Áp xe phổi là một trong những bệnh lý về đường hô hấp phổ biến. Đây là một trong những bệnh phổi nguy hiểm cần được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy bệnh nhân khi đến bệnh viện thường đã ở trong giai đoạn muộn hoặc dùng thuốc kháng sinh không phù hợp. Để nhận biết sớm căn bệnh này bạn cần nắm được những thông tin cần thiết về căn bệnh:
Áp xe phổi là ổ mủ trong một vùng phổi hoại tử thành hang cấp tính hoặc mạn tính. Bệnh có tính chất nội – ngoại khoa, nếu điều trị nội khoa tích cực, đúng và đủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ mà bệnh không khỏi thì cần phải phẫu thuật.
Phân loại áp xe phổi dựa vào 3 tiêu chí, cụ thể:
Áp xe phổi ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt và đời sống của người bệnh
Dựa vào thời gian diễn biến của bệnh: Áp xe phổi cấp tính (thời gian diễn biến của bệnh thường dưới 4-6 tuần) và áp xe phổi mạn tính (thời gian diễn biến kéo dài trên 6 tuần).
Dựa vào căn nguyên vi sinh vật: Áp xe phổi do tụ cầu, áp xe phổi do vi khuẩn kị khí và áp xe phổi do do nấm Aspergillus.
Dựa vào cơ địa của bệnh nhân: Áp xe phổi nguyên phát (thường gặp ở bệnh nhân mắc viêm phổi hoặc ở người hoàn toàn khoẻ mạnh), áp xe phổi thứ phát (gặp ở người tắc hẹp phế quản do u hoặc dị vật đường thở hoặc ở bệnh nhân giãn phế quản, suy giảm miễn dịch,..).
Áp xe phổi thường gặp nhất ở những người nghiện rượu bia, thuốc lá hay những bệnh nhân bị chấn thương lồng ngực có dị vật trong phổi, hoặc cũng có thể là những bệnh nhân sau gây mê đặt nội khí quản, mở khí quản, thở máy hoặc bệnh nhân sau phẫu thuật vùng tai mũi họng, răng hàm mặt. Bên cạnh đó, áp xe phổi cũng có thể gặp ở nhũng bệnh nhân mắc một số bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy mòn, giãn phế quản,…
Phần lớn áp xe phổi do viêm phổi hít phải các vi khuẩn kị khí có trong khoang miệng, sau đó ổ áp xe có thể vỡ vào khoang màng phổi hoặc có thể dẫn lưu theo đường phế quản.
Hội chứng nhiễm trùng vùng hầu họng (viêm mủ, áp xe amidan) và huyết khối tắc tĩnh mạch cảnh trong vì nhiễm khuẩn là một trong những nguyên nhân gây áp xe phổi đa ổ do hoại tử tắc mạch nhiễm khuẩn.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh