✴️ Đo khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch (Dlco)

Nội dung

ĐẠI CƯƠNG

Là kỹ thuật đánh giá khả năng trao đổi khí qua màng phế nang mao mạch.

 

CHỈ ĐỊNH

Có tổn thương phổi kẽ trên phim chụp X quang ngực và/hoặc cắt lớp vi tính.

Khi khám người bệnh nhận thấy lồng ngực hình thùng hay biến dạng lồng ngực, ran tít, ran ngáy, ran nổ. 

Xét nghiệm: có giảm oxy máu, tăng CO2 máu, đa hồng cầu. X quang có hình ảnh khí phế thũng.

Ảnh hưởng của các bệnh lý khác lên đường hô hấp: lupus ban đỏ, xơ cứng bì, tim mạch, viêm đa khớp dạng thấp.

Giám định thương tật, suy giảm chức năng hô hấp. 

Theo dõi ảnh hưởng của môi trường gây bệnh phổi nghề nghiệp, của xạ trị hay của thuốc độc đến đường hô hấp.

Đánh giá chức năng hô hấp (CNHH) trước phẫu thuật ngực, bụng và lượng giá kết quả sau khi phẫu thuật đường hô hấp. 

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Nhiễm trùng đường hô hấp: lao, viêm phổi. 

Ho máu không rõ nguyên nhân.

Tràn khí màng phổi.

Tình trạng tim mạch không ổn định.

Nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não mới. -Người bệnh không hợp tác.

 

CHUẨN BỊ

Người thực hiện 

Bác sĩ chuyên khoa hô hấp: 01 người.

Kỹ thuật viên thành thạo về đo chức năng hô hấp: 01 người.

Phương tiện

Máy đo chức năng hô hấp loại có thể đo được khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch.  

Bình hỗn hợp khí: (1) Ni tơ + CH4 + CO; (2) oxy.

Phin lọc khuẩn cho đo chức năng hô hấp.

Người bệnh 

Người bệnh được hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật đo chức năng hô hấp.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

(Kỹ thuật viết cho đo DLCO trên máy Plethysmography: HD PFT 4000)

Điền thông tin người bệnh

Nhấp chọn “New Patient”.

Điền đầy đủ các thông tin: ID, tên người bệnh, ngày, giờ đo CNHH, chiều cao (điền cm vào cột cm); cân nặng (điền kg vào cột có kg), giới tính, Race (chọn asian), tên người đo, tên người đọc kết quả, tiền sử hút thuốc (bao-năm), chẩn đoán.

Nhấp chọn “Save” để lưu thông tin.

Tiến hành đo

Chuẩn bị người bệnh

Người bệnh sau khi đã hoàn tất phần điền các phiếu tự đánh giá trước khi đo CNHH (phụ lục 1), sẽ được đưa vào buồng đo CNHH.

Người bệnh được ngồi vào ghế trong buồng đo.

Điều chỉnh ghế ngồi và đầu đo phù hợp với người bệnh, sao cho lưng và cổ người bệnh thẳng.

Hướng dẫn người bệnh động tác thực hiện đo DLCO. Lưu ý người bệnh có động tác máy bơm khí sau khi người bệnh thở ra hết sức. 

Dùng ngậm miệng quy chuẩn, kẹp mũi người bệnh.

Tiến hành đo

Kiểm tra các chống chỉ định của đo chức năng hô hấp.

Nhấp “Go To” => chọn “Diffusion Capacity”.

Nhấp chọn “Start test” => nhấp chọn “DLCO only”.

Xuất hiện màn hình “Correction Factors” với các thông số cần điều chính: Hemoglobin, CarboxyHemoglobin, Filter Dead Space => điền Hemoglobin (công thức máu) thực của người bệnh, sau đó nhấp “OK”. 

Xuất hiện màn hình “Start Test”. Nhắc người bệnh ngậm kín miệng ống thổi và hít thở bình thường, sau đó nhấp chọn “Start” và bắt đầu đo.

Trên màn hình sẽ xuất hiện biểu đồ thở của người bệnh có hình Sin.

Khi thấy người bệnh hít vào thở ra bình thường, biểu đồ thở ổn định: yêu cầu người bệnh hít vào chậm, rồi thở ra chậm và dài cho đến khi thật hết sức.

Khi đã thấy người bệnh thở ra thật hết sức, đường thở ra đi ngang => nhấp “Space bar” và yêu cầu người bệnh hít vào (lúc này máy sẽ bơm thẳng ngay một lượng khí vào mồm người bệnh).

Yêu cầu người bệnh hít vào hết sức (xuất hiện đường trục đứng đứt đoạn màu đỏ 1, có hai đường chạy ngang, đường màu xanh là đường nồng độ khí CO, và đường màu đỏ là đường biểu thị nhịp thở của người bệnh), và sau đó nín thở trong 10 giây cho đến khi xuất hiện đường trục đứng đứt đoạn màu đỏ 2 thì yêu cầu người bệnh thở ra thật hết, và nhấp “Space bar” để kết thúc phép đo.

Để người bệnh nghỉ 5 phút thực hiện lại phép đo.

Chú ý: khi hít vào hết sức người bệnh không thể nín thở được (Đường khí của người bệnh đi xuống) nhấn V.

Chọn và in kết quả tốt nhất.

 

THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ

Phép đo đạt khi 

SOT(+), MP(+), DRP(+), BHT(+).

Kết quả của 3 lần đo chênh nhau không quá 5%.

Trong trường hợp đo không đạt: cần tiến hành đo lại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Wanger J, Clausen J.L, Coates A, et al. ‘‘ATS/ERS TASK FORCE: standardisation of lung function testing - Standardisation of the measurement of lung volumes. Eur Respir J 2005; 26: 511–522.

Miller MR, Crapo R, Hankinson J, et al. General considerations for lung function testing. Eur Respir J 2005; 26:153–161. 

Miller MR, Hankinson J, Brusasco V, et al. Standardisation of spirometry. Eur Respir J 2005; 26: 319–338

Dennis L. Kasper, Eugene Braunwald, Anthony S. Fauci et al"Harrison’s principle of internal medicine" 18th edition Mc Graw Hill company, 2011.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvnt

return to top