✴️ Những câu hỏi thường gặp khi trẻ bị ho

Nội dung

Có phải uống nước lạnh, ăn kem, tắm lạnh khiến trẻ bị ho? Có nên dùng thuốc trị ho, kháng sinh khi con bị ho?
Trong số các triệu chứng ốm ở trẻ là ho – sốt – sổ mũi thì ho có vẻ khiến bố mẹ lo lắng nhiều hơn vì ho thường đi kèm với nôn ói và nỗi lo bị viêm phổi. Gần đây các mẹ lại dấy lên tranh luận nên để con tự khỏi ho hay dùng thuốc. Có lẽ bố mẹ nên trang bị một ít kiến thức khoa học về ho để có thể bình tĩnh hơn khi cùng con vượt qua những cơn ho nhỉ?

 

VÌ SAO TRẺ BỊ HO? CÓ PHẢI DO ĂN LẠNH, MẶC PHONG PHANH?



Ho hiểu đơn giản là một phản xạ của cơ thể để tống siêu vi ra ngoài, bảo vệ đường hô hấp. Khi đường hô hấp có những “kẻ lạ” như khói thuốc, khói xe, bụi, virus, vi khuẩn…. thì phản xạ cơ thể sẽ ho để tống những “kẻ lạ” đó ra ngoài. Ho giống như sổ mũi, sốt là phản ứng của cơ thể để chống lại những “kẻ lạ”, bảo vệ cơ thể, là triệu chứng, không phải là bệnh.
Trẻ có thể bị ho do cảm lạnh, do viêm đường hô hấp, do dị ứng, ho hen suyễn, do ô nhiễm không khí, hóc hoặc do những nguyên nhân nghiêm trong hơn như viêm phổi, ho gà, viêm phế quản…. Điều may mắn là 99% các cơn ho ở trẻ là lành tính do virus, chỉ cần chăm sóc ở nhà.

Bắt nguồn từ cuốn sách “Để con được ốm” của bác sĩ Trí Đoàn – Uyên Bùi khẳng định rằng uống nước lạnh ăn kem không làm trẻ viêm họng, tắm nước lạnh tắm lâu không làm trẻ bị cảm, thay đổi thời tiết không khiến trẻ bị bệnh đã dấy lên nhiều tranh cãi bởi vì theo quan điểm của bố mẹ thì lạnh là nguyên nhân khiến trẻ bị ho, cảm (vì chúng ta vẫn gọi là cảm lạnh). Thực sự thì khi bị lạnh chúng ta thường dễ bị ho cảm hơn nhưng lạnh không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến trẻ bị ốm, nguyên nhân khiến trẻ bị ốm vẫn là do siêu vi xâm nhập vào cơ thể do tiếp xúc với siêu vi rồi đưa tay quệt lên mắt mũi miệng, nhất là trẻ đi học ở trường cùng các bé khác, trung bình trẻ bị ốm khoảng 10-12 lần mỗi năm . Nhiệt độ lạnh có thể là một yếu tố kích thích, khởi phát mà thôi.

Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, các mạch máu nhỏ ở niêm mạch mũi, hầu, họng và đường hô hấp trên sẽ phản ứng bằng cách co lại, làm giảm lượng máu đến cung cấp cho các khu vực này. Khi giảm cung cấp máu sẽ giảm luôn cung cấp dưỡng chất và giảm các tế bào bạch cầu khu trú để chống lại các tác nhân gây bệnh trong máu.
Không những thế, nhiệt độ lạnh còn là yếu tố thuận lợi kích thích một số virus sản sinh tốt, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho một số virus tồn tại lâu hơn. Vì thế, khi lạnh, các cửa ngõ cơ thể bị giảm máu và tế bào bạch cầu nên hệ thống bảo vệ yếu hơn trong khi các virus lại sản sinh tốt, tồn tại lâu hơn nên dễ bị bệnh hơn.

Vì thế, có những trẻ uống nước lạnh, tắm lạnh không bị ốm do hệ thống bảo vệ dù suy yếu vẫn đủ sức ngăn siêu vi (hoặc do bị nhẹ nên không có triệu chứng bệnh), có những trẻ uống nước lạnh, tắm lạnh sẽ ngay lập tức bị ốm do hệ thống bảo vệ của trẻ bị suy yếu đúng lúc có siêu vi xâm nhập và không thể ngăn lại. Bố mẹ cũng nên lưu ý là điều kiện khí hậu nóng ẩm như nước ta vốn đã là điều kiện tốt cho siêu vi sinh sôi, phát triển so với những nước lạnh, khô.

Tóm lại, nếu em bé nhà bạn có hệ miễn dịch tốt thì bố mẹ có thể thoải mái hơn trong việc cho con uống nước đá, ăn kem, tắm lạnh, dầm nước..... Nhưng nếu em bé vốn đề kháng không tốt và dễ ốm, bố mẹ nên hạn chế uống nước đá, ăn kem, tắm lạnh, tắm lâu, mặc đủ ấm. Bên cạnh đó bố mẹ cũng nên cho cơ thể bé cơ hội luyện tập nâng cao sức đề kháng bằng việc để trẻ tiếp xúc với thời tiết như trẻ em Nhật ăn mặc ít quần áo và chơi ngoài trời lạnh, chiều theo sở thích ăn kem, uống nước đá nhưng nên tiến hành từ từ, dần dần và phù hợp, để hệ thống bảo vệ của con mạnh lên dần dần. Và quan trọng nhất là vẫn dạy bé rửa tay xà phòng thường xuyên, che miệng khi ho hắt hơi, không đưa tay quệt lên mắt mũi để hạn chế siêu vi xâm nhập nhé!


     


HO CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? 


Ho là một triệu chứng tốt cho cơ thể, là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm hay siêu vi ra khỏi cơ thể và phòng ngừa viêm phổi (chứ không phải ho nhiều làm trẻ bị viêm phổi). Và 99% các cơn ho ở trẻ là do virus.
Trong một đợt cảm, thường trẻ sẽ ho khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Giai đoạn đầu trẻ sẽ ho khan, ho ít. Sau 4-5 ngày, hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản…. sẽ tiết ra những chất nhầy đờm để tiêu diệt siêu vi và cường độ ho sẽ tăng rất nhiều. Thông thường, vào ngày thứ 5-6 trẻ sẽ ho rất dữ dội, đây là lúc trẻ sắp hết ho.

Khi trẻ ho nhiều ở vào khoảng 5-6 ngày, bố mẹ bắt đầu muốn dùng thuốc trị ho cho con vì sợ ho nhiều sẽ bị viêm phổi nhưng ho là phản xạ để bảo vệ phổi, nếu thuốc trị ho có tác dụng thì khi ngừng ho trẻ sẽ có nguy cơ viêm phổi. Tuy nhiên, đa số các thuốc trị ho trên thị trường hiện nay đều không có tác dụng bởi vì ho chỉ là triệu chứng, nguyên nhân khiến trẻ ho là do virus (99%) hoặc vi khuẩn. Trong khi đó, thuốc ho chỉ có thể đè chặn phản xạ ho , không diệt được virus hay vi khuẩn mà khi nguyên nhân còn thì trẻ vẫn tiếp tục bị bệnh, việc giảm ho chỉ là trước mắt.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành lệnh cấm không cho trẻ dưới 4 tuổi uống thuốc trị ho bán trên thị trường không cần có đơn của bác sĩ vì không có lợi ích gì từ việc uống thuốc ho, ngược lại một số trường hợp có hại do một số chất trong thuốc giảm ho, ví dụ thuốc kháng histamine sẽ tăng nguy cơ bị suy hô hấp hay viêm phổi ở trẻ. Những trẻ từ 4-6 tuổi muốn uống thuốc trị ho cần phải có ý kiến bác sĩ. Trẻ trên 6 tuổi có thể tự dùng thuốc ho theo đúng hướng dẫn sử dụng. Vì vậy, việc bố mẹ tự ý mua thuốc trị ho cho con dưới 6 tuổi ở hiệu thuốc là hết sức nguy hiểm.
Những loại thuốc bị cấm sử dụng bao gồm thuốc thông mũi như ephedrine, pseudoephedrine, phenylephine, thuốc kháng histamine diphehydramine, brompheniramine chlorpheniramine.
Bên cạnh thuốc trị ho, bố mẹ cũng muốn dùng kháng sinh khi con bị ho. Bố mẹ nên lưu ý là kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn, không diệt được virus trong khi 99% các trường hợp ho ở trẻ là do cảm virus. Do đó, dùng kháng sinh khi trẻ ho do virus sẽ:

  • Không giúp rút ngắn thời gian bị ho
  • Không phòng ngừa được các biến chứng như viêm tai giữa, viêm hô hấp trên hay viêm phổi…
  • Khiến trẻ bị tiêu chảy, dị ứng, lở loét ở môi, đường tiêu hóa thậm chí sốc phản vệ gây nguy hiểm tính mạng
  • Nguy cơ kháng kháng sinh nên những lần sau bị ốm cần kháng sinh mạnh hơn, đến một thời điểm nào đó các loại kháng sinh cũng không còn tác dụng thì trẻ sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Vì thế, khuyến cáo hiện nay trên thế giới hiện nay là trẻ bị ho cảm thì nên chờ, nếu quá 2 tuần mà trẻ không đỡ thì mới kê kháng sinh. Tuy nhiên, nếu bạn thấy bé quá đừ, mệt mỏi hoặc bé dưới 3 tháng kèm sốt thì nên cho bé đi khám ngay.



CÁCH GIÚP TRẺ GIẢM HO, DỄ CHỊU HƠN?



Dù có lệnh cấm dùng thuốc trị ho cho trẻ dưới 4 tuổi và đa số thuốc ho trên thị trường đều không có tác dụng nhưng không có nghĩa là mỗi lần con ho chúng ta chỉ có thể để kệ con vì nếu ho nhiều, ho dữ dội trẻ sẽ nôn ói, không ngủ được, khó chịu…. Có nhiều cách để giảm cơn ho tạm thời cho trẻ an toàn mà bố mẹ có thể sử dụng như mật ong. Một nghiên cứu gần đây nhất được thực hiện ở Irasel cho thấy uống các loại mật ong trước khi đi ngủ giúp cải thiện đáng kể độ nặng của cơn ho, tần số của cơn ho cũng như giúp trẻ và bố mẹ ngủ tốt hơn.

Tuy nhiên mật ong có nguy cơ nhiễm bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum có thể làm ngộ độc, liệt cơ, gây tử vong nên không nên dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi, bố mẹ có thể thay bằng đường phèn. Bố mẹ có thể ngâm mật ong với chanh đào, húng chanh, quất, hoa hồng bạch…, chỉ cần chú ý chọn nguyên liệu đầu vào an toàn từ những nguồn tin tưởng, uy tín, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất… Ngoài ra, có một số loại siro ghi là trị ho nhưng không phải là thuốc trị ho bị cấm sử dụng cho trẻ trong danh sách trên mà chủ yếu làm từ thảo dược như mật ong, chanh… có thể sử dụng cho trẻ.
Khi có gió nhiều, nhiệt độ thay đổi đột ngột, độ ẩm trong không khí thay đổi nhanh… có thể khiến trẻ ho nhiều thêm nhưng chỉ là tạm thời và không ảnh hưởng đến bản chất, nguyên nhân cũng như diễn tiến ho của trẻ, có nghĩa là tạm thời khiến trẻ ho nhiều hơn nhưng không làm trẻ nhanh khỏi hay lâu khỏi ho hơn vì nguyên nhân ho (là virus hay vi khuẩn) vẫn không hề bị tác động. Vì vậy, việc tránh gió, tránh lạnh, mặc ấm, tránh máy lạnh, tắm biển, chơi ngoài trời… không có nhiều ý nghĩa trong việc phòng tránh, điều trị nguyên nhân ho, chỉ giúp bé đỡ ho hơn mà thôi.
Bên cạnh đó, để giúp trẻ bị ho dễ chịu hơn, bố mẹ có thể dùng cách cách sau:

  • Cho bé uống nhiều nước, nước ấm hoặc nước táo (nhất là cho trẻ từ 3 tháng – 1 tuổi chưa dùng được mật ong)
  • Massage ngực và bụng cho trẻ để giữ ấm, giúp trẻ dễ chịu
  • Tắm nước ấm, tăng cường độ ẩm để giúp trẻ dễ chịu hơn
  • Cho trẻ ăn súp gà (trẻ trên 6 tháng)
  • Nâng cao đầu bé khi ngủ: bạn nên nâng đệm hoặc nâng giường lên sẽ an toàn hơn là dùng gối vì dùng gối tăng nguy cơ tử vong đột ngột khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Bạn có thể đặt 2 khối gỗ ở dưới giường hoặc đệm để nâng lên, chú ý đảm bảo chắc chắn cho giường và cũi.
  • Súc miệng nước muối (với bé trên 4 tuổi hoặc bé biết nhổ thành thạo)
  • Nếu bé bị ho và sổ mũi bạn có thể kết hợp rửa mũi, nhỏ mũi

     


 KHI NÀO TRẺ HO NÊN ĐI KHÁM?
 

  • Ho kéo dài hơn 2 tuần: trẻ có thể bị ho dai dẳng do 2 đợt bệnh liền nhau đều lành tính nhưng vẫn cần bác sĩ thăm khám và chẩn đoán
  • Có dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, co lõm ngực bụng, cánh mũi phập phồng
  • Có tiếng rít hoặc tiếng bất thường khi hít thở
  • Lừ đừ, mệt, tái xanh
  • Nôn ói nhiều, có dấu hiệu mất nước (môi khô, khóc không ra nước mắt…)
  • Sốt cao
  • Trẻ dưới 6 tháng hoặc khi bố mẹ cảm thấy lo lắng

Tìm hiểu thêm: Viêm họng mủ ở trẻ em

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top