Rối loạn lo âu toàn thể là gì?

Triệu chứng

Triệu chứng chính của căn bệnh này là cảm giác lo lắng kèm căng thẳng liên tục và quá mức mà không có lý do nhất định nào cả. Hoặc bạn cũng có thể cảm thấy cực kỳ  lo lắng vì những điều đơn giản như việc thanh toán các hóa đơn, các mối quan hệ xã hội và sức khỏe của bản thân. Bạn cũng thường xuyên bị mất ngủ và lúc nào đầu óc cũng chứa đầy những suy nghĩ rối bời. Bạn sẽ trở nên cực kỳ cáu gắt và khó tính do ít ngủ cũng như việc lo lắng quá nhiều.

Sự lo lắng cũng biểu hiện thành triệu chứng trên cơ thể bao gồm:

  • Đau và căng cơ
  • Đau đầu
  • Buồn nôn và tiêu chảy
  • Run rẩy hay co giật

Căn bệnh này sẽ gây phiền phức cho bạn rất nhiều. Bạn sẽ không ngừng lo lắng về mọi thứ và cảm thấy rất khó khăn để thư giãn, ngay cả khi đã cố gắng làm điều gì đó để bản thân vui vẻ. Trong những trường hợp nặng, căn bệnh này còn có thể ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ và hoạt động hàng ngày.

 

Đối tượng dễ mắc bệnh

Bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể, ngay cả trẻ em. Căn bệnh này thường diễn biến từ từ, triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện từ thời thơ ấu và giai đoạn trung niên. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp hai lần nam giới.

 

Nguyên nhân

Yếu tố gien di truyền dường như đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của chứng rối loạn lo âu toàn thể nhưng không phải là duy nhất. Chính hoàn cảnh sống và những kinh nghiệm bạn đã trải qua cũng góp phần gây nên căn bệnh này. Các chất dẫn truyền thần kinh tại não bộ cũng như một cấu trúc nằm ở trung tâm não bộ gọi là “hạch hạnh nhân” dường như cũng có liên quan đến căn bệnh này.

 

Chẩn đoán

Không có xét nghiệm nào có thể phát hiện được bệnh nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa trên việc miêu tả triệu chứng. Các câu hỏi bác sỹ sẽ thường hỏi bao gồm: Bạn lo lắng về điều gì? Có thường xuyên không? Tình trạng lo lắng của bạn có ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày không? Căn bệnh bạn mắc có thể là chứng rối loạn lo âu toàn thể nếu bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng quá mức kéo dài ít nhất 6 tháng.

 

Liệu pháp tâm lý giúp hỗ trợ như thế nào

Liệu pháp trò chuyện với bệnh nhân tỏ ra khá hiệu quả trong việc điều trị lo lắng. Nó được gọi là liệu pháp nhận thức hành vi. Một chuyên gia tư vấn sẽ giúp bạn nhận biết được các suy nghĩ và hành động tiêu cực của mình. Bạn có thể cần phải làm các bài tập về nhà, ví dụ như viết ra những suy nghĩ khiến bạn lo lắng quá mức. Bạn cũng sẽ được học cách giữ bình tĩnh cho bản thân.

 

Các loại thuốc chống lo âu

Một số loại thuốc chống trầm cảm mới có tác dụng khá tốt trong việc làm giảm chứng lo âu, và thường phải mất khoảng 4 tuần mới phát huy tác dụng. Bác sỹ cũng có thể kê cho bạn các thuốc an thần nhóm benzodiazepine trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù một số thuốc nhóm này có thể gây lệ thuộc. Đôi khi, những thuốc chống trầm cảm thế hệ cũ có thể điều trị được chứng rối loạn lo âu toàn thể nếu các triệu chứng của bạn có bao gồm trầm cảm và hoảng loạn. Bạn cũng nên trao đổi với bác sỹ và lợi ích và nguy cơ khi sử dụng những thuốc này.

 

Chăm sóc bản thân

Một số thay đổi đơn giản có thể giúp mang lại những chuyển biến tốt. Việc tránh xa caffein, các thuốc gây nghiện và thậm chí một số thuốc cảm cúm có thể giúp cải thiện các triệu chứng lo âu. Cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống đủ dinh dưỡng. Bạn cũng nên áp dụng một số liệu pháp giúp thư giãn như ngồi thiền đồng thời tăng cường luyện tập thể dục thể thao. Nghiên cứu đã chứng minh rằng hoạt động thể lực với cường độ trung bình (như đi bộ nhanh) có thể giúp bạn lấy lại bình tĩnh.

 

Các liệu pháp điều trị từ thảo mộc: Cần thận trọng

Nếu bạn muốn sử dụng một loại thực phẩm chức năng để giúp cải thiện căn bệnh của mình thì nên hỏi ý kiến bác sỹ trước để đảm bảo chúng an toàn khi sử dụng. Ví dụ như kava, một thảo mộc giúp làm dịu căng thẳng, chống mệt mỏi lại có thể gây độc cho gan. Cao chiết cây ban (St. John’s wort) để điều trị trầm cảm có thể gây tương tác với các thuốc khác, bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc tránh thai.

 

Khi tình trạng của bạn không còn là lo lắng đơn thuần

Những người mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể có thể dẫn tới trầm cảm, nghiện rượu hay nghiện ma túy. Họ cũng rất hay gặp phải những rối loạn về tâm lý khác như rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và ám ảnh sợ xã hội.

Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ là một giai đoạn lo âu căng thẳng dữ dội diễn ra trong thời gian ngắn, gây ra cảm giác sợ hãi mãnh liệt cho cơ thể. Các triệu chứng bao gồm tim đập thình thịch, vã mồ hôi, hoa mắt, buồn nôn hay đau ngực. Bạn cảm giác như mình đang bị đau tim, sắp chết hay mất ý thức. Nếu chứng rối loạn hoảng sợ không được chữa trị đúng đắn và hiệu quả, người bệnh sẽ không thể làm việc và sinh hoạt bình thường ở nơi làm việc hay ở nhà. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ, chuyện học hành, công việc và những sự kiện quan trọng khác trong cuộc sống của người đó.

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý

Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý là một rối loạn tâm lý, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau khi sự kiện đã kết thúc từ lâu. Các triệu chứng bao gồm người bệnh thường xuyên có những hồi tưởng sống động về những sự kiện đã trải qua và mất đi hứng thú với các hoạt động đã từng làm họ thích thú. Họ cũng gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm. Họ thường cảm thấy khó chịu, thậm chí trở nên bạo lực. Việc điều trị bao gồm sử dụng thuốc và tư vấn tâm lý.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn về nhân cách được đặc trưng bởi sự cầu toàn, trật tự và ngăn nắp một cách cực đoan, ví dụ như họ luôn cảm thấy cần phải lặp lại một số quy tắc như rửa tay hay kiểm tra xem cửa đã khóa chưa. Người bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cũng sẽ cảm thấy có một nhu cầu lớn trong việc áp đặt các tiêu chuẩn của cá nhân họ lên môi trường bên ngoài. Căn bệnh này được điều trị bằng thuốc và tâm lý trị liệu.

Ám ảnh sợ xã hội

Ám ảnh sợ xã hội là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường.  Biểu hiện thể chất thường thấy là tim đập nhanh, đỏ mặt, đổ mồ hôi, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn. Người bệnh bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình, luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, họ có thể bỏ học hoặc bỏ việc.

 

Bạn có thể nhận hỗ trợ ở đâu

Hãy trao đổi với bác sỹ trước. Nếu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể, bác sỹ có thể giới thiệu cho bạn đến gặp những chuyên gia điều trị về tâm thần.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top