✴️ Mất ngủ là bệnh gì, nguyên nhân do đâu?

Nội dung

1. Mất ngủ là bệnh gì và biểu hiện như thế nào?

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng, giúp cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Ngủ đủ giấc và ngon giấc là bí quyết giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh, đầy năng lượng cũng như tinh thần sảng khoái để làm việc, học tập và tận hưởng cuộc sống.

Thông thường, mỗi người sẽ ngủ trung bình khoảng 7 – 8 tiếng/đêm và dao động từ 4 – 11 tiếng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, giấc ngủ có thể gặp những rối loạn. Trong đó loại rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất là tình trạng mất ngủ. 

Các triệu chứng của mất ngủ thường gặp nhất là:

– Khó đi vào giấc ngủ, nằm trằn trọc mãi không ngủ được

– Ngủ không ngon giấc, tỉnh giấc nhiều lần trong khi ngủ và khó ngủ lại 

– Ngủ hay mơ

– Sáng dậy mệt mỏi, không có cảm giác được nghỉ ngơi

Rối loạn giấc ngủ có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và tự hết (mất ngủ cấp tính) nhưng cũng có thể kéo dài (mất ngủ mạn tính), gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cảnh báo những bệnh lý khó lường.

Mất ngủ là tình trạng người bệnh khó ngủ và khó duy trì giấc ngủ ngon.

 

2. Mất ngủ là dấu hiệu của những căn bệnh gì?

Các bệnh lý mà người bệnh gặp phải có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc gây đau nhức, khó chịu, khiến giấc ngủ không được trọn vẹn. Nguyên nhân này thường gặp ở những người bị mất ngủ mạn tính. Một số bệnh lý tiêu biểu có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ gồm: 

 

2.1 Bệnh dị ứng

Các chất gây dị ứng trong không khí có thể gây viêm đường mũi, gây tắc nghẽn và nghẹt mũi. Những triệu chứng của bệnh này có thể xảy ra vào cả ban ngày và ban đêm. Điều này có thể làm gián đoạn giấc ngủ ở nhiều mức độ, gây ra bệnh mất ngủ.

 

2.2 Bệnh viêm khớp

Những người mắc bệnh viêm khớp thường gặp khó khăn trong việc thiết lập và duy trì giấc ngủ. Họ thường cảm thấy đau đớn, khó chịu bởi tình trạng viêm. Đồng thời tâm lý lo lắng cũng có thể khiến người bệnh không ngủ được… Việc thiếu ngủ cũng có thể các triệu chứng viêm khớp tăng nặng và gây đau.

 

2.3 Bệnh tim mạch

Bệnh động mạch vành và các vấn đề tim mạch khác cũng là những nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ. Các bệnh nhân mắc bệnh tim có thể gặp tình trạng đau ngực khi gắng sức, ho, khó thở về đêm,…gây khó chịu và khiến giấc ngủ bị gián đoạn.

 

2.4 Các vấn đề về tuyến giáp

Hoạt động bất thường của tuyến giáp, đặc biệt là tình trạng cường giáp có thể làm các chức năng trao đổi chất khác của cơ thể bị ảnh hưởng. Điều này khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn và tràn đầy năng lượng, giảm thư giãn và khó vào giấc ngủ.

Sự hoạt động quá mức của tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ.

 

2.5 Trào ngược dạ dày thực quản

Các nghiên cứu cho thấy bệnh trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất ngủ, đặc biệt là đối với những người trong độ tuổi từ 45 đến 64. Triệu chứng điển hình của bệnh này  là ợ nóng, ho và nghẹt thở khi nằm xuống. Bên cạnh đó, một số triệu chứng khác như viêm nướu, đau họng, ợ hơi và hôi miệng cũng là nguyên nhân gây ra bệnh mất ngủ.

 

2.6 Các bệnh lý về tâm thần

Những người bị trầm cảm, hưng cảm, rối loạn stress sau khi gặp phải chấn thương, rối loạn lo âu lan tỏa, nghiện rượu hoặc thuốc phiện, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ… đều có nguy cơ cao bị mất ngủ.

 

2.7 Các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ khác

Hội chứng ngưng thở khi ngủ, chứng hoảng sợ trong giấc ngủ, ác mộng, mộng du,… cũng có thể là những rối loạn giấc ngủ gây ra bệnh mất ngủ.

 

3. Những ai hay bị mất ngủ?

Ngoài những người mắc bệnh lý, tình trạng mất ngủ còn dễ xảy ra ở những đối tượng sau: 

– Người cao tuổi: Các thống kê cho thấy càng lớn tuổi số giờ ngủ và chất lượng giấc ngủ càng giảm. Vì vậy, người già thường có nguy cơ bị mất ngủ cao hơn. Tuy nhiên, càng ngày, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa chủ yếu do các thói quen không lành mạnh.

– Phụ nữ tiền mãn kinh: Phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh thường bị rối loạn giấc ngủ do sự thay đổi nội tiết tố.

– Người hay đi công tác: Nếu đi công tác ở những địa điểm có múi giờ khác nhau thì cơ thể có thể không kịp thích ứng với sự thay đổi giờ giấc, lịch sinh hoạt… dẫn đến mất ngủ.

– Người có nhiều áp lực, thường xuyên căng thẳng: Tình trạng căng thẳng quá mức hoặc trong thời gian dài, con người rất dễ trở nên giận dữ, kích động hoặc thu mình lại, đôi khi họ mất khả năng tập trung. Điều này tạo áp lực lên hệ thần kinh, gây mất ngủ thường xuyên.

– Người phải sống trong môi trường nhiều tiếng ồn, không sạch sẽ: Môi trường bất lợi là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Phụ nữ ở tuổi mãn kinh dễ gặp phải tình trạng mất ngủ.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu mất ngủ là bệnh gì và những nguyên nhân gây mất ngủ phổ biến. Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của mất ngủ, hãy chủ động thăm khám sớm với các bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top