✴️ Nên khám bệnh sa sút trí tuệ ở đâu?

Sa sút trí tuệ là một trong các hội chứng thần kinh nguy hiểm thường gặp ở người từ 60 tuổi trở lên. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trí nhớ, suy nghĩ và ngôn ngữ của người bệnh. Nếu được phát hiện sớm, người bệnh sẽ được chăm sóc và điều trị, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm nguy cơ biến chứng, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Nên khám bệnh sa sút trí tuệ ở đâu? Những dấu hiệu gợi ý sa sút trí tuệ người bệnh cần đi khám là gì? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 

1. Sa sút trí tuệ thường gặp ở người lớn tuổi

1.2 Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Sự lão hóa của cơ thể theo thời gian là điều khó tránh khỏi, hệ thần kinh của bạn cũng dần bị lão hóa theo tuổi tác. Nhưng sa sút trí tuệ không đơn thuần là quá trình lão hóa thông thường của não bộ theo tuổi tác, mà đây còn là hội chứng thần kinh nguy hiểm có thể do nhiều bệnh lý khác gây ra.

Bệnh sa sút trí tuệ là một loại rối loạn thần kinh nhận thức, gây suy giảm nhận thức, rối loạn hành vi, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng ghi nhớ, suy nghĩ và ngôn ngữ của người bệnh. Sa sút trí tuệ thường gặp ở những người lớn tuổi, độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Hiện nay tại Việt Nam theo ước tính có khoảng 500.000 người bị sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1% trong số đó được chẩn đoán và điều trị, phần lớn người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân nhầm lẫn sa sút trí tuệ với chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già nên đã chủ quan, không đưa người bệnh đi thăm khám, điều này khiến bệnh ngày càng nặng, gây ra nhiều áp lực cho bệnh nhân và gia đình.

Sa sút trí tuệ là một trong các hội chứng thần kinh nguy hiểm thường gặp ở người từ 60 tuổi trở lên

 

1.2 Những ảnh hưởng do bệnh sa sút trí tuệ gây ra

Bệnh sa sút trí tuệ có nhiều dạng (thể) khác nhau, trong đó chiếm khoảng 70% là bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế và tử vong ở người cao tuổi.

Ngoài bệnh lý Alzheimer, sa sút trí tuệ còn gồm rất nhiều dạng khác nhau. Theo các nhà khoa học, mặc dù chưa có phương pháp điều trị giúp chữa khỏi sa sút trí tuệ nhưng việc phát hiện càng sớm sẽ giúp điều trị có hiệu quả hơn rất nhiều so với người bệnh được đưa đến khi bệnh đã nặng.

Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh bị hạn chế khả năng ghi nhớ, vận động và ngôn ngữ, khiến họ phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào người chăm sóc. Việc chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ ở giai đoạn bệnh nặng cũng gặp rất nhiều khó khăn như: người bệnh không tự vệ sinh cá nhân được, không hợp tác, thậm chí còn có những hành động hung hăng làm tổn thương bản thân, người chăm sóc và những người xung quanh.

 

2. Nên khám bệnh sa sút trí tuệ ở đâu?

2.1 Bệnh nhân sa sút trí tuệ nên khám chuyên khoa nào?

Hiện nay, nhiều người Việt Nam bị sa sút trí tuệ đang không thăm khám đúng chuyên khoa nên dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn, kéo theo điều trị khó khăn hơn và gây ra nhiều hậu quả không mong muốn. Trong khi đó, những người đã có ý thức thăm khám và điều trị bệnh lại thắc mắc nên khám bệnh sa sút trí tuệ ở đâu hiệu quả?

Một số gia đình chia sẻ, đã từng đưa người bệnh đến các cơ sở đa khoa để thăm khám với các bác sĩ đa khoa tổng quát nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Lý giải điều này, các chuyên gia nội thần kinh cho biết: Hiện nay tại Việt Nam, việc nhận diện và chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ còn hạn chế, nhất là ở một số đơn vị y tế nhỏ. Nếu như các bác sĩ không nắm vững chuyên môn, không đủ các trang thiết bị máy móc để kiểm tra, sẽ rất dễ bỏ qua bệnh sa sút trí tuệ.

Vì vậy, khi người thân có biểu hiện sa sút trí tuệ, bạn nên họ đến cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa thần kinh học để được thăm khám, chẩn đoán đúng và có phác đồ điều trị hiệu quả.

2.2 Chuyên khoa thần kinh nào uy tín?

Sa sút trí tuệ là một hội chứng thần kinh, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh là người nắm tốt nhất các kiến thức về thần kinh học, đã được huấn luyện và có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát hiện sớm sa sút trí tuệ từ các biểu hiện bên ngoài, các bài đánh giá chuyên biệt nhằm khảo sát các chức năng và có chỉ định cận lâm sàng (chụp chiếu, xét nghiệm) phù hợp, giúp người bệnh tìm ra nguyên nhân, ngoại trừ các nguyên nhân khác có liên quan.

 

3. Đừng chủ quan trước các biểu hiện sa sút trí tuệ

Dựa vào các biểu hiện để chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ không phải là điều đơn giản. Tùy thuộc vào mỗi người, tùy thuộc vào khu vực não bộ bị tổn thương mà mỗi bệnh nhân sa sút trí tuệ có các biểu hiện và mức độ không giống nhau.

Sau đây là một số gợi ý về biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ, bạn tuyệt đối đừng chủ quan:

3.1 Giai đoạn đầu

Hay quên, không nhớ rõ ngày tháng, đi lạc ở những nơi quen thuộc.

3.2 Giai đoạn giữa

Không nhớ các sự kiện diễn ra gần đây, hay lạc đường, gặp khó khăn khi giao tiếp, lặp đi lặp lại một câu hỏi, cần người khác hỗ trợ thêm trong việc chăm sóc bản thân.

Nếu không được phát hiện sớm, người bệnh sa sút trí tuệ sẽ quên các sự kiện diễn ra trong quá khứ, quên tên mình, quên người thân và phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc

 

3.3 Giai đoạn muộn

Không nhận ra người thân, không biết về thời gian và địa điểm, khó khăn khi vận động và chăm sóc bản thân, thay đổi tính cách trở nên khó tính hung hăng, hay đi lang thang hoặc nằm liệt giường.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top