Xử trí bệnh đột quỵ não

Tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất tổn thương mà triệu chứng ở các bệnh nhân có thể rất khác nhau. Vì vậy, triệu chứng đột quỵ não rất đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta có thể phát hiện nhanh chóng hầu hết trường hợp đột quỵ não ngay tại nhà bằng bộ ba triệu chứng phổ biến nhất:

Cần nghĩ tới đột quỵ não nếu một người đột ngột xuất hiện ít nhất 1 trong 3 triệu chứng

Liệt mặt: bảo bệnh nhân làm động tác nhe răng, thổi lửa thấy miệng không cân xứng

Liệt chi: bảo bệnh nhân giang ngang 2 tay thấy 1 tay xệ xuống

Liệt vận ngôn: nói khó, thay đổi giọng nói, thậm chí không nói được

Mức độ nặng, có thể xuất hiện các biểu hiện:

Rối loạn ý thức: đáp ứng chậm chạp, có thể hôn mê, gọi hỏi không trả lời

Rối loạn tâm thần: nói vô nghĩa…

Rối loạn hô hấp: thở nhanh nông

Rối loạn tuần hoàn: huyết áp tăng rất cao hoặc tụt huyết áp

Ngoài ra, có thể xuất hiện nhiều triệu chứng khác:

  • Đau đầu: thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ thể chảy máu
  • Buồn nôn - nôn: thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ thể chảy máu
  • Chóng mặt
  • Mờ một mắt
  • Tê bì nửa người….

Điểm đáng chú ý là các triệu chứng này xuất hiện đột ngột. Có thể trong hoàn cảnh bệnh nhân đang khỏe mạnh và sinh hoạt hoàn toàn bình thường.

Các xét nghiệm cần làm khi bệnh nhân nhập viện:

Các bệnh nhân đột quỵ cần được làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh, bệnh phối hợp và toàn trạng sức khỏe.

  • Xét nghiệm máu: phát hiện đái tháo đường; rối loạn lipid máu; chức năng gan - thận…
  • Điện tim: phát hiện các loạn nhịp tim, đặc biệt rung nhĩ.
  • Siêu âm tim: đánh giá cấu trúc tim, van tim và chức năng co bóp của tim. Các tổn thương van tim, suy tim là một yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
  • Siêu âm mạch máu: siêu âm mạch máu não đoạn ngoài sọ (đoạn cổ) cho phép phát hiện các mảng vữa xơ. Siêu âm Doppler xuyên sọ cho phép đánh giá tốc độ dòng máu các mạch máu lớn đoạn trong sọ.
  • Cắt lớp vi tính sọ não: là một xét nghiệm chuyên biệt cho phép chẩn đoán xem bệnh nhân có bị đột quỵ não không. Nếu bị đột quỵ thì là thể đột quỵ gì (chảy máu hay nhồi máu), vị trí tổn thương, mức độ tổn thương…
  • Cộng hưởng từ sọ não: cho phép phát hiện sớm và khảo sát chi tiết hơn các tổn thương nhồi máu não, đặc biệt nhồi máu não giai đoạn sớm 24 giờ đầu. Nhìn chung, cắt lớp vi tính là xét nghiệm rẻ tiền hơn, thời gian làm nhanh hơn cộng hưởng từ  nên được ưu tiên chỉ định cho bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ.

Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm chuyên biệt khác tùy thuộc từng bệnh nhân

 

Cần làm gì khi nghi ngờ bị đột quỵ não?

Với trường hợp triệu chứng nhẹ: cần xem ngay đồng hồ và ghi nhớ thời gian khởi phát triệu chứng; đồng thời khẩn trương vào cơ sở y tế gần nhất.

Với trường hợp nặng:

  • Đỡ người bệnh để không bị ngã mạnh
  • Đặt nằm chỗ thoáng, nới lỏng quần áo, tháo bỏ răng giả (nếu có). Nếu bệnh nhân buồn nôn/ nôn cần cho nằm nghiêng để tránh trào ngược chất nôn vào đường thở.
  • Ghi nhớ giờ bệnh nhân khởi phát triệu chứng đầu tiên: đây là thông tin quan trọng để bác sĩ lựa chọn biện pháp điều trị
  • Gọi xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất

 

Những việc nên tránh đối với bệnh nhân đột quỵ não

  • Xoa dầu, cạo gió, cúng bái…
  • Vỗ đập, lay gọi để hy vọng bệnh nhân tỉnh lại
  • Để nhà theo dõi xem có khỏe lại không
  • Cho ăn, uống nước: bệnh nhân đột quỵ não thường rối loạn nuốt nên rất dễ bị sặc, hít thức ăn vào đường thở.
  • Tự cho uống thuốc không theo chỉ định của bác sĩ

Yếu tố nguy cơ đột quỵ là những đặc điểm của một cá thể hoặc một nhóm cá thể, có liên quan đến khả năng mắc bệnh đột quỵ cao hơn các cá thể hoặc nhóm cá thể khác không có các đặc điểm đó. Có khoảng hơn 20 yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não, chúng được chia vào 2 nhóm:

1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

Tuổi (đa số gặp trên 45 tuổi), giới tính (nam gặp nhiều hơn nữ), chủng tộc, di truyền… Chúng ta không thể thay đổi được các yếu tố này. Tuy nhiên, việc nhận thức về vấn đề này cung cấp thông tin về những đối tượng cần đề cao công tác dự phòng.

2. Các yếu tố nguy cơ thay đổi được

Có 4 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp; đái tháo đường; béo thể trung tâm (béo bụng) và rối loạn lipid máu. Ngoài ra còn nhiều yếu tố nguy cơ có thể thay đổi khác như: nghiện rượu, hút thuốc lá, cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, các bệnh lý tim mạch, căng thẳng tâm lý…

2.1. Tăng huyết áp

Gọi là tăng huyết áp nếu huyết áp ≥ 140/90mmHg

Việc phát hiện tăng huyết áp khá đơn giản bằng thao tác đo huyết áp mà bất kỳ nhân viên y tế nào cũng thực hiện được. Mọi người cũng có thể tự kiểm tra huyết áp bằng một máy đo huyết áp tự động có trên thị trường.

Tuy nhiên, một tỷ lệ khá cao dân chúng lại không có ý thức quan tâm đến vấn đề này. Hậu quả là nhiều người để huyết áp tăng cao một thời gian dài không điều trị, đến khi gây biến chứng (ví dụ đột quỵ não) thì hậu quả rất nặng nề

2.2. Đái tháo đường

Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ não từ 2-6,5 lần, tăng tỷ lệ tử vong lên 2 lần. Đường máu của người bình thường 3,9-6,0mmol/l. Một người được chẩn đoán đái tháo đường khi:

Mức Glucose máu ở thời điểm bất kì >11mmol/l

Hoặc mức Glucose máu lúc đói > 7mmol/l

Chẩn đoán tiền đái tháo đường (tức là chưa bị đái tháo đường thực thụ nhưng có dấu hiệu báo động):

Rối loạn dung nạp glucose: glucose máu thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 7,8-11mmol/l

Suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói: glucose máu lúc đói tăng dưới 7mmol/l và glucose máu thời điểm 2 giờ sau nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống tăng dưới 7,8mmol/l

Triệu chứng biểu hiện bệnh đái tháo đường giai đoạn sớm thường rất mờ nhạt hoặc hầu như không có gì. Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều, gầy sút cân nhanh.

Mọi người cần định kỳ khám xét nghiệm kiểm tra đường máu. Bệnh nhân đái tháo đường có thể tự xét nghiệm đường máu tại nhà bằng các loại máy xét nghiệm đường máu.

2.3. Rối loạn lipid máu

Khi hàm lượng lipid trong máu quá cao là điều kiện thuận lợi để lipid “ngấm” vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng vữa xơ động mạch.

2.4. Vữa xơ động mạch

Mảng vữa xơ hình thành trong lòng động mạch sẽ làm chít hẹp dần lòng mạch có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra, trôi theo dòng máu, đến gây tắc ở vị trí mạch máu khác

2.5. Béo phì

Béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch . Trong các thể béo phì, thể béo bụng có liên quan với hội chứng chuyển hóa chặt chẽ hơn cả

2.6. Hút thuốc lá

Hút thuốc lá gây nhiều tác hại đối với sức khỏe, trong đó có nguy cơ gây các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, vữa xơ động mạch, rối loạn nhịp tim… và đột quỵ não. Nên khuyến cáo bỏ thuốc lá đối với những trường hợp đang hút thuốc.

2.7. Uống rượu nhiều

Uống rượu gây tăng huyết áp, vữa xơ động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Do vậy, người uống rượu nhiều có nguy cơ cao bị đột quỵ chảy máu não. Đồng thời, khi đột quỵ thường rất nặng nề

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top