✴️ Các bước quy trình nội soi tiêu hóa bạn cần biết!

Hệ tiêu hóa là một trong những cơ quan dễ bị tổn thương nhất trong cơ thể con người. Nội soi là phương pháp tốt nhất để phát hiện bệnh. Thông thường, quy trình nội soi tiêu hóa sẽ trải qua những bước nào để bác sĩ nắm được tình trạng của bệnh nhân? Bài viết dưới đây sẽ trang bị những kiến thức cơ bản để bạn chuẩn bị cho quá trình nội soi của mình!

 

1. Nội soi hệ tiêu hóa là gì?

Trước khi tìm hiểu chi tiết quy trình nội soi tiêu hóa, chúng ta cần hiểu sơ qua thế nào là nội soi. Trên thực tế, nội soi là kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong thăm khám bệnh về tiêu hóa. Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi có đường kính nhỏ, đầu gắn camera để thông vào ống tiêu hóa. Các hình ảnh nhận được sẽ hiển thị trên màn hình. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán các bệnh lý có liên quan (nếu có).

Nội soi là phương pháp hiệu quả và nhanh nhất giúp mang lại những thông tin cần thiết cho bác sĩ. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng gây nên một số cảm giác khó chịu hoặc biến chứng nhẹ cho người bệnh. Do đó, bệnh nhân cần tìm hiểu về quy trình nội soi hệ tiêu hóa để tránh cảm giác thụ động.

Nội soi tiêu hóa giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác hơn

Nội soi tiêu hóa giúp các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác hơn

 

2. Các phương pháp nội soi hệ tiêu hóa

Trong kỹ thuật nội soi hiện nay, có 3 cách phổ biến nhất. Với mỗi cách lại tương ứng với những quy trình nội soi hệ tiêu hóa khác nhau.

2.1 Nội soi qua đường mũi

Hiểu đơn giản thì phương pháp này được thực hiện bằng cách thông ống nội soi qua đường mũi. Ống sẽ đi từ khoang mũi đến thực quản và sau đó là dạ dày. Ống được sử dụng trong phương pháp này là ống siêu nhỏ nhằm tránh gây tổn thương cho người bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân không có cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị bệnh hô hấp trên hoặc có các dị tật thì sẽ không thể thực hiện theo phương pháp này.

2.2 Nội soi qua đường miệng

Tương tự như trên, phương pháp này được thực hiện bằng cách thông ống nội soi qua đường miệng. Ở đây, bệnh nhân sẽ có 2 lựa chọn gồm:

Nội soi thường: Ống nội soi được đưa trực tiếp từ miệng xuống ống tiêu hóa khi bệnh nhân vẫn trong trạng thái tỉnh. Đây là phương pháp thường được nhiều bệnh nhân ưu tiên sử dụng. Tuy nhiên nó lại có nhiều hạn chế như gây buồn nôn, dễ làm tổn thương niêm mạc,… Nếu bạn không phải người có thể chịu đau, tốt hơn bạn không nên chọn cách này.

Nội soi gây mê: Thực hiện khi bệnh nhân ở trong trạng thái được gây mê. Bác sĩ sẽ đặt ống truyền thuốc mê để bạn không còn cảm thấy đau đớn. Phương pháp này mặc dù không gây đau đớn nhưng lại khá tốn kém. Ngoài ra, bạn cũng cần thực hiện một vài kiểm tra để đảm bảo bạn đủ điều kiện để thực hiện phương pháp này.

Hiện nay có 3 phương pháp nội soi được sử dụng rộng rãi

Hiện nay có 3 phương pháp nội soi được sử dụng rộng rãi

 

3. Khi nào nên nội soi tiêu hóa?

Hãy luôn đảm bảo rằng bạn hiểu cơ thể mình đang muốn nói điều gì. Do đó, việc khám định kỳ thường xuyên là vô cùng cần thiết. Thông thường, bạn nên đi nội soi nếu gặp phải các triệu chứng như đau thượng vị, đầy hơi lâu ngày, đi ngoài ra máu, buồn nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân, rối loạn đại tiện,… Nội soi là phương pháp tốt nhất giúp bạn phát hiện ra các vấn đề tại đường tiêu hóa của cơ thể.

 

4. Quy trình nội soi tiêu hóa

Trang bị những kiến thức về quá trình nội soi tiêu hóa giúp bạn có cảm giác an tâm và tự tin hơn trong quá trình nội soi. Theo đó, quy trình nội soi tiêu hóa chuẩn gồm các bước sau:

4.1 Chuẩn bị

Bệnh nhân sẽ được dặn nên nhịn ăn trước khi nội soi ít nhất 6 giờ để thuận tiện cho quá trình nội soi. Nếu bụng bạn có nhiều thức ăn, có thể dẫn tới hiện tượng trào ngược gây tắc thở.

Bữa cuối trước khi nội soi bạn nên ăn thức ăn mềm, loãng. Tránh ăn thực phẩm rắn, khó tiêu hóa, các hoa quả có hạt như thanh long, dưa hấu,…. Tránh các thức uống có ga, có cồn, có màu,… vì chúng sẽ dễ gây ảnh hưởng đến kết quả nội soi.

4.2 Thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết là bước tiếp theo trong quy trình nội soi tiêu hóa

Điều này giúp đảm bảo bạn đủ sức khỏe để nội soi. Ngoài ra, việc này cũng tăng thêm sự an toàn cho bệnh nhân trong quá trình nội soi. Đặc biệt khi thực hiện một số thủ thuật cũng như sau khi nội soi kết thúc.

Các xét nghiệm bạn có thể cần thực hiện như: xét nghiệm viêm gan A, B, C, HIV, xét nghiệm đông máu (nếu như cắt polyp),….

4.3 Tham khảo các tư vấn từ bác sĩ

Bác sĩ sẽ nói cho bạn biết những nguy cơ có thể xảy ra. Ví dụ trong quá trình nội soi phát hiện polyp hay các khối u có được cắt hay không đều cần sự cam kết từ phía người bệnh.

4.4 Tiến hành nội soi

Ống nội soi sẽ được bác sĩ đưa vào cơ thể thông qua miệng (hoặc mũi). Hình ảnh về hệ tiêu hóa sẽ hiển thị trên màn hình. Bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để đưa ra những chẩn đoán cụ thể. Trong một vài trường hợp, bác sĩ sẽ gắn thêm một số dụng cụ lấy mô trên ống nội soi.

4.5 Trả kết quả là bước cuối cùng trong quy trình nội soi tiêu hóa

Dựa trên những hình ảnh nội soi, bác sĩ sẽ có căn cứ để đưa ra kết luận. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn cũng như phác đồ điều trị tiếp theo.

Khi hiểu rõ về quy trình nội soi tiêu hóa sẽ phần nào giúp bệnh nhân đỡ lo lắng

Khi hiểu rõ về quy trình nội soi tiêu hóa sẽ phần nào giúp bệnh nhân đỡ lo lắng

 

5. Những lưu ý sau khi nội soi hệ tiêu hóa

Sau khi nội soi, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và theo dõi. Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Bởi lẽ dù quy trình nội soi hệ tiêu hóa có hoàn hảo đến đâu cũng không thể tránh khỏi những rủi ro. Với những bệnh nhân sử dụng phương pháp nội soi gây mê, tốt hơn là nên có người thân đi cùng. Việc điều khiển xe trong tình trạng vừa được gây mê là rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên ăn ngay sau khi nội soi kết thúc. Bác sĩ có thể có thêm một vài dặn dò khác để đảm bảo sức khỏe cho người khám. Bệnh nhân cũng chỉ nên ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu như cháo hoặc sữa.

Nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường dưới đây, bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ:

– Đau quặn bụng liên tục

– Khó thở

– Đi ngoài ra máu hoặc sậm màu

– Khó nuốt, nôn mửa

– Sốt

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để kịp thời xử lý

 

Hy vọng rằng với những thông tin trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về quy trình nội soi tiêu hóa. Hãy luôn nhớ rằng nội soi không hề nguy hiểm. Nó chỉ là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh. Điều bạn cần chỉ là tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ và chuẩn bị tâm lý thật ổn định. Hãy luôn lắng nghe cơ thể mình muốn nói gì, kể cả trước và sau khi nội soi nhé!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top