Ngoài việc điều trị bằng thuốc, tập thể dục, thì chế độ dinh dưỡng cũng quan trọng trong điều trị căn bệnh này.
Trong đời sống hiện đại ngày nay, với áp lực công việc và nhiều lo toan trong cuộc sống, người dân thường hay gặp các triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, xây xẩm... Các triệu chứng trên thường được người dân tự chẩn đoán cho mình thành cái tên quen thuộc là 'rối loạn tiền đình'.
Bác sĩ Trương Hoài Anh chia sẻ, 'rối loạn tiền đình' là hội chứng gồm nhóm các triệu chứng như: chóng mặt thật sự, cảm giác chóng mặt, cảm giác mất thăng bằng, cảm giác choáng váng, cảm giác sợ hãi muốn té. Các triệu chứng trên khó được nhận biết cho đúng, phải được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám mới chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị được. Trong phạm vi bài viết này xin không viết sâu về chuyên môn y khoa, chỉ xin đưa ra một số lưu ý về cách ăn uống sinh hoạt để hạn chế các triệu chứng trên, cũng như để hỗ trợ cho việc điều trị được tốt hơn:
Vitamin: Một số các bệnh do nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi có thể gây ra chóng mặt. Nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều vitamin các nhóm, giúp tăng cường sức đề kháng sẽ giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng trên. Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin như rau củ, các loại trái cây chín, các loại hạt, ngũ cốc... Ngoài ra người dân có thể sử dụng các chế phẩm vitamin tổng hợp hiện đang có trên thị trường để bổ sung cho phù hợp với nhu cầu từng người.
Tránh sử dụng nhiều các loại gia vị như đường, muối, bột nêm... Tránh sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, cafein, thuốc lá..
Mất nước cũng là 1 nguyên nhân khiến cơ thể có cảm giác khó chịu, nôn nao. Do đó người bệnh cần uống đầy đủ nước, mỗi ngày khoảng 2 lít có thể giúp hạn chế tình trạng trên.
Ngoài ăn uống hợp lý, chúng ta nên duy trì nếp sống sinh hoạt lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục, tránh căng thẳng... sẽ giúp tình trạng chóng mặt hạn chế rất nhiều.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh