✴️ Điều trị bệnh lao (P2)

Nội dung

THEO DÕI ĐIỀU TRỊ BỆNH LAO

Theo dõi điều trị bệnh lao

Trong quá trình điều trị người bệnh cần được theo dõi như sau: 

Người bệnh cần được theo dõi kiểm soát việc dùng thuốc. 

Theo dõi đánh giá đáp ứng lâm sàng, Xquang và tác dụng phụ của thuốc. Đối với trẻ em phải cân hàng tháng để điều chỉnh liều thuốc theo cân nặng.

Xét nghiệm đờm theo dõi: người bệnh lao phổi cần phải xét nghiệm đờm theo dõi 3 lần Phác đồ 6 tháng: Xét nghiệm đờm vào cuối tháng thứ 2, 5 và 6.

Phác đồ 8 tháng: Xét nghiệm đờm vào cuối tháng thứ 3, 5,7 (hoặc 8).

Xử trí kết quả xét nghiệm đờm theo dõi

Với PĐ I (bao gồm cả PĐ IA và PĐ IB), đờm còn AFB(+) ở cuối tháng thứ 2, chuyển điều trị duy trì, làm xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp ở cuối tháng thứ 3. Nếu cuối tháng thứ 3 còn AFB(+), cần chuyển đờm làm Hain test, Xpert MTB/RIF (hoặc nuôi cấy và KSĐ).

Với PĐ II, nếu AFB (+) cuối tháng thứ 3 thì chuyển đờm làm Hain test, Xpert MTB/RIF (hoặc nuôi cấy và KSĐ).

Cả PĐ I và II, nếu AFB(+) ở cuối giai đoạn tấn công thì vẫn chuyển điều trì duy trì mà không kéo dài tấn công thêm 1 tháng như trước đây.

Lưu ý: ở bất kỳ thời điểm điều trị nào với thuốc chống lao hàng 1, khi xác định được chủng vi khuẩn lao kháng đa thuốc thì người bệnh cần được chỉ định PĐ IV.

Theo dõi điều trị bệnh lao đa kháng thuốc

Trong quá trình điều trị người bệnh lao đa kháng cần được theo dõi chặt chẽ như sau:

Người bệnh lao đa kháng cần được kiểm soát chặt chẽ việc dùng thuốc hàng ngày (DOT) trong cả liệu trình điều trị. 

Giai đoạn điều trị nội trú: Thăm khám lâm sàng hàng ngày tại giường bệnh; giai đoạn điều trị ngoại trú – Tái khám hàng tháng tại trung tâm/điểm điều trị/điểm tái khám: khám lâm sàng, theo dõi đáp ứng điều trị, theo dõi biến chứng bệnh và tác dụng phụ của thuốc, kiểm tra cân nặng hàng tháng, theo dõi về các xét nghiệm, chụp Xquang và một số thăm khám khác. 

Theo dõi xét nghiệm cụ thể như sau: 

Xét nghiệm nhuộm soi đờm trực tiếp làm hàng tháng.  

Nuôi cấy: Giai đoạn tấn công nuôi cấy hàng tháng, giai đoạn củng cố nuôi cấy hàng quý. 

Kháng sinh đồ: Trước điều trị và làm kháng sinh đồ nếu người bệnh có kết quả nuôi cấy vẫn dương tính sau 4 tháng điều trị.

Công thức máu: 2 tháng/lần trong giai đoạn tấn công, hàng quý trong giai đoạn củng cố.

Chức năng gan: Hàng tháng trong giai đoạn tấn công, hàng quý trong giai đoạn củng cố.

Creatinin, Kali: Hàng tháng trong giai đoạn tấn công và hàng quý trong giai đoạn củng cố.

Hooc mon tuyến giáp (TSH): 6 tháng/lần và khi có chỉ định.

Xét nghiệm HIV: Trước điều trị và khi cần thiết. 

Thử thai: Trước điều trị và bất cứ khi nào có nghi ngờ.

Chụp Xquang phổi: 4 tháng/lần trong giai đoạn tấn công, 6 tháng/lần trong giai đoạn củng cố. 

Đo thính lực đồ trước điều trị và khi có chỉ định.

Soi đáy mắt: Trước điều trị và khi có chỉ định.

 

THỜI GIAN BIỂU THEO DÕI ĐIỀU TRỊ 

 

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ

Đánh giá kết quả điều trị bệnh lao

Đánh giá kết quả điều trị: (Đang áp dụng hiện tại)

Đối với Lao phổi AFB(+):

Khỏi: Người bệnh điều trị đủ thời gian và có kết quả xét nghiệm đờm âm tính tháng cuối cùng và ít nhất 1 lần ngay trước đó.

Hoàn thành điều trị: Người bệnh điều trị đủ thuốc, đủ thời gian nhưng không có xét nghiệm đờm hoặc chỉ có xét nghiệm đờm 1 lần kết quả âm tính.

Thất bại: Người bệnh xét nghiệm đờm còn AFB(+) hoặc AFB(+) trở lại từ tháng thứ năm trở đi hoặc người bệnh có kết quả xác định chủng vi khuẩn kháng đa thuốc bất kỳ thời điểm nào.

Chết: Người bệnh chết vì bất cứ căn nguyên gì trong quá trình điều trị lao.

Bỏ điều trị: Người bệnh bỏ thuốc lao liên tục từ 2 tháng trong quá trình điều trị.

Chuyển đi: Người bệnh được chuyển đi nơi khác điều trị và có phản hồi tiếp nhận, (nhưng không có phản hồi kết quả điều trị). Nếu không có phản hồi tiếp nhận coi như người bệnh bỏ trị. Các trường hợp có phản hồi kết quả điều trị sẽ được đánh giá kết quả điều trị theo kết quả phản hồi.

Không đánh giá: Những người bệnh đã đăng ký điều trị lao nhưng vì lý do nào đó không tiếp tục điều trị cho đến khi kết thúc phác đồ điều trị (ví dụ: thay đổi chẩn đoán khác).

Đối với người bệnh lao phổi AFB(-) hoặc lao ngoài phổi: 

Kết quả điều trị sẽ được đánh giá như trên nhưng không có kết quả khỏi.

Người bệnh AFB(-) sau 2 tháng điều trị có AFB(+), người bệnh lao ngoài phổi xuất hiện lao phổi AFB(+) sau 2 tháng điều trị được đánh giá là thất bại. 

Đánh giá kết quả điều trị theo khuyến cáo mới của WHO: đánh giá sau đây chỉ áp dụng khi có biểu mẫu mới

Khỏi: Người bệnh lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học tại thời điểm bắt đầu điều trị, có kết quả xét nghiệm đờm trực tiếp hoặc nuôi cấy âm tính tháng cuối của quá trình điều trị và ít nhất 1 lần trước đó.

Hoàn thành điều trị: Người bệnh lao hoàn thành liệu trình điều trị, không có bằng chứng thất bại, nhưng cũng không có xét nghiệm đờm trực tiếp hoặc nuôi cấy âm tính vào tháng cuối của quá trình điều trị và ít nhất 1 lần trước đó, bất kể không làm xét nghiệm hay không có kết quả xét nghiệm.

Thất bại: Người bệnh lao có kết quả xét nghiệm đờm trực tiếp hoặc nuôi cấy dương tính từ tháng thứ 5 trở đi của quá trình điều trị.

Chết: Người bệnh lao chết do bất cứ nguyên nhân gì trước hoặc trong quá trình điều trị lao.

Không theo dõi được: Người bệnh lao ngừng điều trị liên tục từ 2 tháng trở lên.

Không đánh giá: Người bệnh lao không được đánh giá kết quả điều trị. Bao gồm các trường hợp chuyển tới đơn vị điều trị khác và không có phản hồi kết quả điều trị, cũng như các trường hợp đơn vị báo cáo không biết kết quả điều trị của người bệnh.

Điều trị thành công: Tổng số khỏi và hoàn thành điều trị.

Đánh giá kết quả điều trị lao đa kháng

Khỏi: Hoàn thành liệu trình theo hướng dẫn của CTCLQG và không có dấu hiệu thất bại, đồng thời có 3 mẫu nuôi cấy âm tính liên tiếp cách nhau ít nhất 30 ngày trong giai đoạn duy trì. 

Hoàn thành điều trị: Hoàn thành liệu trình theo hướng dẫn của CTCLQG và không có dấu hiệu thất bại, tuy nhiên không đầy đủ bằng chứng về 3 mẫu nuôi cấy âm tính liên tiếp cách nhau ít nhất 30 ngày trong giai đoạn duy trì.

Thất bại: Ngừng điều trị hoặc thay đổi vĩnh viễn ít nhất 2 thuốc chống lao trong công thức điều trị vì các lý do:

Không âm hóa vào cuối giai đoạn tấn công (*) hoặc dương tính trở lại trong giai đoạn duy trì sau khi đã âm hóa (**) hoặc, có bằng chứng kháng thêm với Fluoroquinolone hoặc thuốc tiêm hàng hai, hoặc có phản ứng bất lợi của thuốc (ADRs).

Chết: Người bệnh chết do bất cứ nguyên nhân nào trong quá trình điều trị lao kháng thuốc. 

Không theo dõi được: Người bệnh ngừng điều trị liên tục từ 2 tháng trở lên do bất cứ lý do gì.

Không đánh giá: Người bệnh không được đánh giá kết quả điều trị (bao gồm cả các trường hợp chuyển đến đơn vị điều trị khác và các trường hợp không biết kết quả điều trị).

Điều trị thành công: Tổng cộng của khỏi và hoàn thành điều trị.

(*) Âm hóa nuôi cấy: Có ít nhất 2 mẫu nuôi cấy âm tính liên tiếp (cách nhau ít nhất 30 ngày). (**) Dương tính trở lại: Có ít nhất 2 mẫu nuôi cấy dương tính liên tiếp (cách nhau ít nhất 30 ngày) sau khi đã âm hóa. Chỉ sử dụng để kết luận là thất bại nếu dương tính trở lại trong giai đoạn duy trì.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top