1. Các dạng đau đầu thường gặp
1.1. Ðau đầu do căng thẳng thần kinh
Căng thẳng kéo dài, lo lắng là nguyên nhân gây nên tình trạng đau đầu. Đau đầu do căng thẳng thường có triệu chứng nặng đầu, đau một bên đầu. Một số người cảm thấy uể oải, nặng đầu và nóng rát ở trên hai mắt. Đau đầu cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ cằm, cổ và hai vai.
1.2. Ðau đầu từng chuỗi
Là một loại đau đầu do căn nguyên mạch máu, gặp chủ yếu ở nam giới tuổi trung niên và phần lớn là có hút thuốc. Các cơn đau xuất hiện sau khi ngủ từ 1 đến 3 giờ và khi tỉnh dậy, bệnh nhân đã thấy đau đầu nặng. Các cơn đau hay tái phát, ngày có thể đau nhiều lần và kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần liền. Có thể kèm theo các triệu chứng như mặt nề, chảy nước mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi, ra nhiều mồ hôi, sa mí mắt và co đồng tử cùng bên, không buồn nôn và nôn.
1.3. Ðau đầu từng cơn
Những cơn đau dạng này khá hiếm. Nó là một đợt đau đầu từng cơn xảy ra vào nửa đêm, kéo dài từ 15 phút tới 3 tiếng . Khi bị đau, càng nằm càng không thoải mái, bạn nên đi lại vòng quanh. Nếu cơn đau tăng lên hoặc đau đến mức không chịu được, hãy đến bệnh viện khám để được kê đơn thuốc giảm đau.
1.4. Chứng đau đầu rối loạn vận mạch
Đau đầu vận mạch là chứng đau đầu do sự co thắt của các mạch máu vùng đầu và vùng sọ não. Người bệnh có cảm giác đau đầu đột ngột, đau ngang thái dương, tim đập nhanh hơn, kèm theo mất ngủ, người mệt mỏi… rất có thể đã bị chứng đau đầu vận mạch. Đau đầu vận mạch thường kèm theo các triệu chứng như: hoa mắt, nhức mắt, giảm thị lực, rối loạn giấc ngủ.
1.5. Ðau đầu vì viêm xoang
Thường thấy đau nhức ở vùng mặt, ở trán, dưới trán, quãng dưới trán tới hai bên má, sống mũi. Sự viêm nhiễm và nước mũi gây khó chịu cho người bệnh ấn tay vào vùng viêm cũng làm đau thêm. Nguyên nhân có thể do cảm lạnh, dị ứng với một số phấn hoa, một số vấn đề ảnh hưởng tới đường hô hấp như không khí bị ô nhiễm.
2. Biện pháp đối phó với triệu chứng đau đầu
Để phòng tránh đau đầu, mọi người cần giảm trạng thái căng thẳng tinh thần. Thư giãn trước và sau khi làm điều gì đó gây ra nhức đầu.
Thường xuyên thay đổi tư thế khi làm việc ở văn phòng và mỗi giờ thư giãn 30 giây. Chú ý thư giãn cằm, cổ, vai và các cơ lưng trên.
Tập thể dục hằng ngày để giúp giảm căng thẳng.
Ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày.
Hạn chế dùng thức uống có chất caffein. Việc dùng nhiều đồ uống có caffein thường làm tăng chứng nhức đầu.
Không uống rượu bia và không dùng chất kích thích, dễ gây những cơn đau đầu cấp.
Không tự ý dùng thuốc chữa bệnh vì một số thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu.
Nếu trường hợp đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc đau đầu dữ dội, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh