✴️ Bệnh rối loạn tiền đình không còn là nỗi ám ảnh

Nội dung

Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn là các triệu chứng điển hình nhất của bệnh rối loạn tiền đình. Nhiều người cảm thấy ám ảnh mỗi khi cơn rối loạn tiền đình xuất hiện. Tuy nhiên hơn 70% chứng rối loạn tiền đình là do rối loạn tiền đình ngoại biên gây ra và có thể điều trị khỏi. Cùng chúng tôi tìm hiểu các biểu hiện rối loạn tiền đình và cách điều trị rối loạn tiền đình dùng thuốc hoặc vật lý trị liệu trong bài viết sau.

 

1. Biểu hiện bệnh rối loạn tiền đình

Nhiều người không dám đi lại xa, không dám tự lái xe, công việc và các hoạt động sinh hàng ngày bị gián đoạn phải nhờ sợ hỗ trợ từ người khác, chỉ vì các cơn chóng mặt, đau đầu, buồn nôn – biểu hiện đặc trưng của người bị rối loạn tiền đình.

Thậm chí, những bước chân đi lên cầu thang hàng ngày ngay tại chính ngôi nhà của mình cũng khiến nhiều người bệnh cảm thấy sợ hãi vì cơn chóng mặt xuất hiện có thể khiến người bệnh bị ngã bất cứ lúc nào. Đặc biệt là khi ngồi xuống đứng lên, cảm giác chóng mặt tăng lên, người bệnh cảm thấy mọi vật xung quanh như quay cuồng (quay vòng tròn hoặc lộn nhào). Mắc chứng rối loạn tiền đình còn khiến người bệnh hay mất ngủ, đau đầu, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, dễ cáu gắt, thậm chí có biểu hiện trầm cảm. Đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều người.

Rối loạn tiền đình nếu không được điều trị sẽ khiến sức khỏe của người bệnh ngày càng suy giảm, tinh thần suy sụp, tăng nguy cơ biến chứng và gây ra nhiều bệnh lý khác.

Nhận biết các triệu chứng rối loạn tiền để phân biệt với các bệnh lý khác

 

2. Các loại rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình gồm 2 loại là rối loạn tiền đình trung ương và rối loạn tiền đình ngoại biên.

2.1 Rối loạn tiền đình trung ương

Là rối loạn tiền đình xảy ra do nguyên nhân từ trung ương (não). Loại rối loạn này chiếm khoảng 10-20% tổng số người bị rối loạn tiền đình.

2.2 Rối loạn tiền đình ngoại biên

Là rối loạn tiền đình không do nguyên nhân từ trung ương (não) gây ra. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình ngoại biên có thể như: nhiễm virus, nhiễm độc, viêm mê nhĩ,…

Rối loạn tiền đình ngoại biên chiếm khoảng hơn 70% số người bị rối loạn tiền đình và có thể điều trị khỏi.

 

3. Chẩn đoán và điều trị rối loạn tiền đình

3.1 Chẩn đoán bệnh rối loạn tiền đình

Phần lớn người bệnh vào viện có mô tả với bác sĩ rằng họ có biểu hiện chóng mặt, đau đầu có người buồn nôn hoặc không. Nếu chỉ dựa trên các mô tả và thăm khám lâm sàng chưa đủ kết luận chứng chóng mặt của người bệnh là do rối loạn tiền đình. Bởi đây có thể là triệu chứng của các bệnh lý khác, điển hình như thiếu máu não cũng có biểu hiện tương tự.

Để chẩn đoán rối loạn tiền đình, người bệnh cần thực hiện thăm khám cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ não, siêu âm động mạch cổ, đo lưu huyết não… để loại trừ nguyên nhân chóng mặt do bệnh lý khác và đồng thời xem rối loạn tiền đình có phải do nguyên nhân từ não (rối loạn tiền đình trung ương) hay rối loạn tiền đình ngoại biên.

3.2 Điều trị bệnh rối loạn tiền đình

Điều trị nội khoa

Phần lớn bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ngoại biên có thể điều trị khỏi nếu người bệnh tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ và có chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động lành mạnh.

Một số thuốc được sử dụng để hỗ trợ giảm các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, buồn nôn do rối loạn tiền đình gây ra. Đồng thời phải căn cứ vào nguyên nhân gây rối loạn tiền đình để đưa ra phương pháp điều trị, được gọi là điều trị nguyên nhân. Các loại thuốc này có thể có tác dụng với người bệnh này nhưng lại ít hiệu quả với người bệnh khác và có thể gây những tác dụng phụ nếu không được kê đơn chuẩn xác. Muốn sử dụng thuốc đúng và hiệu quả, người bệnh cần được thăm khám và tư vấn đơn thuốc phù hợp.

Bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh tại cơ sở uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và sử dụng thuốc phù hợp

 

Vật lý trị liệu

Xoa bóp và bấm huyệt ở vùng đầu cũng là một trong những biện pháp điều trị rối loạn tiền đình không cần dùng thuốc.

Ở vùng đầu của chúng ta có rất nhiều huyệt như huyệt bách hội, huyệt thượng tinh, huyệt phong trì, huyệt phong phủ, huyệt thái dương, huyệt giác tôn, huyệt hợp cốc, huyệt nội quan, huyệt ngoại quan,.. Việc bấm vào các huyệt này và xoa bóp vùng đầu đúng cách sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, đồng thời làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Việc bấm huyệt nên được thực hiện tại các cơ sở uy tín, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.

 

4. Phòng ngừa rối loạn tiền đình

Bệnh rối loạn tiền đình có thể phòng tránh được. Để làm được điều này bạn cần lưu ý:

– Duy trì huyết áp ổn định

– Duy trì cân nặng phù hợp

– Tăng cường vận động

– Nên tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng

– Uống nhiều nước

– Tránh căng thẳng, stress, lo âu

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về chứng rối loạn tiền đình để phần nào giải tỏa những ám ảnh với căn bệnh này. Những thông tin được chia sẻ chỉ là tham khảo và không thể áp dụng chung cho tất cả các trường hợp bệnh nhân. Khi có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, bạn nên đi khám sớm để được kiểm tra, tư vấn về cách điều trị, ăn uống, vận động sao cho phù hợp với tình trạng của bản thân. Đặc biệt những người hay bị chóng mặt do rối loạn tiền đình trên cơ địa cao huyết áp, tiểu đường, thiếu máu não,… nhất là phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh, nên đi khám sức khỏe định kỳ để được được hướng dẫn điều trị hiệu quả.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top