✴️ Tổng quan về bệnh hẹp niệu quản

Nội dung

Hẹp niệu quản là một bệnh lý xảy ra ở hệ tiết niệu gây ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm gây khó khăn và tốn nhiều chi phí trong điều trị. Hãy cùng tìm hiểu về bệnh cũng như các phương pháp điều trị hẹp niệu quản và cách phòng tránh qua bài viết dưới đây để có thêm nhiều kiến thức bảo vệ sức khỏe.

 

1. Bệnh hẹp ống niệu quản – Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh

1.1 Hẹp niệu quản là gì?

Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang có kích thước khoảng 25cm-30cm, đường kính trong khoảng 2mm-3mm và có thể căng rộng lên đến 7mm.

Niệu quản có 3 vị trí hẹp tự nhiên nghĩa là đường kính tại những vị trí này nhỏ hơn nhưng không gây tắc nghẽn, đó là đoạn nối niệu quản – bể thận, đoạn niệu quản bắt chéo bó mạch chậu, đoạn nối niệu quản – thành bàng quang.

Bệnh hẹp niệu quản không phải là hẹp tại các vị trí sinh lý tự nhiên ở niệu quản, mà là tình trạng bó hẹp, thu nhỏ bất thường gây tắc nghẽn ở bất kì vị trí nào trong một hoặc cả hai ống niệu quản dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.

Tổng quan về bệnh hẹp niệu quản

Hẹp tại một vị trí bất kỳ trên niệu quản gây tắc nghẽn nước tiểu lưu thông từ thận xuống bàng quang

 

1.2 Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hẹp ống niệu quản

Có nhiều nguyên nhân hình thành nên bệnh niệu quản bị hẹp làm tắc nghẽn dòng nước tiểu, chúng tôi sẽ chia thành 2 dạng nguyên nhân là do bẩm sinh và nguyên nhân có tác động gây hẹp.

Nguyên nhân bẩm sinh nghĩa là người bệnh khi sinh ra đã có những dị dạng sẵn trong cơ thể như: niệu quản đôi (hai niệu quản hình thành trên 1 quả thận và 1 trong 2 niệu quản có bất thường), bất thường vị trí niệu quản nối với bàng quang làm tắc nghẽn dòng nước tiểu, niệu quản quá hẹp, xơ hóa phúc mạc

Các nguyên nhân tác động gây bệnh bao gồm: Ảnh hưởng của sỏi niệu quản, có khối u trong niệu quản, nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc do tác động can thiệp ngoại khoa ở niệu quản. Ngoài ra còn có thể do các yếu tố bên ngoài niệu quản như: Cơ quan xung quanh niệu quản bị viêm, phụ nữ bị lạc nội tử cung, tử cung tăng kích thước khi mang thai dẫn đến chèn ép niệu quản, mắc táo bón nặng…

Hẹp niệu quản và nguyên nhân gây bệnh

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra tình trạng hẹp gây tắc nghẽn tại niệu quản

 

1.3 Triệu chứng của tình trạng niệu quản hẹp gây tắc nghẽn

Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là làm sao để biết được liệu mình có đang mắc tình trạng hẹp ở niệu quản hay không, dưới đây là các triệu chứng điển hình:

– Xuất hiện cơn đau quặn thắt, đau tại vùng thắt lưng

– Buồn tiểu nhưng lượng nước tiểu ít, không tiểu được hết, tiểu khó

– Hoặc bệnh nhân có máu trong nước tiểu

Các triệu chứng để nhận biết bệnh thường không rõ ràng bởi còn phụ thuộc vào vị trí hẹp và tình trạng tiến triển của bệnh. Do đó khi có dấu hiệu bất thường và nằm trong đối tượng có nguy cơ bạn nên đi thăm khám để có phương pháp điều trị kịp thời tránh biến chứng tối đa.

1.4 Các biến chứng gây ra bởi tình trạng hẹp tại niệu quản

Trong trường hợp người bệnh không được điều trị kịp thời, các triệu chứng sẽ chuyển từ nhẹ sang nặng, từ xuất hiện rời rạc đến liên tục và tần suất nhiều, và cuối cùng là chuyển sang biến chứng. Nghĩa là tình trạng bệnh đã tiến triển nghiêm trọng hơn thành những vấn đề như sau:

– Tắc nghẽn dòng nước tiểu đi xuống bàng quang khiến nước tiểu ứ đọng và đi ngược trở lại thận, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng giãn đài bể thận, thận bị suy giảm chức năng, teo thận, suy thận

– Thận ứ nước còn gây ra tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, thận ứ mủ

– Ứ nước, nước tiểu tắc nghẽn lâu ngày sẽ làm lắng cặn, kết tinh hình thành nên sỏi thận, sỏi niệu quản.

– Khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn biến chứng, kết hợp nhiều loại bệnh xảy ra trong hệ tiết niệu sẽ gây khó khăn trong điều trị, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát và có khả năng xấu nhất là tử vong.

Biến chứng của bệnh hẹp niệu quản

Thận ứ nước, đài thận, bể thận giãn, thận suy giảm chức năng là những biến chứng của bệnh

 

2. Điều trị hẹp niệu quản gây tắc nghẽn

Trong trường hợp bệnh nhân đau dữ dội do hẹp gây tắc nghẽn nước tiểu, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện dẫn lưu nước tiểu để tạm thời làm giảm các vấn đề gây ra bởi tắc nghẽn. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đề xuất những phương án điều trị hiệu quả và tối ưu nhất.

– Đặt stent niệu quản (Double-J) nội soi ngược dòng thường được ưu tiên lựa chọn để điều trị, do đây là phương pháp tiếp cận ít sang chấn, cho hiệu quả cao. Một đường ống được đặt vào trong niệu quản để nong rộng vị trí hẹp, giúp nước tiểu có thể lưu thông, giảm nguy cơ nhiễm trùng và bảo vệ niệu quản nhanh lành tổn thương…

– Phương pháp tạo hình niệu quản: Gồm có tạo hình niệu quản bằng phương pháp nội soi hoặc mổ hở. Đối với tạo hình niệu quản bằng nội soi là phương pháp làm nong rộng niệu quản cải thiện tình trạng tắc nghẽn. Tạo hình bằng phương pháp mổ hở là cắt đoạn hẹp và nối lại, áp dụng khi bệnh nhân gặp tình trạng bệnh tiến triển nặng.

 

3. Phòng ngừa tình trạng hẹp gây tắc nghẽn của niệu quản

Để phòng bệnh hẹp niệu quản, bạn nên tham khảo một số biện pháp phòng tránh để làm giảm yếu tố nguy cơ gây bệnh.

– Phụ nữ mang thai nên đi khám định kỳ để phát hiện tình trạng hẹp niệu quản bẩm sinh của trẻ, đồng thời kiểm tra sự phát triển của thai trong tử cung có chèn ép lên đường niệu quản của người mẹ hay không.

– Phòng tránh sỏi tiết niệu gây tắc nghẽn tại niệu quản bằng cách uống nhiều nước mỗi ngày

– Kiểm tra định kỳ sau khi thực hiện các phương pháp tán sỏi, điều trị ngoại khoa ở niệu quản.

Hẹp niệu quản là bệnh có thể chữa được tuy nhiên không vì thế mà người bệnh chủ quan bởi bệnh gây ảnh hưởng đến hệ tiết niệu, nếu để lâu còn dẫn đến các vấn đề nguy hại đến sức khỏe tổng quát. Khi có các triệu chứng bất thường bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác mức độ bệnh. Bên cạnh đó trong trường hợp bạn cần phẫu thuật thì cũng hoàn toàn có thể yên tâm bởi sẽ được ekip bác sĩ chuyên nghiệp, giỏi và nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top