✴️ Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên như thế nào?

Nội dung

Bệnh tiểu đường type nào ảnh hưởng đến người trẻ tuổi?

Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 đều ảnh hưởng đến việc sử dụng insulin của cơ thể. Mặc dù type 1 thường gặp hơn ở những người trẻ nhưng cả hai đều ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên.

Bệnh tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em xảy ra khi tuyến tụy không thể sản xuất insulin. Nếu không có insulin, đường không thể đi từ máu vào tế bào làm lượng đường trong máu tăng cao.

Bệnh tiểu đường type 1 gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi trung bình là 13 tuổi. Ước tính 85% tất cả các chẩn đoán tiểu đường type 1 xảy ra ở những người dưới 20 tuổi. Điều trị bằng cách sử dụng insulin lâu dài và theo dõi lượng đường trong máu cũng như quản lý chế độ ăn uống và tập thể dục.

Bệnh tiểu đường type 2

Bệnh tiểu đường type 2 ít gặp hơn ở trẻ nhỏ. Hơn 75% trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 2 có người thân mắc bệnh, đó là do di truyền hoặc do cùng thói quen sinh hoạt.  Đa phần, người bệnh sẽ cần dùng thuốc. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa bệnh tiểu đường type 2 bằng cách:

  • Thay đổi chế độ ăn uống;

  • Tập thể dục nhiều hơn;

  • Duy trì cân nặng vừa phải;

Triệu chứng

Triệu chứng của bệnh tiểu đường tương tự nhau ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Một số triệu chứng giống nhau ở cả hai type nhưng có một số khác biệt giúp phân biệt.

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em có xu hướng phát bệnh nhanh trong một vài tuần. Các triệu chứng tiểu đường type 2 chậm hơn. Có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để phát hiện bệnh.

Bệnh tiểu đường type 1

Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường type 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên:

  • Khát nhiều và tiểu nhiều;

  • Đói liên tục;

  • Giảm cân;

  • Mệt mỏi;

  • Cáu gắt;

  • Hơi thở có mùi trái cây;

  • Mờ mắt;

sụt cân là một trong những triêu chứng của đái tháo đường

Sụt cân là một triệu chứng thường thấy trước khi được chẩn đoán. Nhiễm nấm vùng kín ở nữ cũng có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Trẻ có thể bị nhiễm toan ceton do tiểu đường (DKA) tại thời điểm chẩn đoán. Điều này xảy ra khi cơ thể bắt đầu đốt chất béo để lấy năng lượng do thiếu insulin tạo ra ceton máu và axit hóa máu dẫn đến tình trạng nghiêm trọng đến tính mạng.

Bệnh tiểu đường type 2

Các triệu chứng chính của bệnh tiểu đường type 2:

  • Đi tiểu nhiều đặc biệt là vào ban đêm;

  • Khát nhiều;

  • Mệt mỏi;

  • Giảm cân không giải thích được;

  • Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục, có thể do nhiễm nấm;

  • Chậm lành vết thương;

  • Mờ mắt, khô mắt;

Một triệu chứng khác của tình trạng kháng insulin là sự phát triển của các mảng da sẫm màu, mịn, được gọi là acanthosis nigricans .

Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng có thể liên quan đến kháng insulin, mặc dù nó không phải là tiêu chuẩn triệu chứng của bệnh.

Một số trẻ không được chẩn đoán cho đến khi các triệu chứng đã nghiêm trọng và có thể gây tử vong. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ nên đưa trẻ đi khám nếu trẻ nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.

 

Đừng bỏ qua các triệu chứng

Trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh tiểu đường thường gặp bốn triệu chứng chính nhưng nhiều trẻ sẽ chỉ có một hoặc hai hoặc có thể không có triệu chứng gì.

Nếu trẻ đột nhiên khát nước nhiều, mệt mỏi hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thườn thì cha mẹ cần lưu ý đến khả năng mắc bệnh tiểu đường của trẻ.

Điều quan trọng là cần được chẩn đoán sớm và có kế hoạch điều trị càng sớm càng tốt.

Biến chứng

Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh tiểu đường type 1 là nhiễm toan ceton do tiểu đường. 

Nhiễm toan ceton do tiểu đường

Nhiễm toan ceton do tiểu đường là một biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng cần được điều trị ngay.

Nếu mức insulin rất thấp, cơ thể không thể sử dụng glucose để làm năng lượng. Thay vào đó, nó bắt đầu phân hủy chất béo để lấy năng lượng.

Điều này dẫn đến việc cơ sản xuất ra ceton, có thể gây độc ở mức độ cao. Sự tích tụ của ceton gây ra axit hóa máu cơ thể.

Chẩn đoán sớm và quản lý bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa nhiễm toan ceton do tiểu đường, nhưng điều này không phải lúc nào cũng khả thi. Nhiễm toan ceton do tiểu đường phổ biến hơn ở trẻ em có chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1 trễ.

Một cuộc điều tra năm 2008 cho thấy trong số 335 trẻ em dưới 17 tuổi mắc bệnh tiểu đường loại 1 mới khởi phát, hơn 16% trường hợp chẩn đoán ban đầu không chính xác. Thay vào đó, họ nhận được các chẩn đoán sau:

  • Nhiễm trùng hệ hô hấp: 46,3%;

  • Nhiễm nấm Candida vùng chậu 16,6%;

  • Viêm dạ dày ruột: 16,6%;

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: 11,1%;

  • Viêm miệng: 11,1%;

  • Viêm ruột thừa : 3,7%;

Biến chứng tiểu đường type 2

Nếu không điều trị, bệnh tiểu đường loại 2 tiến triển nhanh hơn ở người trẻ so với người lớn. Những người trẻ hơn cũng có nguy cơ mắc các biến chứng cao hơn như bệnh thận và mắt. Ngoài ra nguy cơ bị cao huyết áp và tăng cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu.

Bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em thường xảy ra với béo phì. Béo phì ảnh hưởng đến khả năng sử dụng insulin của cơ thể do đó việc phát hiện sớm bệnh tiểu đường type 2 và quản lý tình trạng thừa cân, béo phì là rất quan trọng.

Cần khuyến khích trẻ theo một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Chẩn đoán

Bất kỳ trẻ em nào có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh tiểu đường đều nên đi khám bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nước tiểu để tìm đường trong nước tiểu hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra mức đường huyết của trẻ. Các bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ nên cho con làm xét nghiệm bệnh tiểu đường nếu:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2;

  • Bị béo phì;

  • Có nguồn gốc da đen hoặc châu Á;

  • Hiển thị bằng chứng về kháng insulin như acanthosis nigricans;

Kết quả điều trị cho trẻ em bị bệnh tiểu đường type 1 hoặc 2 sẽ cải thiện rất nhiều nếu được phát hiện sớm.

Phòng ngừa

Hiện tại không thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 1, nhưng bệnh tiểu đường type 2 phần lớn có thể phòng ngừa được. Các bước sau đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ nhỏ:

  • Duy trì cân nặng vừa phải: Thừa cân làm tăng nguy cơ phát bệnh tiểu đường vì nó làm tăng khả năng kháng insulin;

  • Duy trì hoạt động thể chất : tập thể dục làm giảm tình trạng kháng insulin và giúp kiểm soát huyết áp;

  • Hạn chế thực phẩm và đồ uống có đường: Tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân và các vấn đề về chức năng insulin. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng - với nhiều vitamin , chất xơ và protein sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2;

Tóm lược

Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ em và thanh thiếu niên đang tăng lên. Bệnh tiểu đường type 1 thường gặp ở người trẻ hơn so với bệnh tiểu đường type 2 nhưng tỷ lệ của cả hai đều đang tăng lên.

Trong hầu hết các trường hợp, mọi người có thể kiểm soát các triệu chứng của cả bệnh tiểu đường bằng một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và thuốc.

Khi kiểm soát tốt tình trạng bệnh người bệnh tiểu đường có thể sống một cuộc sống khỏe mạnh.

Xem thêm: Tiểu đường ở người trẻ liên quan đến các bệnh lý tim mạch và đột quỵ

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

return to top