✴️ Trị sỏi thận hiệu quả bằng những phương pháp nào?

Nội dung

1. Nếu không điều trị sỏi thận có sao không?

Không phải tất cả sỏi thận đều cần điều trị. Một số ít người bệnh có sỏi nhưng không hề biết mình mắc sỏi. Bệnh nhân có thể không gặp triệu chứng khó chịu gì trong suốt thời gian sau vì sỏi vẫn nằm im trong thận. Một số ít người bệnh có sỏi nhưng sỏi rất nhỏ và có thể tự ra ngoài theo đường tiểu mà không hay biết. Tuy nhiên, những trường hợp ở trên là rất ít.

Người bệnh có sỏi thường không chú ý cho đến khi sỏi phát triển mạnh, kích thước tăng lên và gây đau đớn. Sỏi gây đau đớn khi di chuyển và cọ xát trong hệ tiết niệu. Ngoài những cơn đau âm ỉ và đột ngột, người có sỏi có thể gặp những biến chứng nguy hiểm nếu không nhanh chóng lấy sỏi ra ngoài.

– Sỏi gây tắc nghẽn: Sỏi quá lớn và di chuyển trong đường niệu có thể tắc nghẽn ở bất cứ vị trí nào. Khi đó, nước tiểu sẽ không thể đi xuống bàng quang bình thường. Dẫn đến hiện tượng tắc tiểu, bí tiểu… và suy thận nghiêm trọng.

– Viêm nhiễm đường niệu: Sỏi có thể cọ xát vào lớp niêm mạc tiết niệu và gây tổn thương lớp niêm mạc. Khi có vết thương hở và nước tiểu đi qua, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập và làm sưng viêm. Người bệnh sẽ ngứa rát, khó chịu khi bị viêm đường tiết niệu. Bệnh này cũng làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt vợ chồng, sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

– Giãn đài bể thận: Khi thận bị ứ nước lâu dài mà không được khắc phục thì đài bể thận sẽ bị giãn. Giãn đài bể thận kéo dài sẽ dẫn đến sự hủy hoại chức năng thận.

– Suy thận, hỏng thận: Các biến chứng ứ nước, tắc nghẽn, viêm nhiễm… lâu ngày sẽ khiến thận bị suy yếu nặng nề. Suy thận cấp độ nặng sẽ rất khó để phục hồi và bệnh nhân thậm chí cần lọc máu để duy trì cuộc sống. Một số người phải cắt bỏ thận nếu sỏi quá to gây hư hại nặng nề.

Trị sỏi thận hiệu quả

Sỏi thận nếu không điều trị sẽ gây đau và các biến chứng nguy hiểm ở đường tiết niệu

 

2. Trị sỏi thận như thế nào?

Để tránh sỏi thận gây biến chứng, người bệnh cần trị bệnh tận gốc và nguyên nhân bệnh. Đặc biệt, không nên chủ quan vì sỏi còn nhỏ mà chần chừ điều trị. Cần chủ động điều trị sớm vì sỏi càng nhỏ càng dễ dàng loại bỏ và đỡ tốn kém hơn.

Phác đồ điều trị sỏi thận toàn diện thường là:

– Loại bỏ viên sỏi ra ngoài cơ thể bằng giải pháp phù hợp. Việc dùng phương pháp nào cần dựa vào tình trạng và kích thước sỏi.

– Cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, từ cơ địa, từ ăn uống hay môi trường… để thay đổi cho phù hợp. Bác sĩ sẽ có lời khuyên và theo dõi sát sao ngay cả sau khi đã lấy sỏi ra ngoài.

 

2.1. Trị sỏi thận bằng cách dùng thuốc

Áp dụng trong trường hợp:

– Sỏi nhỏ dưới 5m, ít góc cạnh

– Đường tiết niệu thông thoáng

Thuốc điều trị sẽ có tác dụng làm giãn cơ, đẩy sỏi ra ngoài. Việc điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng khi người bệnh kết hợp uống thật nhiều nước để sỏi có thể ra ngoài theo đường tự nhiên. Đồng thời, chế độ ăn uống cũng cần phù hợp để tránh kết tinh tạo sỏi, hay làm cho sỏi gia tăng về kích thước.

Điều trị bằng thuốc có thể nhanh nhưng cũng có thể mất nhiều thời gian. Bệnh nhân cần kiên nhẫn, tuân thủ phương án dùng thuốc và khám định kỳ để xác định tình trạng.

Trị sỏi thận cấp độ nhẹ thường có chỉ định dùng thuốc kết hợp uống nước và thực đơn hợp lý để đẩy sỏi ra ngoài

Trị sỏi thận cấp độ nhẹ thường có chỉ định dùng thuốc kết hợp uống nước và thực đơn hợp lý để đẩy sỏi ra ngoài

 

2.2. Trị sỏi thận bằng công nghệ cao

Hiện nay, tán sỏi công nghệ cao là giải pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị sỏi. Những phương pháp tán sỏi đều có ưu điểm chung ít đau, thẩm mĩ và có hiệu quả kể cả sỏi lớn hay sỏi bé. 3 phương pháp thường được áp dụng hiện nay là:

– Tán sỏi ngoài cơ thể: Phương pháp đơn giản và nhẹ nhàng nhất áp dụng cho sỏi thận < 1cm và sỏi niệu quản ⅓ trên < 1cm. Người bệnh chỉ việc nằm trên máy tán tầm 30 phút, không có tác động dao kéo. Nguồn sóng xung kích phát ra từ máy tán sẽ giúp tán vỡ sỏi thành mảnh nhỏ. Bệnh nhân sẽ về nhà ngay mà không cần nằm viện. Mảnh vụn sỏi sẽ được ra ngoài theo đường tự nhiên khi bệnh nhân về nhà.

– Tán sỏi qua da: Hay còn gọi đầy đủ là tán sỏi qua da đường hầm nhỏ. Nguồn năng lượng laser sẽ được tập trung để bắn vỡ sỏi. Dụng cụ nội soi sẽ được đưa vào theo 1 đường hầm nhỏ tạo ra trên lưng. Nhờ vậy, người bệnh không có vết mổ lớn, quá trình tán sỏi cũng nhanh và chóng phục hồi hơn. Phương pháp này áp dụng được cả với sỏi lớn, sỏi lâu năm, sỏi san hô cứng…

– Tán sỏi nội soi ngược dòng: Áp dụng cho các loại sỏi bàng quang với mọi kích thước khác nhau và sỏi niệu quản ⅓ dưới. Tương tự như tán sỏi qua da, phương pháp này cũng dùng nguồn năng lượng laser bắn vỡ sỏi. Nhưng dụng cụ nội soi được đưa vào theo đường tự nhiên, “ngược dòng” từ niệu đạo đi lên. Người bệnh chỉ cần nằm viện 1 ngày, rất nhanh sẽ hồi phục sau tán sỏi.

Trong trường hợp, sỏi quá lớn, sỏi rắn quá không thể tán hoặc cơ thể không đáp ứng tán sỏi, người bệnh sẽ được mổ mở hoặc mổ nội soi lấy sỏi. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp mổ không được ưu tiên vì gây đau và lâu hồi phục.

Sau trị sỏi thận cần duy trì ăn uống, sinh hoạt hợp lý và tuân thủ mọi lời khuyên của bác sĩ để tránh tái phát sỏi. Cần tái khám định kỳ để kịp thời nhận ra các dấu hiệu bất thường và ngăn ngừa trước khi sỏi phát triển và gây biến chứng.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top