✴️ Phân biệt 5 loại ho và cách xử trí

Nội dung

Ho là một phát thở ra mạnh và đột ngột. Ho là cơ chế tự vệ sinh lý quan trọng nhằm tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô hấp có thể gây tắc đường thở hoặc cũng là dấu hiệu của bệnh lý nào đó. Dựa vào triệu chứng của bệnh ho được phân loại như sau.

 

Phân biệt 5 loại ho

phan-biet-5-loa-ho-va-cach-xu-tri-1

Ho là cơ chế tự vệ sinh lý nhằm tống ra ngoài các dị vật ở phần trên của đường hô hấp hoặc cũng là dấu hiệu của bệnh lý nào đó

 

Ho cấp

Là tình trạng ho xảy ra đột ngột, thường là do hít phải bụi hoặc chất kích thích. Ho cấp cũng có thể do: nhiễm khuẩn, viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, tràn dịch màng phổi. Đôi khi triệu chứng ho xuất hiện trong các bệnh dị ứng tai mũi họng và hen.

Ho thành cơn

Ho nhiều lần, kế tiếp nhau trong một thời gian ngắn, chẳng hạn là cơn ho gà. Người bệnh thường ho liền một cơn, sau đó hít một hơi dài và tiếp tục ho. Cơn ho kéo dài gây tăng áp lực trong lồng ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên khiến người bệnh đỏ mặt, tĩnh mạch cổ phồng, cơn ho có thể gây chảy nước mắt, đôi khi còn gây ra phản xạ nôn mửa. Người bệnh có thể có triệu chứng đau ê ẩm ngực, lưng và bụng do các cơ hô hấp co bóp quá mức.

Ho khan kéo dài

Đây là tình trạng ho không khạc ra đờm mặc dù người bệnh ho nhiều. Ho khan kéo dài có thể là triệu chứng của: Bệnh của thanh quản, viêm tai, viêm xương chũm mạn tính; Do ung thư phế quản: xảy ra ở người có hút thuốc lá nhiều và kéo dài, thuốc lào lâu năm.Ho kéo dài cũng có thể do một số chất độc gây kích thích trực tiếp do cơ chế miễn dịch dị ứng (hen),…

Ho có đờm

Là tình trạng người bệnh bị ho và cảm thấy nặng ngực, thường khạc ra chất nhầy và đờm. Người bệnh có cảm giác nghẹt thở và khó thở, cảm giác mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và khi nói chuyện. Ho có đờm đa số là do viêm phế quản mạn tính, cũng có khi là triệu chứng ho sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang…

phan-biet-5-loa-ho-va-cach-xu-tri-2

Có nhiều loại ho với nguyên nhân và tính chất khác nhau

 

Ho ra máu

Đây là tình trạng ho khạc thấy máu xuất hiện kèm theo. Nó có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Đây có thể là một dấu hiệu của các bệnh viêm phổi cấp và mạn tính, ung thư phổi… Ho ra máu có thể xảy ra đột ngột trong lúc người bệnh cảm thấy khỏe mạnh hoặc sau khi hoạt động mạnh… Thông thường, 90% trường hợp ho ra máu là do bệnh lao đang tiến triển. Nếu ho ra máu chút ít lẫn trong đờm, tái phát một vài lần mà không có sốt hoặc sút cân bạn nên nghĩ đến bệnh lao.

 

HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ HO

Ho mặc dù là phản xạ tự nhiên, có lợi cho cơ thể,tuy nhiên lại gây cảm giác khó chịu, mất ngủ, khan cổ họng, gây cản trở trong giao tiếp. Nếu để cơn ho kéo dài, ho sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, ho cần được hỗ trợ điều trị ngay khi triệu chứng xuất hiện.

Hỗ trợ điều trị triệu chứng ho bằng 2 phương pháp đó là:

Ức chế phản xạ ho của hệ thần kinh trung ương hoặc giảm kích ứng gây ho tại điểm bị kích ứng: Các loại thuốc hỗ trợ điều trị bằng phương pháp ức chế thần kinh với thành phần thường gây cảm giác buồn ngủ và dễ gây nghiện nếu sử dụng quá liều đồng thời gây ức chế hô hấp nếu dùng cho trẻ quá nhỏ, người lớn tuổi hay người có bệnh phổi mạn tính. Do đó, người bệnh không nên lạm dùng mà cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ.

Hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây ho: Có nhiều nguyên nhân gây ra ho, phổ biến nhất là ho do thay đổi thời tiết và nhiễm vi-rút với biểu hiện viêm họng. Nếu cơn ho kèm theo tức ngực, có đờm vàng hoặc xanh; thậm chí kèm theo sốt, và kéo dài từ 1-2 tuần thì người bệnh gặp bác sĩ để xác định loại kháng sinh thích hợp hoặc soi cấy đàm tìm vi trùng khi cần thiết.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top