✴️ Viêm gan tự miễn là gì? Những điều không phải ai cũng biết

1. Viêm gan thể tự miễn là gì?

Hệ thống miễn dịch ở người bình thường được ví như đội quân hùng mạnh luôn chiến đấu bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Khi có một bất thường nào đó xảy ra, hệ miễn dịch tấn công ngược lại mô cơ khỏe mạnh. Khoa học gọi đó là một bệnh tự miễn.

Viêm gan dạng tự miễn (AIH) là hiện tượng nhiễm trùng tế bào gan xảy ra khi các kháng thể đặc hiệu có trong huyết thanh của chính cơ thể chống lại gan. Khoa học đã chứng minh, có mối liên quan nhất định giữa sự hiện diện bất thường của kháng nguyên bạch cầu người HLA lớp II trên màng tế bào gan với bệnh gan tự miễn. Kháng nguyên này làm cho các tế bào gan bình thường trở thành tự kháng nguyên và bị tấn công trực tiếp.

Viêm gan tự miễn, mối lo của nhiều bệnh nhân

Hiện nay các bác sĩ lâm sàng vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác sự có mặt bất thường của HLA. Tuy nhiên bệnh lý gan tự miễn có thể khởi phát do sự tương tác của gen mã hóa cho các protein trình diện kháng nguyên với các yếu tố :

1.1. Virus

Virus được xem  như là yếu tố thúc đẩy trong tiến trình tự miễn AIH. Các virus gây bệnh phổ biến ở gan được giả thuyết gây nên bệnh là: HAV, HBV, Epstein – Barr virus..

1.2. Hóa chất

Một số thành phần trong thuốc có thể gây khởi phát bệnh viêm gan tự miễn như: Interferon, melatonin, alpha methyldopa, nitrofurantoin.

1.3. Gene

Tỉ lệ mắc bệnh viêm gan cao hơn ở nhóm người có các gen: HLA DR3, HLA DR4…

2. Phân loại viêm gan tự miễn

Dựa vào các nhóm tự kháng thể đặc hiệu, bệnh gan tự miễn được chia làm 3 loại:

– Loại 1: Kháng thể kháng nhân (ANA) hoặc kháng thể kháng cơ trơn (SMA)

Là loại viêm gan phổ biến nhất, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới. Tuy nhiên bệnh hay gặp ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 10-30.

– Loại 2: Kháng thể kháng ty thể gan/ thận ( LKM1)

Ít gặp hơn, đối tượng mắc loại này thường là các bé gái từ 2-14 tuổi.

– Loại 3: Kháng thể chống lại kháng nguyên hòa tan (SLA)

Đây là loại hiếm gặp và ít được phân loại.

3. Triệu chứng bệnh học của viêm gan thể tự miễn

Bệnh diễn tiến âm thầm và lặng lẽ, chỉ khi một lượng đáng kể tế bào gan bị chống phá thì bệnh mới biểu hiện ra bên ngoài.

3.1. Viêm gan tự miễn giai đoạn khởi phát

Bệnh lý biểu hiện như dạng viêm gan cấp tính, với các dấu hiệu mờ nhạt, chung chung và không điển hình:

–  Mệt mỏi, đầu choáng váng

– Ăn không ngon, sụt cân

– Đau tức hạ sườn phải

– Vàng da kín đáo

Đau vùng hạ sườn phải

3.2. Viêm gan tự miễn giai đoạn tiến triển

Vào giai đoạn này, các dấu hiệu của bệnh trở nên rầm rộ, dễ nhận biết hơn và có thể có các triệu chứng của xơ gan như:

– Vàng da rõ ràng hơn

– Mất kinh ( ở nữ giới)

– Lòng bàn tay son hay có móng tay trắng.

– Sao mạch

– Ngứa

– Sờ thấy gan lách to

– Báng bụng

Ngoài các triệu chứng nêu trên, bệnh còn có thể đi kèm và biểu hiện cùng với các bệnh lý toàn thân khác như: Bệnh về khớp, hồng ban da, viêm mao mạch dị ứng, loét chân… Bệnh gan tự miễn chỉ được chẩn đoán sau khi đã loại trừ tất cả các nguyên nhân gây viêm gan khác.

4. Bệnh gan tự miễn có nguy hiểm không?

Bệnh lý này ở giai đoạn cấp tính rất ít biểu hiện bên ngoài. Nếu có, triệu chứng cũng không rõ ràng, dễ nhầm với các bệnh viêm gan khác. Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu về bệnh lý trở nên rõ ràng hơn. Vì lúc này các tế bào gan đã bắt đầu hoại tử, tổn thương lan đến các tế bào gan kế cận, dẫn đến hoại tử nhiều thùy và tất cả các thùy gan. Khi ấy, gan sẽ bị xơ hóa không hồi phục và phát triển nhanh thành suy gan, ung thư gan.

Một số biến chứng hay gặp của xơ gan do hiện tượng viêm nhiễm nặng nề tế bào gan:

4.1. Giãn tĩnh mạch thực quản

Tĩnh mạch thực quản là một trong những nhánh nhỏ của tĩnh mạch cửa. Khi gan bị tổn thương, sự lưu thông của tĩnh mạch cửa bị hạn chế, máu có xu hướng chảy ngược vào các tĩnh mạch thông với nó. Áp lực máu trong lòng tĩnh mạch thực quản tăng cao, làm cho mạch máu có khả năng vỡ và xuất huyết ồ ạt vào các cơ quan: Thực quản,  dạ dày, ruột non…  Tình trạng này đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.

4.2. Suy gan

Tổn thương gan trên mạng diện rộng làm lá gan không thể hồi phục và mất dần chức năng. Bệnh tình hiện tại của bệnh nhân rất nặng nề, gan không thể loại bỏ các chất độc trong cơ thể, dễ dẫn đến toàn thân bị nhiễm độc.

4.3. Ung thư gan

Bệnh lý làm hoại tử nhiều tế bào gan khiến gan bị xơ hóa và dần hình thành các mô ung thư Đây là biến chứng nặng nề nhất, dù hiếm gặp.

5. Viêm gan do tự miễn có thể điều trị như thế nào?

Điều trị nội khoa là phương pháp chủ yếu để chữa lành bệnh và ngăn không cho bệnh tiến triển. Thuốc đầu tay được sử dụng có vai trò ức chế hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh để hạn chế sự chống phá và tác động xấu đến tế bào gan.

Thuốc được chỉ định trên lâm sàng để chữa bệnh gan tự miễn hiện nay là Prednisolone, có thể phối hợp với Azathioprine liều tấn công ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, thuốc có nhiều tác dụng phụ không mong muốn nên người bệnh phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chủ trị trước khi dùng.

Khám bệnh định kỳ giúp phát hiện sớm viêm gan thể tự miễn

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã có những thông tin hữu ích về bệnh viêm gan tự miễn, biết được căn nguyên cơ bản gây bệnh và những biểu hiện đặc trưng cho từng giai đoạn. Các bệnh lý tự miễn khó phát hiện, dễ bị nhầm với các bệnh lý khác, song cũng tiến triển rất nhanh và để lại hậu quả xấu. Do đó, việc khám, loại trừ bệnh và phát hiện đúng thời điểm đóng vai trò quan trọng giúp điều trị dứt điểm bệnh.

Dựa vào những thông tin này, ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu, biểu hiện bất thường, bạn hãy nhanh chóng tới cơ sở y tế để được các y bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top