✴️ Phòng bệnh Parkinson bằng cách nào?

Nội dung

Bệnh parkinson không chỉ là căn bệnh của người cao tuổi, mà ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Một trong những biện pháp quan trọng để hạn chế số bệnh nhân Parkinson gia tăng là phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ. Vậy phòng bệnh Parkinson bằng những cách nào? Bài viết sẽ cung cấp cho bạn đọc các kiến thức hữu ích và phương pháp được chuyên gia khuyến khích trong việc phòng bệnh Parkinson. Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

 

1. Nguyên nhân gây bệnh Parkinson

Parkinson gồm 2 loại là: hội chứng Parkinson và bệnh Parkinson. Để nói chính xác nguyên nhân gây bệnh Parkinson là gì thì cho đến hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể kết luận chính xác. Nhưng có một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh này bao gồm:

1.1 Thoái hóa các tế bào thần kinh theo tuổi tác

Các chuyên gia về thần kinh học nhận định: Parkinson là bệnh lý xảy ra do mất các tế bào thần kinh tiết ra dopamine trong một khu vực của não giữa, thường do tình trạng thoái hóa các tế bào thần kinh trong cơ thể, gây ra run, co cứng (tăng trương lực cơ) và suy giảm chức năng vận động.

Dopamine hay Dopamin là một hóa chất hữu cơ quan trọng. Nó có chức năng vừa là hooc-môn vừa là chất dẫn truyền thần kinh.  Dopamine trong cơ thể do các tế bào neuron thần kinh trong não tiết ra (là chủ yếu), một số khác do một số tế bào tại ở một số cơ quan khác trong cơ thể tiết ra như mạch máu, ở thận, trong tuyến tụy, trong hệ tiêu hóa và trong hệ thống miễn dịch. Các đường dẫn truyền dopamine trong não có tác dụng kiểm soát vận động và điều hòa thần kinh.

Như vậy, theo nhận định trên thì thoái hóa hay nói cách khác tuổi tác cao là một trong những yếu tố làm suy giảm hoặc mất các tế bào thần kinh tiết dopamine.

Các tế bào não sản sinh ra dopamine dần suy yếu và chết đi, khiến các chất dẫn truyền thần kinh (dopamine) không được sản sinh gây ra bệnh parkinson.

1.2 Các yếu tố khác

Ngoài ra, theo các chuyên gia một số yếu tố tác động có thể gây bệnh Parkinson đó là:

– Ngộ độc

– Chấn thương đầu

– Môi trường ô nhiễm (tiếp xúc nhiều với các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu,…)

– Bệnh lý khác gây ra

– Di truyền

 

2. Phòng bệnh Parkinson bằng cách nào hiệu quả?

Như đã phân tích ở trên, các yếu tố tuổi tác, ngộ độc, chấn thương, tiếp xúc với hóa chất, bệnh lý, di truyền,… chỉ là các yếu tố có nguy cơ gây bệnh Parkinson. Về nguyên nhân khiến các tế bào sản xuất ra dopamine chết đi, hiện vẫn là chủ đề còn phải tiếp tục nghiên cứu mới có kết luận chính xác.

Hiện nay chưa có một loại thuốc nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh Parkinson hay ngăn ngừa bệnh Parkinson không xảy ra. Tuy nhiên, có một số phương pháp phòng bệnh Parkinson nói chung mà các chuyên gia thần kinh học khuyên bạn nên áp dụng bao gồm.

2.1 Chăm sóc tốt cho trí não để phòng bệnh Parkinson

Tránh làm việc quá căng thẳng, tránh thức khuya, tránh lo lắng trong thời gian dài, tránh sử dụng các loại thực phẩm và đồ uống không tốt cho trí não, nhất là các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… Có chế độ nghỉ ngơi và tập luyện vừa sức, đều đặn hàng ngày.

Các biện pháp ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi và làm việc khoa học, tập thể dục thường xuyên,… là biện pháp cần thiết để phòng ngừa bệnh parkinson.

2.2 Thăm khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng trong phòng bệnh Parkinson

Thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là sức khỏe hệ thần kinh để kịp thời can thiệp, xử trí và có hướng điều chỉnh, điều trị sao cho phù hợp.

Đặc biệt, người có gia đình gồm bố, mẹ, anh/chị/em bị Parkinson nên để ý các dấu hiệu và thăm khám sức khỏe hệ thần kinh ngay khi có các dấu hiệu bất thường như run tay, chân; co cứng cơ; giảm chức năng vận động để kịp thời có biện pháp điều chỉnh.

2.3 Chế độ ăn, uống khoa học để phòng ngừa bệnh Parkinson

Người bệnh Parkinson cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng, đa dạng các loại chất. Trong đó, nên ưu tiên bổ sung các chất thô, tinh bột, rau xanh, trái cây, các thực phẩm tốt cho trí não. Hạn chế tiêu thụ thịt, không nên ăn các đồ ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ,…

 

3. Làm gì khi thấy người bệnh có biểu hiện Parkinson?

Nếu gia đình hay người thân có biểu hiện mắc bệnh Parkinson, bạn nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán chính xác, loại trừ một số bệnh lý cũng có biểu hiện run tay chân tương tự như Parkinson và có hướng điều trị phù hợp.

Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh:

3.1 Tuân thủ đơn thuốc

Các loại thuốc cho người bệnh sử dụng cần được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi cho người bệnh dùng thuốc, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ: dùng đúng liều lượng, không bỏ thuốc giữa chừng, không tự ý thay đổi loại thuốc. Nếu thấy người bệnh có các tác dụng phụ khi dùng thuốc, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.

3.2 Chế độ sinh hoạt của người bệnh

Parkinson là vấn đề rất quan trọng và thường gây nhiều khó khăn cả cho người bệnh và người chăm sóc. Khi cho người bệnh Parkinson ăn hay uống bạn nên cho ăn, uống từ từ, chia ra thành nhiều bữa nhỏ; tránh ăn nhanh, nhiều một lúc có thể dẫn đến sặc, suy hô hấp. Động viên người bệnh là việc làm vô cùng quan trọng, để người bệnh lạc quan, vui vẻ có ý chí tiếp tục sống, tích cực vận động. Tránh dè bỉu, coi thường, mắng chửi người bệnh khiến họ dễ bị trầm cảm, nghĩ mình vô dụng.

3.3 Chế độ tập luyện

Bên cạnh việc dùng thuốc, bệnh nhân Parkinson nên được tích cực tập luyện để duy trì các khớp được linh hoạt, khiến việc vận động tay, chân không gặp nhiều khó khăn.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về căn bệnh Parkinson và cách phòng bệnh Parkinson. Những kiến thức này chỉ có tính tham khảo. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về căn bệnh này hay cần tư vấn, đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nội thần kinh của chúng tôi, bạn vui lòng liên hệ theo số điện thoại phía dưới. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe!

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top