1. Suy nhược thần kinh và nguyên nhân
1.1 Suy nhược thần kinh là gì?
Suy nhược thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng vỏ não do tế bào não làm việc quá tải dưới sự tác động của nhiều yếu tố, khiến thần kinh bị suy nhược, gây ảnh hưởng đến quá trình nghỉ ngơi và phục hồi của cơ thể.
1.2 Nguyên nhân gây suy nhược thần kinh
Nguyên nhân chính dẫn đến suy nhược thần kinh đó là do trạng thái thần kinh bị kích thích quá mức hoặc căng thẳng quá mức, liên tục trong thời gian dài, dẫn đến suy nhược như áp lực học hành thi cử, áp lực chỉ tiêu công việc, thất bại trong sự nghiệp, đổ vỡ chuyện tình cảm gia đình,
Nguyên nhân khác có thể đến từ lối sống buông thả, không lành mạnh như việc sử dụng quá mức thuốc lá, rượu bia, cà phê, các chất kích thích gây nghiện khác. Hoặc do các bệnh lý về tâm thần gây ra.
2. Biểu hiện của suy nhược thần kinh
Các biểu hiện thường thấy của người suy nhược thần kinh đó là: chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, lo âu, dễ cáu gắt, hồi hộp, tim đập nhanh, khó thở, tức ngực, táo bón…
Suy nhược thần kinh nếu để lâu ngày, không được chữa trị sẽ dẫn tới tổn thương nặng nề cho hệ thần kinh, dẫn đến rối loạn chức năng và giảm sức đề kháng của cơ thể và có thể dẫn đến các căn bệnh lý nguy hiểm như: tiểu đường, các bệnh về tim mạch hay ung thư,…
3. Bệnh suy nhược thần kinh có chữa khỏi không?
Bệnh suy nhược thần kinh có thể chữa khỏi, nhưng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tìm ra nguyên nhân. Việc điều trị không chỉ là dùng thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh mà có khi cần phối hợp điều trị với bác sĩ tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý. Do vậy, người bệnh khi có triệu chứng suy nhược thần kinh nên đến khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh hoặc chuyên khoa tâm thần để được tư vấn, tâm sự, giải tỏa lo âu, stress và xây dựng phương pháp điều trị hiệu quả. Chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không lạm dụng thuốc an thần đề điều trị.
4. Người suy nhược thần kinh nên làm gì?
Để đẩy lùi suy nhược thần kinh người bệnh nên bổ sung những thực phẩm sau:
– Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thức uống có ga, thuốc lá,…để tránh thần kinh bị kích thích, gây hưng phấn, khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
– Ăn nhiều rau xanh hay các loại hoa quả chẳng hạn như chuối, bí đỏ, đu đủ, cam, dứa,.. Tránh các thực phẩm chiên, rán, nướng chứa nhiều dầu mỡ.
– Tập các bài thể dục hay các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, thiền, yoga, khí công, cầu lông, đạp xe… để tăng cường sức khỏe, giúp tinh thần thư thái, thả lỏng.
– Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng hay stress để hệ thần kinh không bị quá tải.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh