✴️ Tại sao thường thoát vị đĩa đệm ở tầng L4 L5 và S1?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những bệnh thoát vị đĩa đệm thường gặp nhất. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi lớp vòng sợi bên ngoài đĩa đệm mất khả năng giãn hoặc bị rạn rách, khiến nhân nhầy bên trong khớp thoát ra ngoài chèn ép vào rễ thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm cột sống xảy ra ở 2 vị trí điển hình là cổ và thắt lưng, trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng phổ biến hơn. Vị trí đốt sống lưng dễ bị thoát vị nhất là L4 và L5 do chúng phải gánh trọng tải của nửa trên cơ thể và chịu áp lực lớn nhất từ các hoạt động như cúi người, bê vác.

Thoát vị đĩa đệm cột sống được đánh giá là bệnh lý xương khớp thường gặp nguy hiểm nhất bởi nó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến di chuyển, sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể biến chứng teo cơ, bại liệt hoàn toàn.

Vùng tổn thương thoát vị thường gặp ở thắt lưng?

Do nằm ở vị trí thấp nhất của vùng thắt lưng, hai đốt sống L4 và L5 là nơi phải chịu nhiều áp lực nhất từ trọng lượng của toàn bộ nửa trên cơ thể. Chính vì thế, so với các đốt sống khác, hai đốt sống này thường dễ bị tổn thương hơn và dẫn đến tình trạng thoái hóa sớm. Thêm vào đó, do cấu tạo đốt sống liên kết với nhiều bộ phận quan trọng như đĩa đệm, dây chằng, rễ thần kinh,..., việc thoái hóa cột sống thắt lưng L4, L5 rất có thể dẫn đến một số bệnh lý liên quan như đau thần kinh tọa hay thoát vị đĩa đệm.

L5 là kí hiệu của đốt sống thắt lưng ở vị trí thứ 5, còn S1 là ký hiệu của xương cùng thứ nhất trong cột sống. L5-S1 là đoạn bản lề giữa phần lưng và hông, chịu nhiều tác động nếu lặp lại các động tác sai (cúi bưng vật nặng không đúng cách, vặn xoay người...)

 

 

Các yếu tố nguy cơ xuất hiện thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Thoái hóa sinh học

Tuổi càng cao thì tế bào sụn càng bị thoái hóa, khả năng tổng hợp các chất tạo sợi collagen, mucopolysaccharide rối loạn và giảm sút. Thường đến 30 tuổi, cơ thể sẽ xuất hiện thoái hóa về cấu trúc, hình thái đĩa đệm sẽ dẫn tới thoát vị đĩa đệm phát sinh.

Thoái hóa bệnh lý

Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể xảy ra do yếu tố di truyền, yếu tố miễn dịch và chuyển hóa trong cơ thể. Những nguyên nhân này thường khó phát hiện, kiểm soát.

Tuổi tác

Theo quy luật tự nhiên, con người sẽ phải đối mặt với quá trình lão hóa, hệ thống xương khớp chính là cơ quan chịu tác động trực tiếp từ yếu tố này – đây là nguyên nhân lý giải vì sao người cao tuổi thường mắc các bệnh về xương khớp cao hơn người trẻ.

Lão hóa xảy ra ở đĩa đệm khiến màng bao có dấu hiệu nứt hoặc rách khiến nhân nhầy thoát ra ngoài. Hoặc có thể áp lực từ các đốt sống trong nhiều năm khiến đĩa đệm bị suy yếu và giảm lượng nước bên trong, từ đây đĩa đệm giảm độ đàn hồi và linh hoạt dẫn đến hiện tượng đĩa đệm bị chệch ra khỏi vị trí ban đầu và thoát nhân nhầy ra bên ngoài.

Thừa cân

Thừa cân không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây hại cho hệ thống xương khớp. Mỗi cân nặng trên cơ thể sẽ tác động một áp lực tương đương lên xương khớp, vùng thắt lưng là vị trí phải chịu áp lực lớn. Các đốt sống phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể và đè nén lên các đĩa đệm, nếu tình trạng kéo dài đĩa đệm bị tổn thương và dễ lệch ra khỏi vị trí ban đầu.

Tính chất công việc

Một số công việc lao động chân tay nặng nề làm gia tăng tỉ lệ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cũng như các bệnh viêm khớp và thoái hóa. Nếu phải khuân vác và lao động nặng nề, hệ thống xương khớp phải chịu áp lực lớn. Điều này vô tình đè nén lên các đĩa đệm và làm tổn thương chúng.

Các công việc văn phòng dù không phải lao động nặng nề nhưng tình trạng giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài làm tăng áp lực lên đốt sống và gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng. Sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn có tư thế ngồi sai lệch, vì lúc này áp lực lên các đốt sống sẽ tăng lên rất nhiều đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh vẹo cột sống.

 Điều trị nội khoa và phục hồi chức năng

Thường được áp dụng ở giai đoạn mà bao xơ đĩa đệm chưa bị rách (lồi đĩa đệm). Nếu điều trị đúng chỉ định và đúng phương pháp thì tỷ lệ thành công tới 95%. Với mục đích là giảm đau, hết dị cảm, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện cho phần đĩa đệm bị thoát vị co bớt lại làm giảm chèn ép thần kinh. Điều trị thông thường qua từng giai đoạn bệnh :

- Giai đoạn 1: Giảm đau kết hợp chống viêm non-steroid, thuốc chống co cứng cơ và/hoặc corticoid đường uống

- Giai đoạn 2: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh và các biện pháp khác (vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, đai lưng…)

Trong một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm ngoài màng cứng (thường dùng Hydrocortisol) để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng. Mỗi lần thực hiện có thể có hiệu quả trong 3 – 4 tháng.

Khi triệu chứng đau cấp cải thiện, tập chương trình phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau. Bao gồm các bài tập để điều chỉnh tư thế, làm khỏe các cơ nâng đỡ cho lưng và cải thiện tính mềm dẻo uyển chuyển.

Có thể kết hợp với các phương pháp đông y: châm cứu, bấm huyệt…

Một số phương pháp can thiệp giảm áp đĩa đệm qua da

Một số phương pháp đã được áp dụng, có hiệu quả: giảm áp đĩa đệm bằng Laser, bằng sóng cao tần (radio frequency)…

Tuy nhiên các phương pháp này chỉ nên áp dụng cho các trường hợp lồi đĩa đệm, đĩa đệm chưa bị rách bao xơ, đĩa đệm thoái hóa độ I, II.

Các phương pháp phẫu thuật

           Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng:

          - Phẫu thuật mổ mở hoặc qua ống banh (quadrant), lấy bỏ nhân thoát vị giải chèn ép thần kinh. Có thể dùng kính hiển vi hỗ trợ trong mổ.

          - Phẫu thuật nội soi cột sống, lấy bỏ nhân thoát vị.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top