1. Thiếu máu não cục bộ tạm thời có nguy hiểm không?
Thiếu máu não gồm thiếu máu não cục bộ và thiếu máu não cục bộ tạm thời. Đa số người bệnh thường mắc chứng thiếu máu não cục bộ tạm thời.
Về thiếu máu não cục bộ tạm thời, đây là bệnh khởi phát đột ngột, có biểu hiện thần kinh khu trú, và các triệu chứng này diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, thông thường khoảng 15-20 phút sau đó hết.
Các biểu hiện thần kinh khu trú ở thiếu máu não cục bộ tạm thời như:
– Liệt nửa người cả tay cả chân hoặc tay hoặc chân
– Tê bì nửa người
– Rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc nói mà người khác không hiểu/người khác nói mà người bệnh không hiểu được).
– Mất thị lực một mắt
– Liệt mặt
– Méo miệng
Trường hợp này, thiếu máu não triệu chứng thường diễn ra trong một thời gian ngắn, sau đó khả năng vận động của cơ thể sẽ điều chỉnh trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy rất nhiều người bệnh chủ quan bỏ qua, điều này rất nguy hiểm vì nguyên nhân tiềm ẩn gây thiếu máu não vẫn luôn tiềm ẩn, thường xuyên tái phát sẽ có nguy cơ gây đột quỵ não thể nhồi máu não.
Thiếu máu não cục bộ tạm thời báo hiệu cho cơn nhồi máu não có thể xảy ra trong tương lai. Vì vậy, người bệnh cần hết sức lưu ý nếu có dấu hiệu thiếu máu não, không được chủ quan bỏ qua.
2. Thiếu máu não dấu hiệu nhận biết là gì?
Thiếu máu não dấu hiệu dễ nhận biết nhất là xuất hiện các cơn nhức đầu, hoa mắt, xây xẩm mặt mày, chóng mặt, đi đứng không vững.
Thiếu máu não cục bộ và thiếu máu não tạm thời về cơ bản có biểu hiện tương đối giống nhau. Tuy nhiên thiếu máu não cục bộ sẽ diễn ra lâu hơn (>24h) và người bệnh dễ gặp các biến chứng ngay như đột quỵ nhồi máu não, liệt, mất ý thức, …
Thiếu máu não dấu hiệu không khó để nhận biết, tuy nhiên hiện nay rất nhiều người có tâm lý chủ quan trước những dấu hiệu cảnh báo cơn thiếu máu não. Chính tâm lý chủ quan cho rằng thiếu máu não chỉ diễn ra trong chốc lát rồi tan biết, sẽ không để lại hậu quả, đã khiến nhiều người bệnh phải đối mặt với cơn đột quỵ não.
3. Nguyên nhân gây thiếu máu não cục bộ tạm thời
Do 2 cơ chế chính gây ra:
– Cơ chế đầu tiên là do huyết động: bệnh lý tim mạch, huyết áp, nghẽn mạch gây thiếu máu cục bộ tạm thời.
– Cơ chế tiếp theo là do làm giảm lưu lượng tuần hoàn: bệnh lý vỡ xơ động mạch, hẹp mạch máu não, bệnh lý tim mạch làm rối loạn nhịp gây hình thành cục máu đông (huyết khối) đi lên não dẫn tới thiếu máu não tạm thời.
Những bệnh nhân bị thiếu máu não cục bộ nếu được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời sẽ đáp ứng điều trị rất tốt và quyết định sinh mạng cũng như di chứng tàn tật của người mắc đột quỵ não.
“Thời gian là não” hãy đưa người bệnh có dấu hiệu thiếu máu não dù là thiếu máu não cục bộ thoáng qua hãy đến ngay bệnh viện, khám tại khoa cấp cứu hoặc chuyên khoa nội thần kinh để được bác sĩ xử trí kịp thời, ngăn chặn biến chứng nguy hiểm.
4. Những lưu ý dự phòng nguy cơ đột quỵ não
– Kiểm soát huyết áp thường xuyên, nếu có tăng huyết áp cần phải dự phòng và điều trị tích cực.
– Kiểm soát và điều trị tích cực những người có bệnh lý tim mạch, đặc biệt là hẹp van 2 lá.
– Kiểm soát chặt chẽ đường máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường.
– Phòng ngừa béo phì, hạn chế rượu bia và các chất kích thích.
– Tránh căng thẳng tâm lý
– Giữ ấm cơ thể, không để cơ thể bị lạnh đột ngột
– Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để xử trí và ngăn ngừa kịp thời.
– Thiếu máu não dấu hiệu nhận biết cần nắm vững để xử trí hiệu quả.
Đột quỵ não cần được cấp cứu khẩn cấp, trong khi chờ xe cấp cứu người nhà bệnh nhân cần tuyệt đối lưu ý những điều sau:
Nếu bệnh nhân vẫn còn tỉnh thì:
– Đặt người bệnh nhân nằm nghiêng, đầu kê hơi cao.
– Không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì.
– Nếu người bệnh bị liệt khi vận chuyển cần trợ giúp hoặc đặt nằm nghiêng sang bên lành.
Nếu bệnh nhân hôn mê thì:
– Tiến hành các bước sơ cứu như trường hợp bệnh nhân tỉnh.
– Cần hô hấp nhân tạo khi thấy tim ngừng đập hoặc ngừng thở.
– Gọi điện thoại ngay tới các cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp cấp cứu.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh