Tầm quan trọng của việc cha mẹ đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Một nghiên cứu tại Mỹ đã chỉ rõ nếu cha mẹ biết và can thiệp đúng cách, thì một giờ trẻ tự kỷ tiếp xúc với cha mẹ sẽ hiệu quả hơn 5 giờ học cùng chuyên gia. Muốn vậy, cha mẹ phải học cách chấp nhận bệnh tật của con, phải có niềm tin vào việc điều trị và theo học nghiêm túc những khoá đào tạo cha mẹ có con tự kỷ.

Với trẻ tự kỷ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chăm sóc sức khoẻ và giáo dục, từ điều trị, giáo dục hướng dẫn thay đổi hành vi, trị liệu ngôn ngữ, tập luyện thể thao, tác động bằng âm nhạc… để giúp trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng. Theo đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên gia tự kỷ, cần có sự vào cuộc của cham mẹ. Bởi hơn bất cứ bác sĩ hay thầy cô giáo nào, cha mẹ là những người quyết định sự thành công vì họ có thể gần gũi, tác động tích cực thường xuyên, giúp trẻ tự kỷ tiến bộ.

Tuy nhiên, những khoá đào tạo dành cho cha mẹ tự kỷ tại Việt Nam hiện không nhiều. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với tự kỷ, phần lớn chỉ dừng ở mức giáo dục để thay đổi hành vi, cảm xúc. Ít có những cơ sở cung cấp phương pháp giáo dục chuẩn mực cho trẻ khuyết tật.

Tại các bệnh viện, phương pháp can thiệp chủ yếu là y học nhưng lại thiếu các chuyên gia giáo dục. Bệnh viện cũng thường quá tải nên thời gian can thiệp dành cho mỗi cháu quá ngắn, chỉ khoảng 20-30 phút nên hiệu quả tác động còn chậm. Các Trung tâm tư nhân có cán bộ giáo dục nhưng lại “khuyết” chuyên gia y tế. Nếu có cả 2 thì phần lớn cán bộ đang tham gia công tác chăm sóc – điều trị cho trẻ tự kỷ lại chưa được đào tạo bài bản.

Tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh với 3 biểu hiện đặc trưng là trẻ bị khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có các hành vi lặp đi lặp lại và chỉ tập trung vào một số sở thích/chú ý nhất định. Trẻ hay bị tăng động, không có khả năng tư duy, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, không thể kiểm soát hành vi, có nhiều hành vi bất thường.

Hiện tỉ lệ trẻ tự kỷ tại Mỹ đã tăng lên 1/65 (cách đây 20 năm là 1/1.000 trẻ) trong báo cáo tại Hội thảo quốc tế về tự kỷ tháng 3/2016. Còn ở Việt Nam, nếu lấy con số tỉ lệ trẻ mắc tự kỷ trung bình là 1% thì trên cả nước khoảng 500.000 trẻ mắc căn bệnh này.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top