✴️ Tràn dịch màng phổi: Biểu hiện và phương pháp chẩn đoán

1. Khi nào thì gọi là màng phổi bị tràn dịch? 

Khoảng không gian ở giữa phổi và thành ngực sẽ tạo thành khoang bao gồm 2 lớp màng gọi là màng phổi. Bình thường, trong khoang màng phổi vẫn có chứa dịch nhưng với một lượng rất nhỏ chỉ bằng một muỗng cà phê để hoạt động hô hấp được dễ dàng. Tuy nhiên, do nguyên nhân bất thường nào đó khiến cho lượng chất lỏng tích tụ một lượng lớn trong khoang này và cả trong phổi gây ra hiện tượng tràn dịch. 

 

Tràn dịch màng phổi là hiện tượng dịch bị ứ đọng trong khoang màng phổi do nhiều nguyên nhân khác nhau

Tràn dịch ở màng phổi là một bệnh lý rất quen thuộc ngày nay và có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt gây nhiều ảnh hưởng ở phụ nữ. Bệnh vẫn có thể phòng tránh và điều trị khỏi hoàn toàn nếu bạn sử dụng đúng phương pháp. 

2. Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh hiện nay

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi và thường liên quan đến bệnh lý của các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Theo thống kế, có khoảng 90% bệnh xác định được nguyên nhân cụ thể bao gồm: 

Tăng dịch thấm 

Suy tim được xem là nguyên nhân chủ yếu cùng với các bệnh như xơ gan, suy tuyến giáp, u nang,... sẽ thúc đẩy quá trình thẩm thấu dịch vào phổi. Dịch thấm vào khoang màng phổi liên tục nhưng không kịp thoát ra ngoài nên lâu dần sẽ ứ đọng, gây tràn dịch.

Tăng dịch tiết

Lao màng phổi (chiếm khoảng 40%) là tác nhân dẫn đến tràn dịch cao nhất hiện nay và các bệnh lý như viêm phổi, ung thư, nhiễm trùng, bệnh miễn dịch (ung thư hạch bạch huyết, lupus ban đỏ hệ thống),... làm tăng tiết dịch vào khoang màng phổi. 

Khoảng 40% bệnh nhân có biểu hiện ứ đọng dịch trong phổi xuất phát từ lao màng phổi

Máu đọng trong phổi

Ung thư màng phổi, các biến chứng do di căn ung thư, chấn thương ở phần ngực, tai biến do một số thủ thuật xâm lấn, thăm dò phổi,... có thể gây chảy máu và tích tụ trong phổi. Điều này dẫn đến tràn máu màng phổi. 

Protein trong máu thấp 

Thành phần protein trong máu thấp cũng là một trong số những nguyên nhân khiến cho dịch thấm ra khỏi thành mạch và tích tụ trong các mô, cơ quan lân cận. Đây cũng là yếu tố khiến cho lượng dịch trong khoang màng phổi tăng lên.

Các bệnh lý khác 

Một số các bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi với màu đục của sữa như ống dưỡng chất ở phổi bị chèn ép hoặc chấn thương, viêm hạch. Một số bệnh thận như hội chứng thận hư, viêm thận khiến tiểu ít gây ứ dịch cũng có thể gây ra dịch đọng ở màng phổi có màu trong.

3. Tràn dịch màng phổi sẽ có biểu hiện như thế nào? 

Khi bị tràn dịch ở màng phổi, người bệnh thường có nhiều biểu hiện khác nhau. Một số trường hợp lại không có bất kỳ biểu hiện bên ngoài nào nhưng cũng có trường hợp những triệu chứng của bệnh khiến cho đời sống sinh hoạt bình thường bị đảo lộn như: 

  • Đau tức ngực, khó thở, nhất là khi nằm hay nghỉ ngơi, người bệnh phải thở nhanh và gấp để lấy oxy. Cơn đau ngực nhiều hơn mỗi khi ho, hắt hơi nhưng cũng có thể đau âm ỉ hoặc liên tục. 
  • Ho là triệu chứng điển hình với các bệnh lý ở phổi, trong đó có tràn dịch. Ban đầu bệnh nhân có thể ho khan, càng về sau cơn ho tăng dần, ho có đờm, ho nhiều khi vận động, trở mình,...
  • Thông thường khi bệnh mới phát, bệnh nhân có thể có biểu hiện sốt nhẹ sau đó tăng dần và sốt cao ở giai đoạn sau khoảng 39 - 40 độ C. Sốt cũng là dấu hiệu để nhận biết bệnh do nguyên nhân nhiễm trùng.
  • Mệt mỏi, sụt cân, chán ăn là biểu hiện thường gặp khiến tinh thần người bệnh suy sụp, thường gây ảnh hưởng ở bệnh nhân kế phát từ lao phổi.

4. Làm sao để chẩn đoán bệnh tràn dịch màng phổi? 

Để chẩn đoán, phát hiện màng phổi bị tràn dịch, các bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau bao gồm: 

Khám lâm sàng

Thông qua các triệu chứng như ho, sốt, đau, tức ngực, khó thở,... bác sĩ sẽ nghi ngờ bệnh nhân bị tràn dịch. Sau đó kết hợp nghe phổi bằng ống nghe, gõ ngực để nhận biết âm phát ra. Tuy nhiên, các chẩn đoán ban đầu chỉ đều nhằm mục đích định hướng cho các xét nghiệm cận lâm sàng tiếp theo. 

Khám cận lâm sàng 

Các kỹ thuật cận lâm sàng được thực hiện để xác định tràn dịch ở màng phổi bao gồm: 

  • Siêu âm ngực: Là phương pháp thường được chỉ định đầu tiên nhờ kỹ thuật này đơn giản, an toàn và chi phí thấp nên phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Hình ảnh siêu âm cũng thể hiện rõ lượng dịch trong khoang màng phổi. Đồng thời, phương pháp này cũng hỗ trợ trong điều hướng các thủ thuật khác như sinh thiết, hút dịch phổi để xét nghiệm,...
  • Chụp X - quang lồng ngực: Với hình ảnh chụp của tia X quét qua các cơ quan trong lồng ngực cơ thể thấy được dịch ứ đọng trong màng phổi hay trong phổi, kể cả tim. Bạn có thể nhận thấy dịch nhiều hay ít, thậm chí là nguyên nhân gây ra bệnh.
  • CT Scanner lồng ngực: Hình ảnh chụp CT cung cấp thông tin bệnh lý nhiều hơn X - quang với cả các mô mềm, xương và mạch máu. Do đó mà chụp CT có thể phát hiện được dịch tràn màng phổi, các tổn thương, tình trạng viêm hay các hạt lao phổi làm phát sinh bệnh.

Bên cạnh các phương pháp chẩn đoán trên thì việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh cũng là yếu tố quyết định quá trình điều trị bệnh có hiệu quả hay không? Lao màng phổi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tràn dịch. Chính vì vậy mà trong trường hợp các bác sĩ nghi ngờ tràn dịch xuất phát từ nguyên nhân lao phổi thì có thể sẽ tiến hành một số xét nghiệm tìm vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis bao gồm soi tìm vi khuẩn dưới kính hiển vi, nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật PCR phân tích chuỗi polymerase, xét nghiệm Xpert - MTB để vừa tìm vi khuẩn lao đặc hiệu lẫn kiểm tra tính khác kháng thuốc của vi khuẩn.

Xem thêm: Tràn khí màng phổi

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top