✴️ Chi tiết 7 phương pháp điều trị sỏi niệu quản được chỉ định áp dụng

Nội dung

Thông tin cơ bản về sỏi niệu quản

Sỏi thận khi di chuyển xuống niệu quản được gọi là sỏi niệu quản. Bệnh sỏi nói chung được đánh giá như một loại rối loạn tiết niệu phổ biến nhất và được cho là gây đau đớn nhất.

Sỏi niệu quản được hình thành từ các chất hòa tan trong nước tiểu. Chúng tập trung trong nước tiểu để tạo thành các tinh thể rắn có thể dẫn đến sỏi khi các vật chất trong nước tiểu tích tụ xung quanh chúng. Đây là sự tích tụ được gọi là sỏi nang. Hầu hết sỏi tiết niệu được tạo thành từ canxi oxalat hoặc canxi photphat, cũng có thể chứa cysteine, axit uric hoặc struvite.

Một số loại sỏi như struvite là do nhiễm trùng đường tiết niệu gây nên. Loại sỏi này không phổ biến lắm. Sỏi Crystine thậm chí còn ít phổ biến hơn.

Hầu hết sỏi niệu quản có thể tự khỏi mà không cần can thiệp y tế bằng cách uống nhiều nước và dùng thuốc để kiểm soát cơn đau. Tuy nhiên, một số người có kích thước sỏi lớn cần có phương pháp điều trị sỏi niệu quản khác giúp loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể.  

Nhận biết triệu chứng sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản kích thước nhỏ sẽ không gây ra triệu chứng. Nhưng nếu kích thước sỏi lớn đến mức cản trở dòng chảy của nước tiểu và khiến người bệnh vô cùng đau đớn, kèm theo chuột rút ở vùng thận và bụng dưới, sau này có thể lan xuống bẹn.

Khi cơ thể cố gắng tống sỏi ra ngoài, nước tiểu có thể có màu hồng kèm theo máu, đi tiểu thường xuyên hơn, đau và rát.

Trường hợp cơ thể sốt và ớn lạnh rất có thể đã bị nhiễm trùng.

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản được chỉ định

Để lựa chọn phương pháp điều trị sỏi niệu quản phù hợp cần xác định các yếu tố liên quan bao gồm:

  • Kích thước sỏi: sỏi có kích thước nhỏ hơn 5mm đều có thể di chuyển tự nhiên ra ngoài

  • Mức độ đau theo triệu chứng lâm sàng

  • Mức độ tắc nghẽn và chức năng thận

  • Tình trạng nhiễm khuẩn

Điều trị cấp cứu sỏi niệu quản

Cấp cứu nhanh chóng bằng cách mở thận ra da hoặc đặt thông niệu quản để giải quyết tắc nghẽn trong trường hợp sỏi niệu quản gây biến chứng nghiêm trọng viêm thận bể thận cấp tính, tắc nghẽn tổn thương thận cấp tính (chức năng thận suy giảm năng), người bệnh bị đau lưng hông kèm sốt lạnh run. Sau đó phối hợp sử udngj kháng sinh điều trị thích hợp. Chỉ can thiệp lấy sỏi khi giải quyết xong tình trạng nhiễm khuẩn.

Khi gặp cơn đau quặn thận, lựa chọn đầu tiên được đưa ra là sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc phối hợp với các thuốc giảm đau khác như paracetamol hoặc morphin để kiểm soát cơn đau tốt hơn.

phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Trường hợp đau lưng hông kèm sốt lạnh run cần được cấp cứu ngay

Điều trị nội khoa sỏi niệu quản

Khi sỏi có kích thước nhỏ, đường kính nhỏ hơn 10mm, bề mặt nhẵn, bờ rõ nét, chức năng thận bình thường thì bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng nội khoa, có khả năng theo dõi sát bệnh nhân. Điều trị nội khoa sẽ có thời gian trong khoảng từ 4 – 6 tuần.

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản nội khoa sẽ tuân theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất bằng cách kiểm soát đau với thuốc giảm đau, chống co thắt để sỏi di chuyển ra ngoài dễ dàng. Bên cạnh đó, mỗi ngày người bệnh cần bổ sung khoảng 3 lít nước và truyền dịch kịp thời khi nôn ói nhiều hoặc nhiễm khuẩn nặng.

Trường hợp sỏi có vị trí ở đoạn 1/3 dưới niệu quản, bác sĩ sẽ kê đơn tống xuất sỏi với thuốc ức chế alpha hoặc Nifedipin.

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng ngoại khoa

Chỉ định can thiệp ngoại khoa là phương pháp điều trị sỏi niệu quản khi:

  • Kích thước sỏi niệu quản lớn hơn 1cm

  • Sỏi niệu quản có nhiễm khuẩn đường tiết niệu

  • Triệu chứng không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau

  • Điều trị nội khoa sỏi niệu quản thất bại

  • Biến chứng sỏi niệu quản đã ảnh hưởng chức năng thận (suy thận, sỏi niệu quản/sỏi thận độc nhất, sỏi niệu quản hai bên)

Phương pháp tán sỏi niệu quản

Tán sỏi là phương pháp điều trị sỏi niệu quản sử dụng máy tán sỏi phát ra xung chấn động từ bên ngoài cơ thể bệnh nhân, định vị bằng X-quang hoặc siêu âm hướng vào vị trí có sỏi trong thận.

Những sóng xung động từ máy tán sỏi sẽ phá vỡ sỏi niệu quản thành các mảnh nhỏ và di chuyển theo nước tiểu đi ra ngoài cơ thể.

Phương pháp tán sỏi niệu quản ngoài cơ thể sẽ hiệu quả với sỏi có tính chất không quá cứng (< 1000 HU) và có vị trí nằm ở đoạn trên của niệu quản.

Ưu điểm của phương pháp điều trị sỏi niệu quản này là không đau, không tổn thương thận, không cần nằm viện, tỷ lệ sạch sỏi lên tới >80%.

phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng nội soi được áp dụng nhiều nhất hiện nay

Nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser

Thông qua đường tiểu, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi niệu quản có gắn đầu phát tia laser vào trong niệu quản. Thông qua màn hình chiếu, bác sĩ xác định được vị trí sỏi và dùng năng lượng laser để tán sỏi thành nhiều mảnh nhỏ và gắp ra ngoài.

Nội soi tán sỏi niệu quản bằng laser không đau, ít tổn thương, bệnh nhân xuất viện trong vòng 24h sau khi tán sỏi, không để lại sẹo mổ, hiệu quả làm sạch sỏi hơn 90%.

Biến chứng có thể xảy ra: tiểu ra máu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, hẹp niệu quản.

Tán sỏi niệu quản qua da

Chỉ định với người bệnh có sỏi lớn ở 1/3 niệu quản phía trên.

Bác sĩ sẽ sử dụng một kim chọc từ ngoài da vào thận dưới hướng dẫn siêu âm hoặc X-quang, sau đó dụng một bộ dụng cụ để nong rộng đường chọc dò để tạo đường hầm vào thận và dùng một ống soi thận nhỏ quan sát, tán sỏi và lấy ra ngoài cơ thể.

Tán sỏi niệu quản qua da tỷ lệ sạch sỏi cao, ít gây đau đớn cho người bệnh.

Biến chứng sau tán sỏi niệu quản qua da: nhiễm khuẩn, chảy máu, tụ dịch quanh thận, tổn thương các cơ quan lân cận…

phương pháp điều trị sỏi niệu quản

Hình ảnh minh họa tán sỏi niệu quản qua da

Phẫu thuật nội soi sỏi niệu quản

Phưng pháp điều trị sỏi niệu quản bằng phẫu thuật được chỉ định khi sỏi có kích thước lớn, đáp ứng tỷ lệ làm sạch sỏi cao trên 95%, ít gây tổn thương.

Để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi vào trong cơ thể thông 3 lỗ nhỏ trên hông lưng của bệnh nhân để lấy sỏi. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần lưu viện 1 – 2 ngày, các biến chứng có thể gặp phải: nhiễm trùng vết mổ, chảy máu vết mổ, đi tiểu có máu, rò rỉ nước tiểu.

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản bằng mổ mở

Đây là phương pháp điều trị sỏi niệu quản ít được áp dụng vì nhược điểm để lại vết mổ dài, đau vết mổ, thời gian hồi phục lâu.

Bất đắc dĩ được chỉ định khi sỏi niệu quản phức tạp, các phương pháp điều trị khác thất bại.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top