Sỏi thận tuy không phải là bệnh lý cấp tính nhưng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không biết cách chữa trị sỏi thận hiệu quả. Theo dõi bài viết để được giải đáp các thông tin cần thiết về cách điều trị sỏi thận.
Sỏi nếu nằm yên trong thận sẽ không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, khi sỏi lớn đến một kích thước nào đó, dưới sự tác động của các yếu tố bên ngoài, sỏi sẽ di chuyển và cọ xát trong hệ tiết niệu. Đó là nguyên nhân dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không kịp thời xử lý viên sỏi.
– Sỏi gây tắc nghẽn đường niệu:Sỏi thường nằm ở bể thận và đài bể thận, thường di chuyển xuống niệu quản, bàng quang và có thể kẹt ở bất cứ nơi nào trên đường đi. Khi sỏi kẹt lại với kích thước đủ lớn, sỏi sẽ gây ứ nước tại thận. Nước tiểu không thể bài tiết ra ngoài sẽ gây suy thận nếu không lấy sỏi kịp thời.
– Viêm nhiễm đường niệu: Sỏi cọ xát và di chuyển trong đường niệu sẽ khiến lớp niêm mạc bị tổn thương. Tổn thương niêm mạc sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây sưng viêm. Nếu để lâu, sẽ chuyển sang giai đoạn nhiễm trùng, bệnh nhân đau đớn và điều trị càng tốn kém, phức tạp.
– Bể thận bị viêm nhiễm và ứ mủ: Đây là một trong những biến chứng của sự tắc nghẽn dòng nước tiểu. Việc tắc nghẽn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng đài thận, bể thận. Khi bị viêm bể thận cấp, người bệnh có thể bị sốt cao, đau dữ dội, đái mủ…. nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân cần nhanh chóng nhập viện, tránh hiện tượng ứ mủ bể thận, dẫn đến hủy hoại nhu mô thận.
– Giãn đài bể thận: Khi ứ nước trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến thận bị giãn rộng. Hiện tượng này nếu kéo dài quá lâu sẽ khiến nhu mô thận khó phục hồi như cũ. Từ đó thận sẽ bị hủy hoại dần dần.
– Thận bị suy giảm chức năng nặng nề: Sau khi chịu tác động bởi viên sỏi di chuyển và cọ xát tạo nên các biến chứng, thận sẽ trở nên yếu đi và suy giảm chức năng. Suy thận giai đoạn nặng sẽ không thể điều trị và người bệnh có khi phải lọ máu để duy trì sự sống. Thậm chí có người phải cắt bỏ thận.
Chữa trị sỏi thận phải đi từ ngọn đến gốc. Đầu tiên, cần loại bỏ được viên sỏi ra ngoài cơ thể bằng phương pháp phù hợp. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau. Đồng thời, trong và sau quá trình khi lấy sỏi ra ngoài, người bệnh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để thay đổi lối sống, ăn uống phù hợp tránh tái phát thì việc điều trị mới hiệu quả.
Sỏi nhỏ và đường tiết niệu thông thoáng, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị nội khoa. Điều trị nội khoa chỉ đạt hiệu quả khi người bệnh kết hợp uống nhiều nước, ăn uống với chế độ phù hợp. Các loại thuốc được chỉ định bao gồm thuốc giãn cơ, chống viêm, giảm đau… nhằm mục đích đẩy nhanh sỏi ra ngoài.
Điều trị bằng thuốc là quá trình lâu dài. Trong quá trình đó cần theo dõi và kiểm tra định kỳ xác định vị trí sỏi để có biện pháp can thiệp điều trị nếu cần.
Tán sỏi là giải pháp công nghệ cao được ưu tiên hàng đầu trong điều trị sỏi thận. Đối với mỗi kích thước và tình trạng cụ thể, sẽ có các phương pháp tán sỏi khác nhau để áp dụng.
– Tán sỏi ngoài cơ thể: Phương pháp này sử dụng sóng xung kích phát ra từ máy tán sỏi để tán sỏi thành vụn nhỏ. Sỏi sau khi được tán thành vụn nhỏ, sỏi sẽ được đào thải ra ngoài theo đường tiểu. Tán sỏi ngoài cơ thể đơn giản, không đau và rất nhanh chóng. Tuy nhiên chỉ áp dụng cho sỏi thận kích thước nhỏ dưới 1cm.
– Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ: Phương pháp này sử dụng năng lượng laser để bắn vỡ sỏi và bơm hút vụn ra ngoài. Một đường hầm nhỏ sẽ được tạo ra từ một lỗ nhỏ trên lưng để đưa dụng cụ nội soi vào tiếp cận sỏi. Các viên sỏi kích thước lớn, sỏi lâu năm… đều có thể ứng dụng phương pháp này.
– Tán sỏi nội soi ngược dòng: Phương pháp này hiệu quả với các loại sỏi bàng quang, sỏi niệu quản ⅓ dưới. Dụng cụ nội soi được đưa vào cơ thể và tiếp cận với viên sỏi theo đường tự nhiên, đi lên từ niệu đạo. Do đó, người bệnh cần có niệu đạo thông thoáng mới có thể áp dụng giải pháp này.
Chế độ ăn uống phù hợp
– Uống nhiều nước sạch: Những ai từng bị sỏi đều không thể quên lưu ý quan trọng là phải uống đủ nước hằng ngày. Uống nhiều lần trong ngày với lượng nước ít nhất là 2 lít.
– Hạn chế thực phẩm chứa Purin như nội tạng động vật, các loại thịt khô… và thực phẩm chứa oxalat
– Ăn nhạt, ăn nhiều rau, hạn chế thịt
– Bổ sung thêm nước chanh, nước cam ép: Những loại nước ép này có thể hạn chế sự hình thành sỏi
Sinh hoạt điều độ:
– Không ngồi một chỗ khi đi làm
– Vận động bằng các bài tập đơn giản hằng ngày
– Đi ngủ đúng giờ, thức dậy đúng lúc
– Giữ cân nặng ở mức phù hợp, tránh béo phì
Sỏi thận nếu tuân thủ điều trị tuyệt đối thì sẽ nhanh chóng được đẩy lùi bằng các giải pháp phù hợp. Bệnh nhân cần nghe theo cách chữa trị sỏi thận hiệu quả từ bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không nên dùng thuốc hay các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh