✴️ Chăm sóc mắt ở người bệnh liệt VII ngoại biên (1 lần)

ĐẠI CƯƠNG

Liệt VII ngoại biên là bệnh lý thần kinh thường gặp, nguyên nhân có thể:

Do virus, do lạnh, u nền sọ, u cầu não, u góc cầu tiểu não.

Do chấn thương: đụng giập, rạn, nứt xương đá.

Do viêm nhiễm: viêm màng não, lao màng não, viêm xương đá, viêm tai cấp hoặc mạn tính, viêm đa rễ dây thần kinh, viêm tủy lan lên, tổn thương thân não.  

Dấu hiệu lâm sàng bao gồm: 

Mắt nhắm không kín bên liệt (dấu hiệu Charles Bell).

Mất hoặc mờ nếp nhăn trán bên liệt.

Nhân trung lệch về bên lành.

Mờ rãnh mũi, má bên liệt.

Mép bên tổn thương xệ xuống.

Không chúm miệng thổi hơi được.

Nhe răng miệng lệch về bên lành.

Mất phản xạ mũi - mi bên liệt.

Có thể có rối loạn vị giác ở 2/3 trước lưỡi.

Chăm sóc người bệnh để dự phòng và tránh các các biến chứng có thể: loét giác mạc, di chứng co thắt cơ mặt.

Hầu hết người bệnh hồi phục trong vòng 3 - 5 tuần. Việc chăm sóc mắt cho người bệnh là hết sức quan trọng đối với điều dưỡng.

 

CHỈ ĐỊNH 

Liệt VII ngoại biên 1 bên hoặc 2 bên. 

Các trường hợp tổn thương mắt khác có liên quan.

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH 

Không có chống chỉ định. 

 

CHUẨN BỊ 

Người thực hiện

01 điều dưỡng.

Phương tiện, dụng cụ, thuốc

Dụng cụ vô khuẩn

Gói chăm sóc (1 khay hạt đậu, 1 bát kền, gạc củ ấu, kìm Kocher, kẹp phẫu tích).

Gạc miếng (dùng để băng mắt), bông cầu. 

Dụng cụ khác

Khay chữ nhật, băng dính, kéo.

Khăn bông nhỏ.

Găng tay.

Túi nilon đựng gạc bẩn.

Thuốc và các dung dịch  

Thuốc tra (nhỏ) mắt theo chỉ định.

Dung dịch Natriclorua 0,9%. 

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Người bệnh 

Điều dưỡng: thăm hỏi người bệnh, giới thiệu tên, chức danh của mình. 

Thông báo, giải thích cho người bệnh hoặc người nhà biết về kỹ thuật sắp làm.

Hồ sơ bệnh án

Có kèm theo phiếu theo dõi và chăm sóc người bệnh.

 

CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kiểm tra hồ sơ.

Kiểm tra người bệnh

Đối chiếu với hồ sơ bệnh án.

Kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp.

Nhận định tình trạng mắt của người bệnh.

Thực hiện kỹ thuật

Điều dưỡng rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang.

Mang dụng cụ đến bên giường người bệnh.

Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu cao 300.

Điều dưỡng sát khuẩn tay, mở gói dụng cụ, rót nước muối ra bát kền, đi găng. 

Dùng kẹp cặp bông cầu nhúng nước muối sinh lý vệ sinh mắt cho người bệnh, thấm khô bằng gạc củ ấu.

Dùng khăn bông lau mặt cho người bệnh.

Tra thuốc mắt cho người bệnh theo chỉ định. 

Dùng gạc miếng che mắt cho người bệnh rồi băng lại. 

Đặt người bệnh về tư thế thoải mái.

Hướng dẫn người bệnh dùng ngón tay sạch để nhắm, mở mắt hàng ngày.

Thu dọn dụng cụ, tháo bỏ găng tay, rửa tay.

Ghi phiếu theo dõi và chăm sóc: (ngày giờ chăm sóc, tình trạng mắt của người bệnh, các dung dịch đã dùng, tên điều dưỡng chăm sóc). 

 

THEO DÕI 

Theo dõi tình trạng mắt, diễn biến của người bệnh thường xuyên sau mỗi lần chăm sóc mắt và tra thuốc mắt.

Tình trạng loét giác mạc hoặc giảm thị lực do khô mắt.

Lưu ý:

Khuyên người bệnh: 

Yên tâm điều trị, nên nghỉ ngơi và ăn uống đủ chất, chú ý sinh tố, trái cây.

Để tránh khô mắt nên:

Sử dụng nước mắt nhân tạo vào ban ngày và tra thuốc mỡ vào ban đêm. 

Tránh ngồi gần cửa sổ hoặc nằm phòng có điều hòa nhiệt độ.

Đeo kính bảo vệ mắt thường xuyên.

Tránh nơi có nhiều bụi bẩn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn Nội - Trường Đại học Y Hà Nội (1993). Nội khoa cơ sở. Triệu chứng học thần kinh. Nhà xuất bản Y học. 76-96. 

Nguyễn văn Huy (2005). Giải phẫu học. Các dây thần kinh sọ. 357-370.

Rebecca M. McCaskey RN,C; Med/Margaret E. Barnes RN, MSN (2004). “Eye, Ear, and Nose Care”. Nursing Procedures, 4th Edition, p 694 - 697. 

“Professional Nursing Skills”. Fundamentals of nursing: concepts, process, and practice, p 418 - 419. Jul 1, 1999. 

John YS Kim, MD “Facial Nerve Paralysis”. eMedicine World Medical Library - Medscape. 2012.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top