Suy thận sống được bao lâu là quan tâm hàng đầu của bệnh nhân và người nhà. Suy thận theo thời gian nếu không được điều trị thay thế, người bệnh có nguy cơ tử vong cao do các biến chứng.
1. Suy thận là gì?
Là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa và độc tố trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra và kéo theo sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hormone. Thận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng, do đó khi chức năng thận bị giảm sút, cơ thể sẽ phát sinh nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Trả lời cho câu hỏi này, theo các bác sĩ và chuyên gia y tế, tỷ lệ sống sót của người bệnh suy thận khác nhau trong từng trường hợp cụ thể do bản chất khó lường của bệnh. Các yếu tố ảnh hưởng tới cơ hội điều trị thành công và hồi phục của bệnh nhân suy thận là: loại suy thận, giai đoạn phát triển của suy thận, sức khỏe tổng thể và đáp ứng với điều trị.
Một yếu tố khác có tác động rất lớn cần lưu ý khi chẩn đoán liệu người bệnh suy thận còn sống được bao lâu là nguyên nhân gây bệnh. Tỷ lệ suy giảm chức năng thận phụ thuộc phần nào vào các bệnh tiềm ẩn gây ra suy thận và khả năng kiểm soát, điều trị các căn bệnh này. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây suy thận:
– Bệnh tiểu đường
– Tăng huyết áp
– Bệnh cầu thận
– Các bệnh thận di truyền
– Chất độc và các chấn thương
Suy thận mạn: tiến triển kéo dài, âm ỉ theo thời gian, còn được gọi là “căn bệnh thầm lặng” vì các triệu chứng hầu như không xuất hiện trong giai đoạn đầu. Suy thận mạn nếu không điều trị có thể gây tử vong. Ngoài ra người bị suy thận mạn còn có nguy cơ tử vong cao do đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Trong hầu hết các trường hợp, suy thận mạn vẫn tiếp tục phát triển cho dù được điều trị. Tuy nhiên các phương pháp điều trị sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và hạn chế các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh.
Suy thận cấp: xảy ra khi chức năng thận xảy ra nhanh chóng do nhiều nguyên nhân cấp tính gây nên. Những người bị suy thận cấp có nguy cơ gặp nhiều biến chứng bao gồm: động kinh, xuất huyết và hôn mê. Tuy nhiên phương pháp lọc máu có thể xử lý hiệu quả những biến chứng đe dọa tính mạng. Trong hầu hết các trường hợp nếu nguyên nhân không xuất phát từ thiệt hại của các mô thận, bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn.
Điều quan trọng cần phải nhớ là không phân biệt bệnh nhân mắc loại suy thận nào, nếu không điều trị chắc chắn sẽ dẫn tới tử vong. Đó là lý do tại sao cần phát hiện sớm các triệu chứng của suy thận để tiến hàng các xét nghiệm chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời. Chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp người bệnh nâng cao cơ hội điều trị thành công.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh