Nguy hiểm của chứng kén ăn ở trẻ em

Đối với hầu hết các bậc cha mẹ, một đứa trẻ kén ăn chỉ đơn giản là do chúng trải qua trạng thái tiêu cực nhất thời.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thuộc Đại học Y Duke, tình trạng kén ăn có thể có liên hệ với những rối loạn lo lắng và trầm cảm.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pediatrics, khoảng hơn 20% trẻ từ 2 – 6 tuổi được xếp vào nhóm kén ăn, đa số là kén ăn ở mức trung bình. Số còn lại, khoảng 3% được xếp vào nhóm kén ăn nghiên trọng. Lượng thức ăn mà những trẻ này nạp vào cơ thể ít đến nỗi mà trẻ thường không thể ăn chung bữa ăn với những thành viên khác. Điều đó có nghĩa là cha mẹ thường phải chuẩn bị riêng bữa ăn cho những trẻ này.

 

Hậu quả của tình trạng kén ăn

Tiến sỹ Nancy Zucker, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về rối loạn ăn uống Duke - trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và bác sỹ trong việc xác định xem khi nào tình trạng kén ăn trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả những đối tượng kén ăn mức độ trung bình và nghiêm trọng đều xuất hiện những triệu chứng tiến triển của bệnh trầm cảm, ám ảnh sợ xã hội và tình trạng lo lắng nói chung.

Theo Giáo sư - tiến sỹ William Copelan thuộc khoa Tâm lý Đại học Duke và là đồng tác giả của nghiên cứu, một kết luận được rút ra từ nghiên cứu là tầm quan trọng của sự liên kết chặt chẽ giữa các bác sỹ nhi khoa và các chuyên gia khác trong việc hỗ trợ cho những trẻ em này khi chúng vẫn còn nhỏ. Ông nói: “Chúng ta cần phải giúp đỡ những bậc cha mẹ. Chúng ta cần biết được tình trạng kén ăn của trẻ có ảnh hưởng như thế nào đến gia đình và làm cách nào các gia đình có thể tìm kiếm được sự trợ giúp. Tại thời điểm này, các bác sỹ cần tiếp tục theo dõi trẻ do kén ăn có thể là dấu hiệu cho những vấn đề tâm lý về sau.”

 

Trạng thái lo lắng có quan hệ như thế nào đến tình trạng kén ăn

Nghiên cứu tập trung vào nhóm trẻ trước tuổi đi học với tình trạng kén ăn mức độ trung bình và nghiêm trọng, những đối tượng xuất hiện những triệu chứng lo lắng và những rối loạn tâm thần khác.

Nghiên cứu này, với sự khảo sát ban đầu trên 3.433 trẻ đã từng tới các phòng khám, đã tìm ra rằng những trẻ có thói quen kén chọn trong ăn uống thường có xu hướng xuất hiện những dấu hiệu lo lắng nói chung cao gấp hai lần những trẻ bình thường.

Trẻ với tình trạng kén ăn mức độ trung bình và nặng đều có các tiêu chuẩn trong thang đánh giá rối loạn dung nạp thức ăn kiểu kén chọn.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng bệnh kén ăn thường ít phổ biến hơn trong những gia đình người Mỹ gốc Phi so với những da đình da trắng.

Zucker nói rằng một số đối tượng kén ăn sẽ có những giác quan trở nên nhạy cảm hơn mà có thể khiến cho mùi, vị và kết cấu của một vài loại thức ăn trở nên quá mức bình thường, gây cảm giác chán ghét việc ăn uống. Đối với những trẻ khác, hành vi bất thường của chúng được kích thích bởi những ký ức tồi tệ đối với một loại thức ăn nào đó. Chúng trở nên lo lắng khi phải đối mặt với một món ăn mới hay bị bắt buộc phải thử những thức ăn đã từng ác cảm thêm lần nữa.

Liệu kén ăn có thể gây ra các rối loạn về cảm xúc nào khác hay liệu trẻ có trở nên dễ bị tổn thương bởi những trạng thái lo lắng khác, bao gồm cả vấn đề với thức ăn hay không?

Hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Họ vẫn chưa biết được chúng có mối quan hệ nhân quả hay không mặc dù giữa chứng kén ăn và tình trạng lo lắng, trầm cảm vẫn có mối liên hệ nào đó. Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ mối quan hệ này.

 

Điều trị cho những trẻ mắc chứng kén ăn

Tiến sỹ Katherine K. Dahlsgaard, một chuyên gia tâm lý thuộc Phòng khám Anxiety Behaviors và là Giám đốc của Khoa nghiên cứu về trẻ kén ăn thuộc Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia là người đã từng điều trị cho rất nhiều trẻ gặp phải tình trạng này.

Trong một bài báo được xuất bản đầu năm, bà đã thảo luận một số phương pháp có thể giúp đỡ trẻ mắc phải căn bệnh này. Một cách là lặp lại việc cho trẻ tiếp xúc với những loại thức ăn mới hoặc những thứ trẻ không thích.

Bà nói: “Việc tiếp tục động viên trẻ cắn một hoặc hai miếng bông cải xanh thay vì từ chối không ăn sẽ khuyến khích trẻ dễ dàng đón nhận những thực phẩm mới hơn. Đây là trách nhiệm của cha mẹ trong việc giúp trẻ tiến từng bước để giải quyết tình trạng này.”

Việc khuyến khích trẻ có thưởng cũng khá hiệu quả. Hãy thưởng cho trẻ những món quà như việc được chơi điện tử hay xem một chương trình mà chúng yêu thích nếu trẻ ăn hết những thức ăn được yêu cầu.

Tuy nhiên, không nên nuông chiều hoặc khuyến khích những hành vi không tốt. Chú tâm quá nhiều vào những hành vi xấu của trẻ biếng ăn như khi trẻ rên rỉ, khóc lóc, la hét… sẽ chỉ làm chúng tiếp tục những thói quen xấu này.

Không có khả năng rằng những trẻ em này sẽ tiếp tục bị tình trạng kén ăn đeo đuổi cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, do trẻ mắc chứng biếng ăn thường gặp phải khá nhiều vấn đề về sức khỏe nên chúng ta cần phải có những biện pháp để giúp cha mẹ và các bác sỹ biết được khi nào và bằng cách nào có thể phòng ngừa được hội chứng này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top