Đột quỵ xảy ra khi máu cung cấp lên não bị ngưng trệ khiến một phần não hoặc toàn bộ não bị tổn thương. Trải qua cơn đột quỵ, người bệnh có thể bị liệt vận động, rối loạn nhận thức, khó nói,…hoặc nặng hơn có thể tử vong. Khả năng sống và mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào nguyên nhân, thời gian phát hiện và cấp cứu khi đột quỵ xảy ra.
Người bệnh bị đột quỵ có khả năng tái phát cao. Ước tính trong khoảng 5 năm đầu tiên, tỷ lệ tái phát là 25%. Vì vậy, người bệnh cần phải tìm được nguyên nhân gây đột quỵ và có kế hoạch phòng ngừa bệnh tái phát. Hãy thông báo cho gia đình và người xung quanh biết tình trạng của bạn để khi cơn đột quỵ bất ngờ xảy ra, mọi người có thể phát hiện và đưa bạn đi cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân của cơn đột quỵ khi tái phát lại thường giống với lần đầu, bao gồm:
– Huyết áp tăng cao không kiểm soát được: Đây là nguyên nhân dẫn đến nhồi máu và đột quỵ.
– Cholesterol cao: Cholesterol tích tụ dẫn đến sự hình thành các mảng bám trong thành động mạch. Khi đó lượng máu đến não và các bộ phận khác bị giảm đi, hay gọi là thiếu máu lên não.
– Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao làm tăng khả năng hình thành các cục máu đông và làm tổn thương các mạch máu.
– Hút thuốc: Khói thuốc làm cô đặc máu và các mảng bám tích tụ trong động mạch.
– Tăng cân, béo phì: Tình trạng thừa cân là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Béo phì còn có liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, huyết áp và đái tháo đường.
– Các bất thường về tim: Các bất thường này có thể gây hình thành các cục máu đông trong tim và di chuyển đến não.
Có thể phòng ngừa tái phát đột quỵ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây đột quỵ. Các biện pháp chủ yếu là:
– Uống thuốc theo đúng đơn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thêm các loại thuốc khác
– Tái khám đúng lịch và tuân thủ liệu trình
– Không tự ý thêm – bớt liều thuốc vì điều này có thể khiến các yếu tố nguy cơ không được kiểm soát tốt, dẫn đến đột quỵ quay lại.
Huyết áp tăng lên là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ cao nhất. Trải qua cơn đột quỵ, người bệnh cần được bác sĩ và người nhà theo dõi huyết áp sát sao. Việc này giúp huyết áp của người bệnh luôn được đảm bảo dưới ngưỡng tối đa và hạn chế đột quỵ.
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi chế độ ăn uống và đo huyết áp hàng ngày. Việc theo dõi huyết áp là rất quan trọng vì khi huyết áp tăng cao người bệnh sẽ không cảm nhận được dấu hiệu đột quỵ.
Cholesterol hay còn gọi là mỡ máu. Khi lượng cholesterol cao sẽ dẫn đến xơ vữa mạch máu và hình thành các cục máu đông. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là dạng đột quỵ nhồi máu não.
Đối với người bệnh bị đái tháo đường, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 3 lần so với bình thường. Vì vậy, cần điều chỉnh chế độ ăn uống để làm giảm lượng đường trong máu và hạn chế biến chứng của bệnh.
Ngoài ra, người bị tiểu đường cũng dễ mắc các bệnh khác như huyết áp cao và béo phì. Đây cũng là yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi. Khói thuốc làm làm tăng quá trình xơ vữa động mạch và khiến máu dễ đông hơn. Vì vậy, người bệnh đột quỵ cần bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
Rượu làm tăng nồng độ triglycerid trong máu, đây là một loại mỡ máu có thể gây xơ vữa động mạch. Ngoài ra, rượu còn làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.
Chế độ ăn uống và vận động thể dục thể thao rất quan trọng trong quá trình phục hồi cũng như phòng ngừa tái phát đột quỵ. Các chuyên gia khuyên sau đột quỵ, người bệnh nên:
– Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, hải sản, thịt nạc, ngũ cốc hạt và chất xơ. Đây là các thực phẩm tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
– Ăn nhiều cá, nên ăn cá ít nhất 2 lần / tuần. Các loại cá tốt cho sức khỏe là cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi,…
– Hạn chế đồ chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và đường.
– Không nên ăn quá mặn vì tiêu thụ nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp.
– Luyện tập thể dục thường xuyên giúp điều hòa huyết áp, giảm nguy cơ tiểu đường và giảm nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, vận động thể thao cũng giúp người bệnh nâng cao sức khỏe và tinh thần. Các vận động được ưu tiên là đi bộ, chạy, bơi lội, yoga, dưỡng sinh,…
– Hạn chế uống rượu: Tối đa 1 ly cho nữ và 2 ly cho nam trong 1 ngày.
– Giữ cân nặng ổn định: Béo phì và thừa cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh về huyết áp, tim mạch và tiểu đường.
Nghiên cứu cho thấy, có đến 35% người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn sau đột quỵ. Thời gian phục hồi có thể kéo dài từ 3 tháng đến 2 năm. Vì vậy, người bệnh không nên mất hy vọng, hãy tích cực điều trị để phục hồi. Để giảm tỷ lệ tái phát người bệnh cần tuân thủ liệu trình và tái khám đều đặn. Khi phát hiện triệu chứng đột quỵ tái phát hãy đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và cấp cứu kịp thời.
Tóm lại, đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách làm giảm các yếu tố nguy cơ như bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh tim, hút thuốc,… Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp người bệnh phát hiện sớm các triệu chứng bất thường và có biện pháp cải thiện kịp thời.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh