa dụng cụ tán sỏi và ống nội soi tiến vào từ niệu đạo ngược lên trên. Bệnh nhân sẽ không cần mổ, không có vết thương do mổ. Vì đi ngược dòng nên phương pháp này thích hợp với sỏi bàng quang và sỏi niệu quản ⅓ giữa, ⅓ dưới.
Cách tán sỏi ngược dòng như sau:
– Thăm khám xác định tình trạng sỏi và có chỉ định tán sỏi ngược dòng
– Gây tê tủy sống trước khi tiến hành tán sỏi
– Tán sỏi trong phòng riêng biệt, vô khuẩn 1 chiều
– Tư thế nằm sản khoa, bác sĩ tiến hành đặt ống mềm nội soi từ niệu đạo để tiến vào hệ tiết niệu tiếp cận sỏi.
– Sau khi xác định vị trí sỏi chính xác nhất thì bác sĩ điều khiển tia laser bắn vỡ sỏi thành vụn nhỏ
– Xác nhận tán hết sỏi thì tiến hành bơm hút ra ngoài hết mảnh vụn
– Kết thúc tán sỏi thì đặt ống sonde hạn chế tắc nghẽn và chống nhiễm trùng
Bệnh nhân sẽ được chuyển về phòng nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng 24h. Nếu không có gì bất thường sẽ sớm được xuất viện ngay.
Tán sỏi nội soi qua da đường hầm nhỏ gọi tắt là tán sỏi qua cũng là một phương pháp tán sỏi phổ biến hiện nay. Điểm đặc biệt là phương pháp này được coi là ưu tiên thay thế mổ hở với những viên sỏi to, sỏi lâu năm. Phương pháp này tạo 1 đường hầm nhỏ từ lưng để đưa dụng cụ nội soi tìm đến viên sỏi và tán vỡ bằng năng lượng laser. Sỏi vụn sẽ được hút ra ngoài ngay sau đó.
Cách tán sỏi qua da như sau:
– Xác định kích thước, tình trạng sỏi để có chỉ định tán sỏi qua da. Khám sức khỏe tổng thể xác nhận đủ điều kiện tán sỏi.
– Gây mê toàn thân trước khi tiến hành tán sỏi
– Tán sỏi trong phòng riêng biệt, vô khuẩn 1 chiều
– Một đầu kim nhỏ sẽ được chọc qua da, dùng dụng cụ nong để tạo đường hầm đưa ống nội soi vào tiếp cận sỏi
– Vết trích tạo ra chỉ từ 0.5 – 1cm, rất nhỏ và không tạo thành sỏi to
– Máy nội soi tán sỏi sẽ được đưa vào qua đường hầm vừa tạo ra, bác sĩ sẽ quan sát trên màn hình siêu âm để tán sỏi chính xác nhất.
– Nguồn năng lượng laser sẽ tán vỡ sỏi thành những mảnh rất nhỏ. Quá trình tán kéo dài từ 45 – 60 phút phụ thuộc vào kích thước và vị trí của viên sỏi.
– Sau khi tán xong, mảnh vụn sẽ được bơm hút ra ngoài ngay lập tức.
– Ống thông thận và sonde sẽ được đặt vào để xác định tình trạng sót sỏi sau mổ. Đồng thời để tránh tắc nghẽn đường niệu hiệu quả.
– Bệnh nhân được chuyển về phòng bệnh và nghỉ ngơi. Thời gian nằm viện là từ 3 – 5 ngày.
Có thể nhận thấy rằng các phương pháp tán sỏi thận đều khá an toàn, tiện lợi và hiệu quả. Đối với mỗi loại sỏi khác nhau sẽ áp dụng phương pháp khác nhau. Đôi khi có thể phối hợp các phương pháp tán sỏi để điều trị hiệu quả. Bệnh nhân sau tán sỏi cũng không cần lưu ý quá nhiều, chỉ cần nhớ:
– Sinh hoạt và ăn uống rất quan trọng sau khi tán sỏi để chóng phục hồi và chống tái phát.
– Ăn nhẹ, thanh đạm và dễ tiêu hóa để sau tán sỏi loại bỏ sạch các vụn sỏi trong cơ thể.
– Chú ý về dinh dưỡng, những thực phẩm nên ăn và không nên ăn để tránh tái phát sỏi. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả có màu xanh đậm. Hạn chế ăn mặn, ăn quá nhiều đạm, thực phẩm chứa oxalat…
– Đừng quên uống thật nhiều nước mỗi ngày. Riêng với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, uống nhiều nước sẽ giúp nhanh chóng đào thải vụn sỏi ra ngoài.
– Không được nhịn tiểu và không nên ngồi quá lâu
– Nghỉ ngơi vừa phải, đi lại nhẹ nhàng sau khi tán sỏi tránh va đập mạnh
Sau khi đã khỏe hẳn vẫn cần duy trì chế độ ăn uống và tập luyện điều độ. Vận động hằng ngày để tránh hiện tượng lắng cặn tạo ra sỏi.
Cách tán sỏi thận là những bước tiến mới giúp điều trị sỏi tiết niệu hiệu quả mà không cần mổ. Bệnh nhân đừng lo lắng, hãy tuân thủ chỉ định điều trị từ bác sĩ chuyên khoa, sẽ rất nhanh hết sỏi và phục hồi sức khỏe.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh