✴️ Tổng quan về hệ tiết niệu của cơ thể

Vị trí của hệ tiết niệu

Hệ tiết niệu là cơ quan giúp đào thải chất lỏng dư thừa và các chất hoà tan từ sự lưu thông máu ra bên ngoài cơ thể. Một số chất được tái hấp thu trở lại máu, các chất còn lại được lọc và đưa xuống bàng quang để thải ra ngoài.

Hệ tiết niệu bao gồm hai thận, hai niệu quản, bàng quang, niệu đạo, tuyến tiền liệt (ở nam giới)

Cấu tạo hệ tiết niệu

Thận

Thận nằm phía sau khoang phúc mạc, ở 2 bên cột sống. Thận phải ở vị trí thấp hơn thận trái.

Thận là tạng đặc có trọng lượng trung bình là 130 – 135 gram, kích thước trung bình là 12 x 6 x 3cm (1 quả thận). Nhu mô thận có độ dày 1,5 – 1,8cm và được bao phủ bởi lớp vỏ thận bên ngoài.

Nhu mô thận được chia 2 vùng:

  • Vùng tủy: Gồm các đài thận nhỏ, có đỉnh hướng về đài nhỏ. Các đài chứa hệ thống ống góp trước khi đổ vào đài thận.
  • Vùng vỏ thận: Có các đơn vị chức năng thận – nephron. Mỗi quả thận chứa 1 – 1,5 triệu nephron phân bố tập trung tại vùng vỏ. Tủy thận chiếm 10 – 20% nephron.
  • Rốn thận: Là nơi cuống thận đi vào thận. Rốn thận là vị trí phẫu thuật vào bên trong thận do đó nếu có rốn thận rộng phẫu thuật thuận lợi hơn rốn thận hẹp.

Niệu quản

Niệu quản là ống dẫn nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang, dài khoảng 25 – 30 cm.

Đường kính ngoài của niệu quản là 4 – 5 mm, đường kính trong khoảng 2 – 3 mm. Niệu quản gồm 3 lớp: thanh mạc, lớp cơ, lớp niêm mạc và được chia thành 3 đoạn: niệu quản trên, niệu quản giữa và niệu quản dưới.

cấu tạo hệ tiết niệu

Niệu đạo

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài miệng sáo, niệu đạo nam giới cũng là đường đi khi xuất tinh.

Niệu đạo có kích thước khác nhau giữa nam giới và nữ giới

Ở nam giới

Niệu đạo ở nam giới trưởng thành dài 14 – 16 cm, chia ra làm 2 phần:

  • Niệu đạo sau: Dài 4 cm, chia thành niệu đạo tuyến tiền liệt (3 cm) và niệu đạo màng (1 – 1,5 cm). Niệu đạo màng dễ tổn thương nếu gặp chấn thương vỡ xương chậu. Niệu đạo tuyến tiền liệt bị tổn thương trong các thủ thuật nội soi tiết niệu.
  • Niệu đạo trước: Dài từ 10 – 12cm, gồm niệu đạo dương vật, niệu đạo bìu, niệu đạo tầng sinh môn. Niệu đạo trước có vật xốp bao quanh, khi chấn thương vật xốp dễ bị tổn thương gây chảy máu, có thể để lại di chứng hẹp niệu đạo hơn niệu đạo sau.

Ở nữ giới

Niệu đạo ở nữ giới cố định, dài 3cm, liên quan chặt chẽ với thành trước âm đạo.

Bàng quang

Bàng quang nằm ngay sau khớp mu, là túi rỗng chứa nước tiểu. Khi bàng quang rỗng sẽ bị lấp sau khớp mu nhưng sẽ vượt lên trên khớp mu, có khi tới sát rốn khi đầy nước tiểu.

Bể thận và bàng quang được nối thông bởi 2 niệu quản. Hai lỗ niệu quản tạo với cổ bàng quang một tam giác và bàng quang được mở thẳng ra ngoài bằng niệu đạo.

Bàng quang gồm 4 lớp:

  • Lớp niêm mạc: Bao phủ mặt trong bàng quang
  • Lớp hạ niêm mạc:  Cấu tạo rất lỏng lẻo khiến lớp cơ và lớp hạ niêm có thể trượt lên nhau.
  • Lớp cơ: Gồm lớp cơ vòng ở trong, lớp cơ chéo ở giữa và lớp cơ dọc ở ngoài.
  • Lớp thanh mạc.

Bàng quang có thể chứa khoảng 300 – 500ml nhưng có thể tăng lên hàng lít hoặc giảm chỉ còn vài chục mililít trong nhiều trường hợp bệnh lý.

Chức năng của hệ tiết niệu

  • Thận: Là cơ quan chính trong hệ tiết niệu, giúp lọc và bài tiết các chất thải vào nước tiểu. Thận còn có chức năng điều hoà thể tích và thành phần máu, giúp cơ thể điều hoà huyết áp, PH và đường huyết. Bên cạnh đó, thận còn sản xuất hormon calcitriol và erythropoietin – hai hormon quan trọng trong cơ thể.
  • Niệu quản: Vận chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
  • Bàng quang: Lưu giữ nước tiểu cho tới khi đầy sẽ đẩy xuống niệu đạo thông qua hệ thống tín hiệu tới não bộ.
  • Niệu đạo: Giúp đẩy nước tiểu ra khỏi cơ thể. Niệu đạo còn là đường dẫn tinh ra ngoài ở nam giới

Xem thêm: Sỏi thận - Tiết niệu

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top