✴️ Nội soi bơm rửa niệu quản sau tán sỏi ngoài cơ thể có gây mê

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản ít xâm lấn, tương đối an toàn.

Một số ít trường hợp sau tán sỏi ngoài cơ thể, sỏi bị vỡ vụn ra nhưng chưa xuống hết bàng quang mà còn đọng lại ở trong lòng niệu quản. Nội soi bơm rửa niệu quản là biện pháp cần thiết để tránh tắc nghẽn làm ứ đọng nước tiểu ở bể thận và niệu quản.

 

CHỈ ĐỊNH

Sau tán sỏi ngoài cơ thể sỏi đã bị vỡ vụn nhưng đang còn nằm trong niệu quản.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Rối loạn đông máu nặng.

Nhiễm trùng bàng quang nặng.

Người bệnh đang bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục (lậu, giang mai,...).

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện 

01 bác sĩ và 01 điều dưỡng, 01 kỹ thuật viên gây mê.

Phương tiện

Bộ dụng cụ nội soi: 01 cáp dẫn quang, 01 troca để vào bàng quang, 01 Grasping forcep, 01 camera nội soi.

Thông niệu quản thẳng có lỗ ở cuối (end hole) và guide wire 0,035” (road runner)

C – arm hướng dẫn định vị đầu thông đúng vị trí và định vị trí sỏi cần rửa.

Máy theo dõi lifescope và dụng cụ cấp cứu: mặt nạ, bóng bóp, nội khí quản

Thuốc mê và tiền mê: midazolam 5mg từ 1 - 4 ống, fantanyl 0,1mg từ 1 - 3 ống, propofol 20ml từ 1-4 ống.

Áo chì: 02 bộ

Gạc: 03 gói

Dung dịch sát khuẩn, bơm tiêm, nước muối sinh lý 0,9% (1000ml).

Thuốc tê lidocain 2%, gel bôi trơn.

Găng vô trùng: 02 đôi

Người bệnh

Thông báo cho người bệnh ngày, giờ tiến hành nội soi, bơm rửa niệu quản và dặn người bệnh đi tiểu hết nước tiểu trong bàng quang.

Giải thích người bệnh về thủ thuật để người bệnh hợp tác.

Nhịn ăn trước khi làm thủ thuật 06 giờ.

Đặt đường truyền tĩnh mạch.

Hồ sơ bệnh án 

Mang hồ sơ bệnh án của người bệnh đến phòng nội soi.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh: Đo huyết áp, nhịp tim trước khi soi

Thực hiện kỹ thuật

Người bệnh nằm ở tư thế sản khoa, bộc lộ cơ quan sinh dục.

Sát trùng vùng hạ vị và bộ phận sinh dục

Trải khăn vô khuẩn lên bộ phận sinh dục người bệnh

Sau khi người bệnh được tiền mê hoặc gây mê, sẽ tiến hành thủ thuật.

Bơm lidocain 2% dạng gel vào lỗ sáo của người bệnh nhằm gây tê niêm mạc dọc đường đi của ống soi (đối với nữ giới thì không cần).

Bôi trơn ống nội soi.

Nâng dương vật người bệnh lên thẳng đứng 90o, từ từ đưa ống soi vào. Sau đó vừa đẩy ống thẳng qua lỗ tiểu vào niệu đạo rồi vào bàng quang (đối với nữ: đưa thẳng ống qua lỗ tiểu vào bàng quang). Trong lúc thực hiện quan sát nét mặt người bệnh. 

Cho thoát hết nước tiểu tồn lại trong bàng quang ra ngoài rồi cho đường truyền dung dịch natriclorua 0,9% chảy vào bàng quang.

Quan sát tổng thể bàng quang, xác định lỗ niệu quản cần bơm rửa

Đưa thông niệu quản thẳng có guidewire dẫn đường vào kênh thủ thuật (operator chanel), dùng cần nâng (elevator) để hướng dẫn catheter vào miệng lỗ niệu quản, cho guide wire đi trước khi vào miệng niệu quản để tránh xây xát miệng lỗ tiểu và đi lạc đường.

Dưới hướng dẫn của C- arm, luồn guide wire đến chỗ có vụn sỏi bị tắc ở trong niệu quản, giữ cố định guide wire.

Trượt catheter theo guide wire đi đến chỗ có vụn sỏi, cố định catheter và rút nhẹ từ từ guide wire ra ngoài.

Dùng bơm 20ml có nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) bơm rửa nhẹ nhàng vào chỗ vụn sỏi ở trong niệu quản đồng thời quan sát dưới hưóng dẫn của C- arm; có thể bơm rửa nhiều lần đến khi hết sạch vụn sỏi trong niệu quản.

Khi quan sát dưới C- arm thấy sạch vụn sỏi thì rút catheter từ từ ra ngoài.

Rút ống nội soi ra cho vào bồn rủa, kết thúc thủ thuật.

 

THEO DÕI

Trong thủ thuật: toàn trạng, mạch, huyết áp, tình trạng đau,...

Sau thủ thuật: tình trạng đau, đái máu, nhiễm trùng,..

Theo dõi những biến chứng của gây mê như suy hô hấp, tụt huyết áp.

 

TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chấn thương bàng quang niệu đạo, nặng có thể gây thủng bàng quang, rách niệu đạo.

Biến chứng liên quan tới gây mê: tụt huyết áp, suy hô hấp, buồn nôn hoặc nôn. Tiến hành truyền dịch, thở oxy.

Tùy theo tai biến xảy ra có biện pháp phù hợp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

HoskingDH, McColm SE and Smith WE (1999). Is stenting following ureteroscopy for removal of distal ureteral calculi necessary? Journal of Urol, 161: 48-50.

Jefrry L. Huffman, MD (1992). ureteroscopy. In: Patrick C. Walsh’ Campbell’s Urology, 6th Ed. Philadelphia, Pennsylvania, 2195-2227.

Michael Grasso, MD (2002). Ureteroscopy, Article: May 29, 2002; 1-15

Sunai Leewansangtong, M.D (1999). Management of Ureteral Calculi with the Use of Transurethral Ureteroscopy and Electrohydraulic Lithotripsy : 101 Patients Experience; Division of Urology. Thailand. Siiraj Hosp Gaz 1999; 51: 579-585.

Turk TMT and Jenkins AD (1999). A comparison of ureteroscopy to in situ extracorporeal shockwave lithotripsy for the treatment of distal ureteral calculi; Joural of Uro, 161: 45-47.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top