✴️ Nội soi đại tràng

Nội dung

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi – một ống dẻo nhỏ có gắn camera – đi qua trực tràng vào đại tràng. Bác sĩ cũng có thể sẽ lấy mẫu mô (sinh thiết) hoặc loại bỏ mô bất thường trong quá trình thực hiện thủ thuật.

Bài viết này sẽ mô tả về những việc sẽ diễn ra trong và sau quá trình thực hiện thủ thuật, và những bước chuẩn bị trước khi thực hiện.

Thủ thuật nội soi đại tràng

Thủ thuật này thường kéo dài khoảng 30-60 phút. Tuy nhiên, nên dành ra khoảng 2-3 tiếng khi đi đến thực hiện thủ thuật để có thêm thời gian chuẩn bị cũng như thời gian hồi phục sau khi thực hiện.

Trước thủ thuật, bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc an thần dạng viên hoặc đường tĩnh mạch.

Trong lúc thực hiện thủ thuật, bệnh nhân được khoác áo của bệnh viện cấp và nằm nghiêng trên bàn thủ thuật. Ống nội soi được đưa vào trực tràng. Bác sĩ có thể sẽ sử dụng khí hoặc cacbon dioxide làm căng đại tràng lên để quan sát tốt hơn. Khi thực hiện việc đó hoặc khi di chuyển ống nội soi thì bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu trong bụng hoặc cảm giác muốn đi cầu. Những hiện tượng này là bình thường.

Nếu như bác sĩ quyết định là họ cần lấy mẫu sinh thiết hoặc cắt bỏ mô bất thường thì họ sẽ đưa vào thêm những dụng cụ khác qua đường trực tràng.

Điều gì sẽ diễn ra sau thủ thuật nội soi

Khi bác sĩ đã thăm khám xong, bệnh nhân sẽ được chuyển vào một phòng hồi sức đặc biệt cho đến khi thuốc mê hết tác dụng.

Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ cho lời khuyên về việc khi nào thì bệnh nhân ăn uống bình thường lại được sau khi thực hiện thủ thuật cũng như là khi nào bệnh nhân có thể quay trở lại công việc và sinh hoạt hằng ngày.

Một số triệu chứng nhẹ khác – ví dụ như chướng bụng, đầy hơi hoặc co thắt nhẹ - là bình thường sau thủ thuật. Những triệu chứng này thường sẽ mất đi sau 24 giờ. Trung tiện hay đi bộ cũng giúp làm giảm bớt sự khó chịu.

Việc chảy máu ít sau thủ thuật cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, nên gặp bác sĩ ngay nếu như chảy máu vẫn còn tiếp tục hoặc nếu như phân có chứa nhiều máu hoặc máu đông.

Cần chuẩn bị gì cho thủ thuật nội soi đại tràng

Thụt tháo ruột là rất cần thiết cho sự thành công của thủ thuật. Bác sĩ sẽ cho chỉ định cụ thể về cách thực hiện việc này. Một số khuyến cáo có thể được đưa ra như:

  • Thay đổi chế độ ăn: Một ngày trước khi thực hiện thủ thuật, việc thay đổi chế độ ăn là rất cần thiết, ví dụ như chỉ ăn sáng và ăn trưa nhẹ, không ăn tối hoặc chỉ dùng thức ăn hoặc thức uống lỏng.
  • Chỉ dùng các thức uống trong suốt: Bác sĩ sẽ yêu cầu chỉ được uống nước, súp, trà và cà phê không sữa một ngày trước khi thực hiện thủ thuật.
  • Thuốc nhuận tràng: Thường thì nên dùng các thuốc nhuận tràng 1 ngày trước thủ thuật, dạng viên hoặc nước. Đôi khi, người bệnh cũng cần dùng chúng vào buổi sáng của ngày tiến hành thủ thuật.
  • Thuốc xổ: Một vài người cũng có thể cần sử dụng thuốc xổ vào buổi tối trước hoặc buổi sáng ngày thủ thuật.
  • Tắm rửa: Nên tắm rửa sạch sẽ trước khi thực hiện thủ thuật.

Những người đang sử dụng thuốc hoặc các thực phẩm chức năng nên hỏi ý kiến của bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu tạm ngưng sử dụng hoặc điều chỉnh lại liều lượng một số thuốc.

Chú ý cần phải thông báo cho bác sĩ biết khi đang sử dụng:

  • Thuốc làm loãng máu (ví dụ như aspirin hay warfarin)
  • Thuốc tiểu đường, tăng huyết áp hay tim mạch
  • Thuộc có chứa sắt

Khi nào nên thực hiện nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng là phương pháp chính để bác sĩ có thể khám được những triệu chứng ở đường tiêu hóa dưới, ví dụ như:

  • Chảy máu từ trực tràng.
  • Táo bón mạn tính
  • Tiêu chảy mạn tính
  • Đau dạ dày

Cộng đồng y khoa cũng xem nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng trong việc tầm soát ung thư đại trực tràng. Nội soi đại tràng có thể phát hiện ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm, trước khi bộc lộ triệu chứng. Phát hiện sớm có thể cải thiện tiên lượng điều trị.

Bác sĩ có thể khuyến cáo thực hiện nội soi đại tràng ở những người:

  • Có quan hệ họ hàng cách nhau trong 1 thế hệ mắc bệnh đa polyp đại tràng hoặc ung thư đại tràng.
  • Có nguy cơ cao dựa theo tiền căn bệnh lý của cá nhân
  • Trên 50 tuổi, kể cả khi không có yếu tố nguy cơ ở hiện tại.

Các nguy cơ của nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Hiệp hội Nội soi đường tiêu hóa của Mỹ báo cáo rằng tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng xảy ra trên những người có nguy cơ trung bình là xấp xỉ 2.8/1000 lượt thủ thuật (0.28%).

Các nguy cơ liên quan đến thủ thuật nội soi bao gồm chảy máu và rách các mô bên ngoài của đại tràng hay trực tràng (thủng), những nguy cơ này có thể tăng lên nếu như có sinh thiết hay cắt bỏ cắt mô bất thường. Sử dụng thuốc mê cũng có những nguy cơ, ví dụ:

  • Tăng nhịp thở
  • Thay đổi nhịp tim
  • Buồn nôn và nôn

Nội soi đại tràng có đau không?

Nội soi đại tràng thường không đau, vì các bệnh nhân thường chọn thực hiện thủ thuật có thuốc mê. 

Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu nhẹ trong vòng 24 giờ. Bệnh nhân có thể gặp các cơn co thắt dạ dày nhẹ, đau khi trung tiện, và đầy hơi.

Ngoài sự khó chịu nhẹ ra thì cũng có thể chảy ít máu nếu như bác sĩ thực hiện sinh thiết hay cắt mô.

Tuổi nào nên thực hiện nội soi đại tràng?

Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể thực hiện nội soi đại tràng, đặc biệt là khi tiền căn cá nhân hoặc gia đình có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng.

Các chuyên gia cho biết cho dù có nguy cơ hay không, tất cả các người trong độ tuổi 50-70 cũng nên thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng, ví dụ như nội soi đại tràng, ít nhất mỗi 10 năm. Mọi người nên tầm soát thường xuyên hơn nếu như có các yếu tố nguy cơ khác ngoài tuổi tác.

Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những người có nguy cơ trung bình nên bắt đầu tầm soát định kỳ sớm hơn nữa, lúc 45 tuổi. Hiệp hội khuyên rằng những người có sức khỏe tốt nên tiếp tục tầm soát cho đến 75 tuổi.

Theo hiệp hội thì quyết định thực hiện tầm soát ở người từ 75-85 tuổi phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân, sức khỏe và tuổi thọ. Hiệp hội cũng khuyến cáo những người trên 85 tuổi không cần phải thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng nữa.

Làm gì nếu như phát hiện bất thường?

Nếu như bác sĩ phát hiện thấy vùng mô bất thường trong khi thực hiện thủ thuật, ví dụ như polyp, họ thường sẽ cắt chúng và gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để xác định xem nó mang tính chất ung thư hay bình thường.

Nếu như bác sĩ phải cắt đi các polyp hay mô bất thường, thì họ sẽ khuyến cáo thực hiện nội soi đại tràng lặp lại thường xuyên hơn. Tần suất như thế nào còn phụ thuộc vào kích cỡ và số lượng của các polyp, cũng như các yếu tố nguy cơ khác.

Tóm tắt

Nội soi đại trực tràng là một thủ thuật tầm soát phổ biến, quan trọng và tương đối an toàn để thăm khám các vấn đề về đường tiêu hóa, và kiểm tra các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng.

Các cá nhân có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng và những người lớn tuổi có thể cần phải thực hiện thủ thuật để giám sát sức khỏe của ruột.

Thủ thuật thường không đau, mặc dù nó có thể gây chút khó chịu kéo dài khoảng 1 ngày.

Nếu như có thêm thắc mắc về nội soi đại trực tràng thì nên liên hệ với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Xem thêm: Những dặn dò trước khi thực hiện nội soi đại tràng

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

 

return to top