Căng thẳng có thể gây ra chứng đau nửa đầu không?

Chứng đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm đau nhói ở một hoặc cả 2 bên đầu. Cơn đau thường cảm thấy xung quanh thái dương hoặc sau một mắt, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Các triệu chứng khác bao gồm buồn nôn, nôn và nhạy cảm ánh sáng. Mặc dù, các bác sĩ không chắc chắn chính xác nguyên nhân gây ra chứng đau nửa đầu, nhưng cứ 5 người thì có 4 người xác định căng thẳng là nguyên nhân.

Triệu chứng căng thẳng và đau nửa đầu

Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng căng thẳng trước các triệu chứng của cơn đau nửa đầu. Các triệu chứng phổ biến của căng thẳng bao gồm:

  • Đau bụng
  • Đau cơ
  • Cáu gắt
  • Mệt mỏi
  • Đau ngực
  • Huyết áp cao
  • Cảm giác buồn bã hoặc trầm cảm
  • Thiếu quan tâm đến các hoạt động thông thường

Các triệu chứng của chứng đau nửa đầu có thể bắt đầu một hoặc hai ngày trước khi cơn đau nửa đầu thực sự xảy ra. Đây được coi là giai đoạn khởi đầu hoặc giai đoạn tiền triệu. Các triệu chứng của giai đoạn này có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Thèm ăn
  • Thay đổi tâm trạng
  • Đau cơ
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Ngáp

Một số người bị chứng đau nửa đầu có hào quang, xảy ra sau giai đoạn tiền triệu. Hào quang thường gây rối loạn thị lực. Ở một số người, nó cũng có thể gây ra các vấn đề về cảm giác, lời nói và cử động, chẳng hạn như:

  • Nhìn thấy đèn nhấp nháy, điểm sáng hoặc hình dạng
  • Ngứa ran ở mặt, cánh tay hoặc chân
  • Khó nói
  • Mất thị lực tạm thời

Giai đoạn thứ 3 của chứng đau nửa đầu là giai đoạn đau đầu. Các triệu chứng của giai đoạn có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày nếu không được điều trị. Mức độ nghiêm trọng tuỳ từng người. Các triệu chứng bao gồm:

  • Nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng
  • Tăng độ nhạy cảm với mùi và chuyển động
  • Đau nhói đầu hoặc đau kiểu mạch đập, thường ở một bên
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn sau hội chứng. Nó có thể gây ra những thay đổi tâm trạng từ hưng phấn và cảm thấy rất hạnh phúc đến cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức.

 

Làm thế nào để điều trị cơn đau nửa đầu do căng thẳng?

Thuốc

Các loại thuốc để giảm đau nửa đầu bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc acetaminophen (Tylenol).
  • Thuốc giảm đau theo toa, như naproxen
  • Các loại thuốc 3 vòng, như sumatriptan (Imitrex), almotriptan (Axert) và rizatriptan (Maxalt)
  • Ergots, kết hợp ergotamine và caffeine, như Cafergot và Migergot.
  • Ubrogepant (Ubrelvy) có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng đau nửa đầu trong một đợt
  • Rimegepant (Nurtec ODT) có thể được sử dụng để ngăn ngừa chứng đau nửa đầu hoặc điều trị các triệu chứng.

Thuốc trị đau nửa đầu không kê đơn có sẵn kết hợp acetaminophen, aspirin và caffein. Tuy nhiên, có thể gây tác dụng phụ được gọi là đau đầu do lạm dụng thuốc hoặc đau đầu hồi ứng. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen và naproxen đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ chảy máu và loét đường tiêu hoá cũng như đau tim. Do đó, việc sử dụng thường xuyên không được khuyến khích. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng thuốc chống buồn nôn nếu bạn bị buồn nôn và nôn khi bị đau nửa đầu.

Corticosteroid đôi khi được sử dụng với các loại thuốc khác để điều trị chứng đau nửa đầu nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó không được khuyến khích sử dụng thường xuyên vì tác dụng phụ.

Bạn cũng có thể phải dùng thuốc phòng ngừa nếu:

  • Bạn cần uống thuốc giảm đau 3 lần trở lên mỗi tuần
  • Uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ
  • Ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn

Thuốc phòng ngừa được dùng thường xuyên, thường là hàng ngày. Điều trị dự phòng nhằm giảm tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng của các cơn đau nửa đầu. Nếu căng thẳng là nguyên nhân gây ra các cơn đau nửa đầu thì bác sĩ có thể khuyên bạn chỉ nên dùng thuốc trong thời gian căng thẳng cao độ.

Thuốc phòng ngừa bao gồm:

  • Thuốc chẹn beta như propranolol
  • Thuốc chống trầm cảm, như amitriptyline hoặc venlafaxine (Effexor XR)
  • Thuốc đối kháng thụ thể CGRP, như rimegepant (Nurtec ODT) hoặc atogepant (Qulipta)
  • Thuốc chống động kinh như topiramate (Topamax)
  • Tiêm botox ở những vùng có triệu chứng đau nửa đầu

Các phương pháp điều trị khác

  • Kết hợp các bài tập thư giãn vào thói quen hàng ngày của bạn, như yoga và thiền.
  • Nghỉ ngơi trong phòng tối khi bạn cảm thấy cơn đau nửa đầu sắp đến
  • Ngủ đủ giấc, duy trì thời gian đi ngủ cố định mỗi đêm
  • Thử liệu pháp xoa bóp, giúp ngăn ngừa chứng đau nửa đầu, giảm nồng độ cortisol và giảm lo lắng
  • Tập thể dục nhiều ngày hơn, giảm mức độ căng thẳng, giúp giảm bớt tần suất, cường độ và thời gian của các cơn đau nửa đầu
  • Liệu pháp nhận thức hành vi giúp giảm các cơn đau nửa đầu, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn
  • Liệu pháp phản hồi sinh học giúp bạn nhận ra và quản lý các tác động vật lý của căng thẳng

Nếu bạn thấy khó khăn trong việc giảm căng thẳng và thấy rằng căng thẳng là nguyên nhân gây ra các cơn đau nửa đầu thì hãy đi gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top