6 lý do khiến trí nhớ của bạn ngày càng giảm sút

Trước đây, suy giảm trí nhớ hay “lú lẫn” là một căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nhưng ngày nay, sự suy giảm trí nhớ thường thấy ngay cả ở người trẻ tuổi. Dưới đây là 6 nguyên nhân gây ra tình trạng “lão hóa” sớm này.

Do các tế bào thần kinh bị thoái hóa

Có một số quan điểm cho rằng sự suy giảm trí nhớ bắt nguồn từ việc các tế bào thần kinh trong não bị lão hóa, các nơ-ron thần kinh mất dần và sự liên kết giữa các tế bào thần kinh trong não bị phá hủy. Tế bào thần kinh trong não bắt đầu suy giảm khi con người bước vào độ tuổi 20. Từ 25 tuổi trở đi, các tế bào thần kinh bắt đầu bị thoái hóa và mỗi ngày chúng ta mất khoảng 3.000 tế bào quan trọng này. Với những người bị stress, trục trặc và lo nghĩ nhiều trong cuộc sống… lượng tế bào thần kinh mất đi càng nhiều hơn. Khi trẻ, chúng ta thường tiếp thu nhanh, nhớ lâu, phản ứng với các vấn đề của cuộc sống rất nhạy bén. Nhưng sau tuổi 30, khả năng này ngày càng giảm dần và sự “đãng trí” xảy ra ngày một nhiều hơn. Khi tuổi càng cao, khả năng hoạt động của não bộ càng kém, các chất trung gian hóa học tham gia vào quá trình dẫn truyền xung động thần kinh (truyền tin) cũng ngày càng bị giảm sút nên mặc dù có xuất hiện ở những độ tuổi từ 45 - 60 nhưng nhìn chung, bệnh suy giảm trí nhớ ở những người trên 60 tuổi vẫn là phổ biến hơn cả.

 

Suy giảm tuần hoàn máu

Một nguyên nhân góp phần không nhỏ gây nên sự suy giảm trí nhớ, đó là do khả năng hoạt động kém hiệu quả của hệ tuần hoàn. Trải qua những năm tháng của cuộc đời, quả tim và các mạch máu đã lão hóa, không còn dẻo dai mà mạnh mẽ, khí huyết lưu thông kém. Hoặc ngay ở người trẻ tuổi, nhưng lối sống ít vận động (nhân viên văn phòng) khiến tình trạng vôi hóa  cột sống cổ, càng làm suy giảm khả năng tuần hoàn máu não khiến cho việc nuôi dưỡng cần thiết cho não không được đảm bảo… càng làm gia tăng sự lão hóa của các tế bào thần kinh trong não bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ.

 

Các gốc tự do

Các gốc tự do là kẻ thù của trí nhớ. Gốc tự do là những nguyên tử hoặc phân tử bị mất đi một điện tử ở lớp vỏ ngoài cùng. Chúng được sinh ra liên tục trong quá trình trao đổi chất của tế bào hoặc hình thành do tác động của các yếu tố bên ngoài như khói bụi, hóa chất, thực phẩm ô nhiễm, stress… Áp lực công việc và cuộc sống là tác nhân ngoại sinh tạo ra các gốc tự do.

Não là tổ chức cần oxy nhiều nhất, vì thế, đây là nơi diễn ra quá trình chuyển hóa mạnh nhất, từ đó càng sinh ra nhiều gốc tự do. Gốc tự do tấn công và làm tổn thương màng tế bào thần kinh kéo theo những rối loạn về điện giải (mất kali, canxi…) khiến khả năng dẫn truyền thần kinh bị rối loạn. Các gốc tự do cũng tác động vào các ti thể làm tế bào bị bỏ “đói”, làm cho tế bào thần kinh thiếu năng lượng, gây lão hóa tế bào não dẫn đến suy giảm trí nhớ.

 

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và bệnh lú lẫn. Chế độ ăn với nhiều đồ ngọt, thực phẩm ô nhiễm, các món chiên xào, đồ hộp chứa chất bảo quản và phụ gia, đường hóa học... dễ sản sinh nhiều gốc tự do gây suy giảm nhận thức và trí nhớ của não bộ. Vitamin B1, B6 có nhiệm vụ đảm bảo các chức năng bình thường của hệ thống thần kinh. Một lượng lớn các vitamin này nằm trong bộ não, chúng duy trì việc sản xuất các dẫn truyền thần kinh có tác động đến tâm trạng, trí nhớ, sự chuyển động và suy nghĩ của con người. Những người không nhận được đủ lượng vitamin cần thiết từ chế độ ăn uống có thể bị hội chứng Wernicke-Korsakoff - một loại rối loạn thần kinh dẫn đến mất trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và tâm thần, bao gồm suy giảm trí nhớ. Nghiện rượu có thể dẫn đến trí nhớ kém hoặc mất trí nhớ tạm thời bởi khi rượu được hấp thụ vào cơ thể sẽ ngăn chặn khí oxy lưu thông lên não, đặc biệt là ở khu vực có chứa cồn. Theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra tác động tiêu cực trên toàn bộ hệ thống thần kinh trung ương.

 

Do dùng thuốc

Việc sử dụng các loại thuốc chữa bệnh trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, thuốc điều trị cao huyết áp, tiêm thuốc phòng dại… cũng là một trong những tác nhân gây giảm trí nhớ. Một số thuốc gây hại cho các tế bào thần kinh hoặc làm nhiễu hoạt động của các tế bào não giữ chức năng trí nhớ. Hiệu ứng này có thể chỉ do tác động của một loại thuốc duy nhất, nhưng trong một số trường hợp, hiệu ứng này xuất hiện do sự tương tác nguy hiểm của hai hoặc nhiều loại thuốc khác nhau.

 

Thiếu ngủ

Những người mắc chứng mất ngủ, ngủ không đủ giấc lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ. Giấc ngủ giúp “bảo dưỡng” cơ thể và tâm trí của bạn, là thời gian cho các tế bào và mô được phục hồi. Bên cạnh đó, sóng não được tạo ra khi bạn ngủ, đây là cơ chế quan trọng trong việc lưu trữ những ký ức trong não bộ. Các sóng não cũng có thể chuyển những thông tin về ký ức này đến vỏ não trước trán, đó là nơi lưu trữ giống như các “ngân hàng ký ức” trong thời gian dài. Nếu không ngủ đủ giấc (thiếu ngủ), những ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán, tình trạng này làm cho thông tin ký ức bị lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. Người lớn cần có ít nhất 7-8 giờ mỗi ngày để ngủ nhằm cải thiện trí nhớ và ngăn chặn sự suy giảm nhận thức.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top