Sỏi tiết niệu là một bệnh lý xảy ra khi các tinh thể khoáng chất trong nước tiểu kết tủa lại, hình thành sỏi tại bất kỳ vị trí nào trong hệ thống tiết niệu, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó, sỏi thận là phổ biến nhất. Bệnh thường gặp ở nam giới, đặc biệt là trong độ tuổi từ 30–50. Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu cao trên thế giới.
Sỏi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên hệ tiết niệu: thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo
Sỏi calci (oxalat/calci phosphat): Là loại sỏi phổ biến nhất (~80%). Sỏi calci có bề mặt gồ ghề, cứng và cản quang, dễ phát hiện qua chẩn đoán hình ảnh.
Sỏi acid uric: Loại sỏi này không cản quang, khó phát hiện qua X-quang thường quy, thường gặp ở những người có pH nước tiểu thấp.
Sỏi cystine: Loại sỏi hiếm gặp, thường do rối loạn chuyển hóa di truyền.
Sỏi phosphat – amoni – magnesi (struvite): Liên quan đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu, có thể tạo thành sỏi san hô lấp kín toàn bộ đài – bể thận.
Sỏi thận
Sỏi niệu quản
Sỏi bàng quang
Sỏi niệu đạo
Một số nguyên nhân chính gây sỏi tiết niệu bao gồm:
Nồng độ cao của các chất khoáng: Canxi, oxalat, urat trong nước tiểu có thể kết tủa và hình thành sỏi.
Thiếu nước: Nước tiểu cô đặc là yếu tố thuận lợi hình thành sỏi.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu mạn tính: Nhiễm trùng có thể gây thay đổi thành phần nước tiểu và tạo điều kiện hình thành sỏi.
Dị dạng đường niệu và rối loạn chuyển hóa: Các bất thường trong cấu trúc hệ tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.
pH nước tiểu bất thường: Nước tiểu có pH quá thấp hoặc quá cao có thể tạo điều kiện hình thành sỏi.
Yếu tố di truyền: Một số bệnh lý di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi tiết niệu.
Lối sống thiếu vận động, ăn mặn, ăn nhiều đạm động vật cũng là các yếu tố nguy cơ góp phần gây bệnh.
Các đối tượng sau có nguy cơ cao mắc sỏi tiết niệu:
Người có tiền sử gia đình mắc sỏi tiết niệu.
Người đã từng can thiệp đường niệu, tiểu phẫu/mổ sỏi.
Người ít uống nước hoặc nhịn tiểu thường xuyên.
Người bị viêm đường tiết niệu tái phát.
Bệnh nhân mắc các bệnh lý như rối loạn chuyển hóa, gút, tiểu đường.
Người làm việc trong môi trường nhiệt độ cao.
Người nằm lâu do liệt hoặc tai biến.
Tác dụng phụ của một số thuốc như vitamin C liều cao, thuốc lợi tiểu, corticoid.
Cơ thể không đào thải hết cặn bã, dẫn tới tích tụ và hình thành sỏi trong hệ tiết niệu
Triệu chứng của sỏi tiết niệu phụ thuộc vào vị trí và mức độ tắc nghẽn do sỏi. Các triệu chứng bao gồm:
Đau vùng thắt lưng, lan xuống bẹn (đặc biệt khi sỏi di chuyển).
Tiểu buốt, tiểu rắt, bí tiểu.
Tiểu ra máu.
Tiểu đục, có mùi hôi nếu có nhiễm trùng.
Sốt, ớn lạnh (nếu có nhiễm trùng niệu).
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể không có triệu chứng và sỏi chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm. Nếu không điều trị, sỏi có thể gây các biến chứng nguy hiểm như:
Tắc nghẽn đường niệu → ứ nước, giãn thận.
Viêm thận cấp/mạn.
Nhiễm trùng toàn thân.
Suy thận không hồi phục.
Áp dụng cho các trường hợp sỏi nhỏ (<5mm) và chưa có biến chứng:
Thuốc giãn cơ trơn niệu quản, lợi tiểu, giảm đau, kháng sinh (nếu có nhiễm khuẩn).
Kết hợp uống nhiều nước và vận động hợp lý để giúp sỏi tự ra ngoài.
Đối với các sỏi lớn hoặc có biến chứng, các phương pháp điều trị hiện đại thay thế mổ mở bao gồm:
Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL): Dùng sóng xung kích để phá vụn sỏi.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser: Thực hiện qua niệu đạo, bàng quang và niệu quản.
Tán sỏi qua da đường hầm nhỏ (PCNL): Phù hợp cho sỏi lớn hoặc sỏi san hô.
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào kích thước, vị trí, độ cứng của sỏi và tình trạng thể chất của bệnh nhân.
Người bệnh cảm thấy bị đau lưng, đau bụng, tiểu buốt, tiểu rắt…
Để phòng ngừa sỏi tiết niệu, người bệnh nên thực hiện các biện pháp sau:
Uống đủ nước: ≥2 lít/ngày, chia đều trong ngày.
Không nhịn tiểu và đi tiểu ngay khi có nhu cầu.
Ăn uống cân bằng: Giảm đạm động vật, giảm muối, tăng cường rau xanh và trái cây.
Tăng cường vận động: Hạn chế việc nằm lâu hoặc ít vận động.
Điều trị dứt điểm viêm đường tiết niệu nếu có.
Khám định kỳ, đặc biệt nếu có tiền sử sỏi hoặc bệnh lý chuyển hóa.
Sỏi tiết niệu là bệnh lý phổ biến và có thể được phát hiện và điều trị hiệu quả nếu chẩn đoán sớm. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, thăm khám định kỳ và tuân thủ điều trị có thể giúp phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng như suy thận. Khi có dấu hiệu bất thường như đau vùng thắt lưng, rối loạn tiểu tiện hoặc tiểu ra máu, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh