Mất ngủ khiến cơ thể bạn trông mệt mỏi và thiếu sức sống. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài (mất ngủ mạn tính) cơ thể sẽ dễ rơi vào trạng thái kiệt sức, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với hàng loạt các vấn đề nguy hại cho sức khỏe. Để biết các biến chứng mất ngủ mạn tính là gì và gây ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, mời các bạn cùng đọc bài viết dưới đây.
Mất ngủ mạn tính hay còn gọi là chứng mất ngủ kinh niên. Đây là tình trạng người bệnh khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được. Nếu tình trạng này nếu kéo dài từ 1 tháng trở lên, thì được gọi là mất ngủ mạn tính.
Theo thống kê tại Việt Nam, tỉ lệ người dân bị mất ngủ đến khám các cơ sở chuyên khoa thần kinh chiếm khoảng 10 – 20% dân số. Trong đó, khoảng 30% người bị bệnh mất ngủ có liên quan đến bệnh lý tâm thần.
Mất ngủ có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới, nhưng thường gặp nhất vẫn là người già (người trên 60 tuổi) và những người ở độ tuổi trung niên từ 40 tuổi trở lên, phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh. Ngày nay, dưới áp lực cuộc sống, căng thẳng, stress, cùng những thói quen không tốt như: thức khuya, xem điện thoại, chơi game, sử dụng chất kích thích,… khiến tình trạng mất ngủ mạn tính gia tăng nhanh ở giới trẻ.
Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi, khó chịu hay cáu gắt, kém tập trung, năng suất lao động giảm sút. Khi chất lượng giấc ngủ kém còn làm giảm hiệu quả quá trình trao đổi chất trong não dẫn đến mất các tế bào thần kinh, gây viêm trong não và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Theo nghiên cứu, những người thiếu ngủ hoặc mất ngủ có khả năng mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 25% so với người ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ tốt.
Mất ngủ kéo dài dẫn dễ gây rối loạn tâm thần. Người bệnh thường có các biểu hiện bất thường, ám ảnh, có ảo giác bị người khác theo dõi, ám hại mình nên phải trốn tránh. Do đó người bệnh có những hành vi trả thù và có thể gây ra những án mạng. Tình trạng này được gọi là rối loạn hành vi của những người bị rối loạn tâm thần, nguyên nhân do mất ngủ kéo dài gây ra.
Estrogen là hormone có tác dụng quan trọng đối với cơ thể phụ nữ. Đối với hệ thần kinh, estrogen có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, phục hồi synap, tăng cường tưới máu não. Khi phụ nữ bước sang tuổi 30+ khả năng sản sinh estrogen suy giảm. Điều này khiến phụ nữ hay bị giật mình, khó đi vào giấc ngủ, nhiều người bị mất ngủ kéo dài. Khi bị thiếu ngủ, sẽ ảnh hưởng ngược nội tiết tố và tạo thành 1 vòng luẩn quẩn.
Khi bạn thức, tim sẽ đập nhanh hơn để đưa máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Còn khi bạn ngủ, cơ thể không đòi hỏi lưu lượng máu nhiều, do đó nhịp tim chậm và tim được nghỉ ngơi nhiều hơn. Nếu thiếu ngủ hoặc mất ngủ kéo dài khiến tim phải làm việc quá sức (ngủ càng ít, tim càng phải hoạt động nhiều hơn) dẫn tới tăng huyết áp. Ngược lại huyết áp tăng có thể tác động ngược trở lại gây rối loạn giấc ngủ hoặc mất ngủ kéo dài.
Trào ngược dạ dày thực quản, viêm – loét dạ dày,.. khiến người bệnh đau đớn, trằn trọc, mất ngủ. Bên cạnh đó, mất ngủ cũng là hung thủ khiến bệnh tiêu hóa trở nên trầm trọng hơn. Điều này là do khi bị mất ngủ, gây tình trạng căng thẳng, làm tăng tiết dịch axit HCL (axit dạ dày) quá mức gây hại đến niêm mạc dạ dày. Người mắc các bệnh viêm, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh lý đường ruột sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) và mất ngủ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho thấy: những người ngủ dưới 6,5 tiếng mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn (do có tỷ lệ kháng insulin cao hơn) so với người ngủ nhiều hơn 7,5 tiếng mỗi ngày. Thiếu ngủ làm giảm quá trình chuyển hóa glucose, ảnh hưởng đến sự thèm ăn và khiến cơ thể bạn cảm thấy đói nhiều hơn.
Mất ngủ làm giảm tiết enzyme tiêu hóa khiến cơ thể ăn uống kém ngon miệng, gầy sút, suy nhược cơ thể và kéo theo nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
Nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính được chia thành 2 yếu tố:
– Do bệnh lý: rối loạn tuần hoàn não, hạ đường huyết, đau nửa đầu migraine, viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh bệnh Parkinson, giang mai thần kinh, rối loạn tiền đình, bệnh tâm thần, bệnh tim mạch, bệnh dạ dày, bệnh tiểu đường, bệnh cơ xương khớp, bệnh hô hấp,… có thể dẫn tới chứng mất ngủ kinh niên. Ngược lại, biến chứng mất ngủ mạn tính cũng có thể kéo theo hàng loạt các bệnh lý nêu trên.
– Tác động bên ngoài: căng thẳng, thức khuya, làm mất nhiệt cơ thể trước khi đi ngủ, phòng ngủ bí, ồn ào và ánh sáng không phù hợp, thói quen sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ, ăn quá no vào buổi tối trước khi đi ngủ,…
Vì vậy, nếu có biểu hiện mất ngủ bạn cần lưu ý xem xét các nguyên nhân, yếu tố gây tác động đến giấc ngủ để loại bỏ càng sớm càng tốt. Người bị mất ngủ kéo dài cần đi thăm khám với bác sĩ để được kiểm tra, tìm rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị tốt nhất. Tuyệt đối bạn không nên tự ý sử dụng các loai thuốc an thần vì nếu sử dụng không đúng bạn có thể bị phụ thuộc vào thuốc và các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh