✴️ Các bệnh hô hấp do nghề nghiệp

Nội dung

Bệnh hô hấp nghề nghiệp là hậu quả của sự phơi nhiễm với bụi, hạt trên cơ địa người có nhạy cảm trong quá trình sản xuất, bụi có thể là bụi vô cơ như bụi silic, bụi amiăng hoặc bụi hữu cơ như bụi bông, đay, gai, lông vũ…

Có nhiều bệnh liên quan tới nghề nghiệp như bệnh bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản...

Có nhiều bệnh liên quan tới nghề nghiệp như bệnh bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản…

Các bệnh hô hấp nghề nghiệp đều thuộc loại rất dễ mắc và có đặc điểm diễn tiến âm thầm. Các triệu chứng thường gặp là ho, khó thở, cảm giác đau tức ngực. Bệnh nhân nặng có thể ho ra máu, khó thở thường xuyên, thể trạng suy sụp. Bệnh khó chữa và có thể làm mất khả năng lao động, thậm chí gây tử vong.

Các bệnh hô hấp do nghề nghiệp

Bệnh bụi phổi silic
Đây là bệnh nguy hiểm và thường gặp nhất. Đó là tình trạng xơ hóa phổi lan tỏa do người lao động hít thở phải bụi có hàm lượng silic tự do cao. Môi trường gây bệnh gặp ở tất cả các công việc có tiếp xúc với bụi silic tự do như: khoan, đập, khai thác quặng đá, sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ, đồ gốm, gạch chịu lửa và các sản phẩm có chứa silic tự do khác..
Bệnh bụi phổi silic thường gây triệu chứng khó thở khi gắng sức, đau tức ngực (lúc này bệnh đã phát triển và có biến chứng).
Bệnh bụi phổi amiăng
Amiăng là một hợp chất gồm silicat, sắt, magiê, nhôm, kẽm. Những công việc tiếp xúc nhiều với amiăng như: khoan đập phá, khai thác quặng có amiăng, chải sợi, kéo sợi, dệt vải amiăng may áo cách nhiệt, xi măng amiăng, tấm lợp amiăng…

Thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp

Thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại là nguyên nhân gây các bệnh về hô hấp

Các triệu chứng của người mắc bệnh bụi amiăng là: khó thở khi gắng sức, đau ngực, cử động lồng ngực bị hạn chế. Bệnh có thể diễn tiến theo hướng xơ hóa phổi, tổn thương màng phổi lành tính, u ác tính. Người mắc bệnh bụi phổi amiăng có nguy cơ cao bị ung thư phế quản, ung thư biểu mô, các biến chứng thiểu năng tim, suy tim không hồi phục.
Bệnh bụi phổi bông
Bệnh xuất hiện do tiếp xúc với bụi bông, bụi gai, bụi đay. Bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong các nhà máy sử dụng hoặc sản xuất các sợi bông, đay, gai như se sợi, dệt vải, dệt bao bì, tiếp xúc lâu năm với bụi thảo mộc…
Bệnh viêm phế quản mạn tính
Bệnh do tiếp xúc nghề nghiệp với các loại bụi, nồng độ bụi vượt quá giới hạn tối đa cho phép, hoặc phải tiếp xúc với các hơi, khí độc như SO2, H2S… có trong môi trường với thời gian khoảng 3 năm. Bệnh có triệu chứng: phế quản tăng tiết gây ho, khạc đờm suốt trên ba tháng mỗi năm và kéo dài trên hai năm. Bệnh gây ra suy giảm chức năng hô hấp, có thể phát hiện ra qua đo chức năng phổi.
Hen phế quản

Đây là bệnh hen phế quản mà nguyên nhân được gây ra bởi toàn bộ hoặc một phần các tác nhân ở nơi làm việc. Nguyên nhân gây bệnh chính là do các công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Các tác nhân gây bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong môi trường chăn nuôi, các nhà máy sản xuất hóa chất, xà phòng, thuốc lá, nhựa, cao su, làm đồ chơi, đồ gốm…
Bệnh thường xuất hiện ở những công nhân đã có tiền sử mắc bệnh hen hoặc những công nhân có cơ địa dị ứng. Với những người có cơ địa dị ứng, khi ngừng tiếp xúc trong môi trường lao động có yếu tố dị nguyên, triệu chứng hen cũng mất dần.
Do đặc thù nghề nghiệp nên bạn có thể mắc các bệnh về đường hô hấp vì thế khi thấy xuất hiện các triệu chứng không tốt về sức khỏe bạn cần đi khám ngay để được điều trị sớm

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top